Lỗ hổng pháp lý chống chuyển giá

Hoạt động chuyển giá đang trở thành hiện tượng phổ biến bất thường, không chỉ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mà cả DN nội địa cũng có dấu hiệu chuyển giá, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống và đầy đủ để hạn chế tối đa vấn nạn chuyển giá.

Biết sai nhưng khó phát hiện

Tại cuộc Hội thảo do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) vừa tổ chức ở Hà Nội, TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng lỗ giả, lãi thật của một số ông lớn FDI. Đó là trong lúc khai lỗ đến… thê thảm các DN này vẫn mở rộng đầu tư, cắm rễ sâu bền tại thị trường Việt Nam.

Mặc dù quá trình đấu tranh của các cơ quan chức năng đã đạt được những kết quả bước đầu, song số vụ chuyển giá được phát hiện và xử lý rất ít so với số lượng DN có dấu hiệu chuyển giá (ước tính bình quân giai đoạn 2015-2017 có khoảng 50% DN FDI khai lỗ, thậm chí có cả tình trạng chuyển giá lãi giữa các công ty con nằm ở các địa bàn có chính sách ưu đãi thuế khác nhau).

Gian lận chuyển giá có phạm vi khá rộng, không chỉ chuyển giá qua giao dịch chuyển nhượng tài sản (hữu hình và vô hình), chuyển giao qua hoạt động mua bán hàng hóa, tư vấn, chuyên gia… giữa các bên liên kết, mà còn thông qua các hoạt động cho vay, đi vay vốn giữa các bên liên kết, nhằm giảm thiểu nghĩa vụ tính thuế cho từng DN cũng như cả tập đoàn.

PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH,
Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam

Bên cạnh đó, một số không nhỏ DN khác cũng đã thực hiện hành vi chuyển giá nội địa nhưng chưa được kiểm tra phát hiện và xử lý. Cơ sở để xuất hiện hành vi chuyển giá nội địa là các quy định về thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế có thời hạn. Mục đích của gian lận chuyển giá không chỉ tối thiểu hóa thuế thu nhập DN phải nộp, đó là tạo bức tranh giả tạo trước các cổ đông khi kinh doanh thua lỗ, giảm lãi, mà còn có mục tiêu thôn tính, chiếm lĩnh thị trường.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), nhận định: “Quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia, nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức mới, đặc biệt là công tác chống thất thu ngân sách. Chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn, mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác”.

Trong 5 năm qua (2013-2017), các cơ quan chức năng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 10.000 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá; tổng số thuế truy thu, phạt và truy hoàn hơn 6.200 tỷ đồng; giảm lỗ gần 30.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy hoạt động chuyển giá đang gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, con số trên theo nhiều chuyên gia chỉ “số lẻ” so với lượng DN có hoạt động chuyển giá bị phát hiện, xử lý. Bởi lẽ, tình trạng chuyển giá của nhiều DN, nhất là DN đa quốc gia là có thật, song thu thập đủ bằng chứng để có thể “bắt tận tay” hành vi này lại là việc hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều bên.

TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), cho biết tại một số địa phương có nhiều DN kê khai lỗ một cách đáng ngờ như Bình Dương (số kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN, chiếm tỷ trọng 50,6%), trong đó có tới 200 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu. Tại TPHCM và Đồng Nai, tỷ lệ DN FDI khai lỗ lần lượt 60% và 52,2%. Một số tên tuổi lớn dính nghi án chuyển giá như Coca Cola, Pepsi và gần đây nhất là Keangnam Vina… Tuy nhiên, gần như chưa có DN nào bị phạt vì hành vi này.

Các hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay các DN thường sử dụng như chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, tức thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường, nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai; chuyển giá ẩn trong thu nhập - có giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế; chuyển giá đa chiều - hình thức các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường, nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế; chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác.

Cần điều chỉnh khung pháp lý
Trước vấn nạn lỗ giả, lãi thật của nhiều DN, ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán KPMG, chuyên gia đã có 17 năm làm việc trong lĩnh vực hoạch định và cấu trúc kế hoạch thuế cho các DN Việt Nam và tập đoàn đa quốc gia, cho rằng các luật thuế cần được xem xét, sửa đổi theo hướng chính sách ưu đãi thuế không nên quá rộng và quá khác biệt.

Trong kiểm toán chuyển giá, cần chú trọng kiểm tra, đánh giá các giao dịch giữa các bên liên kết, giữa các thành viên trong một tập đoàn, giữa các quốc gia, vùng miền, ngành nghề có chính sách thuế, chính sách ưu đãi về thuế khác nhau. Nói cách khác, kiểm toán chuyển giá cần chú trọng cả kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

TS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG,
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN)

Để xây dựng khung pháp lý, một điều đáng lưu ý đang bị hạn chế do những cách hiểu khác nhau về quy định của Luật KTNN, ông Nguyễn Mạnh Cường nêu quan điểm: “Một số ý kiến cho rằng DN FDI không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN. Đó là cách hiểu chưa đúng. Bởi để có thể xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý các báo cáo quyết toán thu ngân sách của cơ quan thuế và hải quan, việc KTNN tiến hành kiểm tra đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ thuế tại các DN FDI là đúng quy định.

