Lỗ hổng thương mại điện tử

Theo Bộ Công thương, 7 năm qua, các trang web thương mại phát triển bùng nổ, từ 763 trang web năm 2013 lên trên 10.000 trang web vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đạt mức 35% mỗi năm. Dự đoán trong năm 2020, mua bán trực tuyến tại Việt Nam tăng 52%, nâng tổng doanh thu lên 13 tỷ USD.

Có thể nói, hoạt động TMĐT là xu hướng kinh doanh tất yếu trong thời đại công nghệ số và hội nhập kinh tế toàn cầu. Giao dịch TMĐT được nhiều người lựa chọn vì sự tiện ích cho cả người bán và người mua như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại...

Tuy nhiên, TMĐT nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Thực tế, nhiều mặt hàng giả, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai, dễ dàng tung ra thị trường theo hình thức kinh doanh trực tuyến.

Điển hình như ngày 7-7, lực lượng chức năng đột kích kho hàng kinh doanh hàng giả, hàng lậu online lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố Lào Cai do Trần Thành Phú (sinh năm 1992) điều hành, thu giữ trên 160.000 sản phẩm. Kho hàng này chuyên nhập từ Trung Quốc các sản phẩm giày, dép, đồng hồ, kính mắt và hàng tiêu dùng giả nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng như Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... Sau khi khách đặt mua hàng trực tuyến, các nhân viên thực hiện đóng hàng và vận chuyển theo đường chuyển phát nhanh. Trung bình 1 tháng, cơ sở này bán ra thị trường khoảng 90.000 sản phẩm; doanh số bình quân hơn 10 tỷ đồng.

Mới đây, Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh của menshop79.com, menshopfashion.com và Ladystore đã phát hiện và thu giữ gần 1.300 sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới được rao bán hàng qua hình thức online mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Qua việc bắt giữ các vụ kinh doanh hàng giả online thời gian qua, cho thấy lỗ hổng từ các mô hình TMĐT. Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến là người bán sử dụng hình ảnh thật của hàng hóa, sản phẩm chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật, nhưng khi giao hàng cho người mua là hàng không giống với hàng thật cả về chất lượng và mẫu mã.

Trước bức xúc của dư luận về vai trò quản lý Nhà nước đối với các mô hình TMĐT, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, rất khó kiểm soát kinh doanh tại các kênh bán hàng trực tuyến vì các nhà bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau.

Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 90% giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn chứng từ. Việc tìm ra đầu mối cung cấp hàng lậu, hàng giả còn gian nan hơn vì các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh.

Luật pháp quy định: Sản phẩm do ai bán ra thì người đó phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, chỉ có các sàn thương mại, website của doanh nghiệp có đăng ký với cơ quan chức năng địa chỉ, xác định được pháp nhân. Còn hầu hết địa chỉ bán hàng của các cá nhân trên mạng là ảo nên không thể khiếu nại, khiếu kiện và quy trách nhiệm người bán. Nhiều trường hợp bị phản hồi tiêu cực thì ngay lập tức khóa tài khoản.

Điều này khiến công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng càng trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng lại không mấy quan tâm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà chủ yếu quan tâm tới giá cả. Như vậy, chính người tiêu dùng cũng đã góp phần tạo ra “ma trận” hàng giả, hàng nhái khi thực hiện mua bán trực tuyến.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường. Do vậy, người tiêu dùng đề nghị, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường điện tử, để bảo vệ người tiêu dùng, từ đó giúp phát triển TMĐT bền vững.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lo-hong-thuong-mai-dien-tu-post431770.html