Lỗ hổng bảo tồn di tích:Thiếu trách nhiệm hay do phân cấp quản lý?

Theo chuyên gia, ứng xử như thế nào với di tích là vấn đề đặt ra của xã hội nhưng chưa có văn bản, chế tài nào đủ sức răn đe.

Loạt bài xâm hại di tích đăng trên Báo Giao thông

Tại Hà Nội, thời gian qua liên tiếp xảy ra những vi phạm trong tu bổ di tích như tại chùa Khúc Thủy (Thanh Oai), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ) hay gần đây nhất là sự việc Vườn Chuối, Do Nghĩa, Đình Lương Xá (mà Báo Giao thông đã nêu ở các số trước)... Dù đã có Luật Di sản văn hóa để bảo tồn các di sản này, nhưng xem ra một số địa phương vẫn bất chấp luật để phá bỏ, trùng tu một cách thiếu ý thức, làm ảnh hưởng và mất đi giá trị của di tích.

Chưa có ai đi tù về việc phá hoại di tích

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt di tích bị tu bổ sai với quy định và sự việc ngôi đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) như “giọt nước làm tràn ly”. Sự việc bắt nguồn từ việc đình đã xuống cấp, người dân địa phương với mong muốn sửa chữa tự nguyện góp tiền (800.000 đồng/người) để tu sửa. Mặc dù huyện đã có văn bản gửi xã yêu cầu không cho phép tu sửa nhưng do sợ đình sập, người dân đã tự ý hạ giải, bê tông hóa ngôi đình 300 năm tuổi. Trong lúc đó, chính quyền huyện vẫn không hề hay biết.

Sau khi sự việc trên xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm, quy trình xếp hạng di tích rườm rà và đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: “Sở VH-TT nhận một phần trách nhiệm trong việc tham mưu quản lý. Tuy nhiên, trước đó Sở đã tham mưu cho thành phố về thực trạng, nhưng sự vào cuộc của cấp huyện, đặc biệt phía xã là chưa quyết liệt”.

Tuy nhiên, giống như những vụ việc gần đây, việc quy trách nhiệm cho một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào vẫn trên giấy, hay chỉ dừng lại ở mức rút kinh nghiệm. Trong vụ việc tại đình Lương Xá, ngày 30/7/2018, UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành Công văn số 670/UBND-VHTT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã Liên Bạt đình chỉ việc thi công, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân không làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong tổ chức quản lý, bảo vệ di tích để xảy ra các vi phạm.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề ngay, TS. Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học cho rằng: “Ứng xử như thế nào với di tích là vấn đề đặt ra của xã hội nhưng chưa có văn bản, chế tài nào đủ sức răn đe. Tôi đảm bảo chưa có ai đi tù về việc phá hoại di tích, chưa có một bản án nào đủ sức răn đe để người ta phải cẩn thận khi can thiệp vào di tích. Bây giờ phải có quy định cụ thể nếu không sau này lại có đình, chùa, di tích bị bê tông hóa vì chưa được xếp hạng”.

Còn theo PGS. TS. Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu kinh thành: “Quy trình xếp hạng, quản lý, tu bổ không có gì quá khó khăn, điều cần thiết là người dân và chính quyền cần tích cực làm hồ sơ, các bên liên quan rốt ráo giải quyết. Tuy nhiên, nếu một trong các khâu có người làm thiếu trách nhiệm, không nhiệt tình hay nghĩ là chuyện làm ăn thì lại là chuyện khác”.

Giao quyền cho cấp quận

Theo nhiều chuyên gia, việc chậm đưa những di tích vào xếp hạng để bảo vệ có nhiều nguyên nhân như: Ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương còn yếu kém, việc gây khó dễ của cơ quan quản lý hay phân cấp quản lý di tích bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử như tại Hà Nội, năm 2016, Sở VH-TT Hà Nội đã tham mưu TP Hà Nội ban hành Quyết định 48, phân cấp quản lý phát huy giá trị di tích. Hiện nay, thành phố chỉ giữ lại 10 di tích tiêu biểu, trong đó giao Sở quản lý 8 di tích. Còn trên 5.000 di tích (trong đó có hơn 50% di tích chưa xếp hạng) thành phố giao trách nhiệm cho quận, huyện, thị xã.

Thực tế tại địa bàn Phúc Thọ (Hà Nội), ông Vũ Hồng Hải, Phó trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Phúc Thọ cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền để người dân nhận thức được việc sửa chữa di tích làm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, người dân nhìn di tích xuống cấp, Phật đội nón, Thánh phải tránh đi chỗ khác rất xót xa. Họ làm hồ sơ báo cáo lên xã, huyện, thành phố nhưng rồi hồ sơ lại quay lại”.

Theo quy trình, việc xin phép tu bổ, nếu chủ đầu tư chọn được đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm… sẽ mất 10 tháng đến 1 năm để hoàn thành. Nếu chủ đầu tư chọn đơn vị tư vấn không có năng lực, thời gian còn lâu hơn.

Chính vì vậy, ông Hải đề xuất nên phân cấp mạnh mẽ hơn: Giao quyền cấp phép xếp hạng di sản đến chính quyền cấp quận, huyện về vấn đề quản lý di tích, giảm tải các thủ tục xin phép tu bổ, đặc biệt là tu bổ cấp thiết. Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VH-TT Hà Nội, phân cấp không có nghĩa là khoán trắng. “Những năm qua, có các ý kiến cho rằng, tại các địa phương không nên phân cấp mà tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý. Luật Di sản cũng chỉ đề cập đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chứ chưa đến cấp quận, huyện. Cho nên nếu TP Hà Nội phân cấp quản lý thì rất nguy hiểm”, ông Tiến nói.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lo-hong-bao-ton-di-tichthieu-trach-nhiem-hay-do-phan-cap-quan-ly-d268849.html