Tuy nhiên, để công việc được tiến hành thuận lợi, Luật KTNN sửa đổi cần xem xét điều chỉnh, làm rõ vấn đề này”.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, việc 5 chủ thể cần phối hợp nhịp nhàng đó là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và KTNN. Trong đó, KTNN là lực lượng nòng cốt trong việc phát hiện và xử lý hành vi chuyển giá trái pháp luật.

KTNN không chỉ có vai trò kiểm tra, đánh giá độ tin cậy của thông tin về hoạt động kinh doanh, tài chính của DN, mà quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp trong việc định giá các giao dịch vốn, tài sản, hàng hóa giữa các thành viên trong nhóm liên kết; đánh giá tác động của các chính sách giá giao dịch nội bộ đến nghĩa vụ nộp thuế của các thành viên cũng như cả tập đoàn.

Được cấp phép hoạt động vào năm 2002, nhưng đến 2013 Metro Việt Nam đã kê khai lỗ lên đến 1.657 tỷ đồng, chỉ duy nhất có 1 năm lãi 173 tỷ đồng. Vậy mà khi bán lại cho đối tác với giá 879 triệu USD, gấp 3 lần vốn đầu tư.

Được cấp phép hoạt động vào năm 2002, nhưng đến 2013 Metro Việt Nam đã kê khai lỗ lên đến 1.657 tỷ đồng, chỉ duy nhất có 1 năm lãi 173 tỷ đồng. Vậy mà khi bán lại cho đối tác với giá 879 triệu USD, gấp 3 lần vốn đầu tư.

Do yêu cầu công việc như vậy, kiểm toán viên phải hiểu biết về hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán, có sự đánh giá để xác định mức độ tin cậy của hệ thống kiểm soát nội bộ, từ đó xác định hợp lý phạm vi và nội dung kiểm toán chuyển giá; thời gian cần thiết cho các cuộc khảo sát cơ bản; thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán cũng như các phân tích cơ bản phục vụ cho kiểm toán.

Nhưng hiện nay, chắc chắn lực lượng kiểm toán dù tinh nhuệ đến đâu cũng sẽ thúc thủ, nếu không có được cơ sở dữ liệu tốt và sự phối hợp chặt chẽ với các chủ thể kiểm soát khác.

Chống chuyển giá chỉ thực sự có hiệu quả khi 5 chủ thể trên phối hợp để kiểm soát ngay từ giai đoạn đầu của dự án và trong suốt quá trình vận hành dự án, thực hiện kinh doanh và thực hiện các giao dịch nội bộ. KTNN được xem như ở “hạ nguồn” của quá trình kiểm soát, nên cần phối hợp và sử dụng có hiệu quả các kết quả kiểm tra trước đó của các chủ thể kiểm soát.

Luật chặt chẽ buộc phải tuân thủ
Trong xu hướng toàn cầu hóa, các công ty đa quốc gia ngày càng hướng tới việc chia nhỏ hoạt động sản xuất kinh doanh thành nhiều công đoạn, nhiều khâu; trong đó mỗi công đoạn có thể được thực hiện ở một nước khác nhau.

Việc này đem lại nhiều lợi ích như phát huy được tối đa lợi thế kinh doanh của từng quốc gia, chuyên môn hóa để nâng cao năng suất, đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô, và sau cùng là giảm được thuế suất thực cho cả tập đoàn một cách hợp pháp. Không phải lúc nào giao dịch giữa các công ty con, các bên liên kết đều nhằm trốn hay né thuế, mà phần nhiều vì mục đích thương mại hợp pháp.

Trong khi nhiều DN FDI “không biên giới”, các cơ quan thuế giữa các nước (thậm chí các địa phương trong cùng một nước) lại rất ít trao đổi thông tin với nhau, nên có xu hướng “nhìn” giao dịch giữa các bên liên kết một cách nghi ngờ.

Chẳng hạn, “tổng hành dinh” có thể đầu tư vào những phần mềm máy tính đặc thù hoặc hệ thống quản lý đặc thù. Trong trường hợp này, khi tính phí cho công ty con sẽ không có “giá thị trường” để so sánh. Do đó, DN cần chuẩn bị để có thể chứng minh được mục đích thương mại chính đáng của mình với cơ quan thuế, nếu không khả năng cao là công ty sẽ bị thiệt thòi.

Ông Phan Vũ Hoàng, Chủ tịch Ủy ban hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, khuyến nghị các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đặc biệt lưu ý các quy định về chuyển giá của từng nước sở tại để thiết lập chính sách phù hợp. Tương tự, các công ty đa quốc gia có đầu tư tại Việt Nam cần tìm hiểu chính sách và quy định của Việt Nam.

“Trong môi trường thuế quốc tế hiện nay, các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (gọi tắt là BEPS) đã được triển khai quyết liệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các DN Việt muốn đầu tư ra nước ngoài và DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ ngày càng phải lưu ý đảm bảo tuân thủ các quy định về chuyển giá của các quốc gia khi thực hiện dự án đầu tư” - ông Phan Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Anh Thư

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/lo-hong-phap-ly-chong-chuyen-gia-59926.html