Lỗ hổng lớn trong APEC 2018

Thượng đỉnh APEC 2018 – một diễn đàn kinh tế quan trọng hàng đầu thế giới với 21 nền kinh tế thành viên đang nhóm họp tại Papua New Guinea trong các ngày 17 và 18 tháng 11. Thế nhưng sự thiếu vắng Ấn Độ - một nền kinh tế lớn của châu Á được coi là một lỗ hổng làm suy yếu các nỗ lực mở rộng thương mại và đổi mới trong toàn khu vực.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), với ba nền kinh tế lớn nhất thế giới - Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 47% thương mại toàn cầu cho thấy nó có trọng lượng kinh tế và tầm ảnh hưởng quan trọng như thế nào trên thế giới. Tuy nhiên, sự vắng mặt Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 6 toàn cầu, rõ ràng là một sự thiếu vắng đáng tiếc của APEC 2018.

Sứ mệnh của APEC 2018

Không giống như các tổ chức đa phương khác lấy tư cách quốc gia làm thành viên, APEC lại tập trung vào khía cạnh kinh tế và gọi những chủ thể tham gia là các nền kinh tế thành viên. APEC không phải là một diễn đàn với các cuộc đàm phán để hòa giải hay gắn kết, nhưng APEC lại là một cơ chế đi đầu trong việc tạo ra các sáng kiến để mở rộng và tăng cường kết nối kinh tế thương mại, tạo môi trường thuận lợi cho cạnh tranh và tự do hóa thương mại - hàng hóa.

Ấn Độ đã vượt qua Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 toàn cầu trong năm 2018 (ảnh New Delhi News)

Ấn Độ - nền kinh tế 2,6 nghìn tỷ USD hiện là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt qua Pháp trong năm 2018 để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 toàn cầu và thứ 3 châu Á. Mặc dù nền kinh tế Ấn Độ vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng nó đã được công nhận và vận hành trên nguyên tắc tự do hóa từ lâu và đang tham gia ngày càng sâu rộng vào dòng chảy chung của thương mại và đầu tư quốc tế. Khi APEC ra đời 20 năm trước, trao đổi thương mại của Ấn Độ với APEC chỉ chiếm 15% GDP của Ấn Độ, nhưng đã tăng lên 40% vào năm 2017.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn được cho là là một nhà đàm phán khó khăn về các vấn đề thương mại toàn cầu, thế nhưng cũng đã có những dấu hiệu cho thấy New Delhi đã sẵn sàng cho một số đồng thuận và thỏa hiệp nhất định để ra nhập APEC. Nếu nền kinh tế Ấn Độ được hòa trong dòng chảy thương mại chung của APEC, chắc hẳn các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn cũng như Ấn Độ sẽ được hưởng lợi lẫn nhau và việc có Ấn Độ trong APEC sẽ giúp tăng cường hơn nữa tiếng nói cho tự do hóa thương mại trong khu vực.

Mở rộng sang Ấn Độ Dương ?

Trái ngược với “người vắng mặt” Ấn Độ, nền kinh tế Papua New Guinea lại là nền kinh tế nhỏ thứ hai trong APEC, sau Brunei - với nền kinh tế phụ thuộc vào các ngành công nghiệp khai thác, nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Hơn nữa, nền kinh tế Papua New Guinea lại không phải là một mô hình có khả năng kết nối kỹ thuật số và đổi mới công nghệ, như chủ đề của Thượng đỉnh APEC năm nay.

Và vì vậy, mà những sự “chưa tương xứng” này có thể sẽ phù hợp hơn nếu APEC được tổ chức tại Ấn Độ, chủ đề kết nối công nghệ số và đổi mới công nghệ được bàn thảo tại Ấn Độ - một nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển rất nhanh chóng.

Quy mô các nền kinh tế thành viên APEC (nguồn: IMF)

Một khía cạnh khác về sự liên quan đến APEC của Ấn Độ chính là tầm quan trọng và ảnh hưởng của các doanh nghiệp, vốn đại diện cho các nền kinh tế thành viên trong Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) - một hội đồng hiện gồm 59 thành viên luôn đóng vai trò chủ chốt trong việc vạch ra nội dung chính của thảo luận kinh tế tại các kỳ Thượng đỉnh APEC. Một trong những thành viên của ABAC hiện nay là UPS - công ty cung cấp dịch vụ hậu cần toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ hiện có 50 văn phòng hoạt động tại Ấn Độ nhưng chỉ có một ở Papua New Guinea.

Papua New Guinea chính thức là thành viên APEC từ năm 1993 và luôn cam kết với các nguyên tắc thương mại tự do và cởi mở của APEC trong suốt 25 năm qua. Đây là điều đáng ghi nhận đối với một nền kinh tế nhỏ trong APEC như Papua New Guinea.

Ấn Độ cũng đã gõ cửa APEC trong ngần ấy thời gian để trở thành thành viên chính thức thế nhưng APEC đã không kết nạp thêm bất kỳ thành viên mới nào kể từ năm 2010. Nhiều lý do được đưa ra ví dụ như thiếu sự đồng thuận trong tiêu chuẩn kết nạp thành viên mới, lo ngại việc kết nạp thêm thành viên sẽ phá vỡ các nguyên tắc đồng thuận vốn có và thành viên mới có thể chỉ quan tâm đến khu vực của mình...

Ngoài ra, việc mở rộng về phía Tây để có thể bao gồm Ấn Độ sẽ làm cho khái niệm địa chính trị của APEC vượt ra ngoài vành đai Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, việc bao gồm Ấn Độ sẽ phản ánh chính xác khuôn khổ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, một khái niệm địa chính trị lần đầu tiên Nhật Bản đưa ra và hiện đang được sử dụng tại Hoa Kỳ và nhiều nước châu Á khác.

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho rằng Ấn Độ cần có một ghế xứng đáng trong APEC, bởi nền kinh tế nước này đang tiếp tục phát triển với sự lớn mạnh của các tập đoàn toàn cầu cùng với chính sách đối ngoại “Hành động hướng Đông” của New Delhi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là các khó khăn trong đàm phán thương mại giữa New Delhi với các đối tác kinh tế toàn diện của họ trong khu vực. Nhưng dù thế nào, thì New Delhi sẽ vẫn giữ một vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng nhất định đối với các nền kinh tế thành viên APEC trong những năm sắp tới.

Đức Trí (theo Council on Foreign Relations)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/lo-hong-lon-trong-apec-2018-81786.html