Lo hàng đi Mỹ bị 'siết'

Là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam nên khi Mỹ đưa ra các rào cản thương mại với hàng hóa nhập khẩu nước này đã khiến không ít doanh nghiệp trong nước lo ngại

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2018, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch 6 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã nhập 1,4 tỉ USD hàng hóa các loại từ Mỹ. Như vậy, trong cán cân thương mại giữa 2 thị trường, Việt Nam tiếp tục xuất siêu với 4,6 tỉ USD.

Nhiều tin xấu cho thủy sản

Từ nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu nhưng gần đây, thị trường này lại liên tục đưa ra rào cản thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ ngày 1-8-2015 đến 31-7-2016). Theo đó, mức thuế được áp tăng cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, 2 DN là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods bị áp thuế đến 7,74 USD/kg, 9 DN khác bị áp mức thuế riêng lẻ thấp nhất là 3,87 USD/kg. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết với mức thuế này, các DN không thể xuất khẩu sang Mỹ vì phải lo đóng thêm thuế chống bán phá giá cho các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn nêu trên và tiền cọc thuế chống bán phá giá cho lô hàng mới với số tiền quá lớn. VASEP đang chờ DOC đăng công báo về quyết định trên để xem xét và có phản hồi chính thức.

Những năm gần đây, chỉ có vài DN xuất được cá tra sang Mỹ nhờ chịu mức thuế chống bán phá giá thấp (dưới 1 USD/kg) hoặc thuế suất 0%. Những DN này gần đây còn gặp rào cản bởi chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ. Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Mỹ đã có thông báo sẽ thanh tra thực tế tại Việt Nam sau khi xem xét trên 2.000 trang hồ sơ do phía Việt Nam cung cấp. Về mặt hồ sơ, cơ quan này đánh giá hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương Mỹ.

Năm 2017, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 11% so với năm 2016, còn 387 triệu USD - tụt xuống vị trí thứ 2, sau Trung Quốc.

Cá tra là mặt hàng tiếp theo của ngành thủy sản gặp khó với thị trường Mỹ. Trước đó, với mặt hàng tôm, DOC thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (từ ngày 1-2-2016 đến 31-1-2017) với mức thuế lên đến 25,39% cho DN bị bắt buộc (Công ty Fimex) và các công ty khác.

Trong 13 năm tham gia các kỳ xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm tại Mỹ, chưa DN nào bị áp biên độ bán phá giá theo tỉ lệ phần trăm cao như vậy. Dù kết quả sơ bộ chưa phải chính thức nhưng đã tác động không ít đến tâm lý các nhà nhập khẩu tại Mỹ và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của DN trong nước.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng với mức thuế chống bán phá giá 25,39%, sẽ không DN nào dám xuất khẩu tôm sang Mỹ. Bởi lẽ, lợi nhuận của DN trong ngành này hiện chỉ khoảng 2%-5%. Nhà nhập khẩu không thể ứng thêm 1/4 giá trị đơn hàng để dự trù nộp thuế chống bán phá giá hay không thể mua thấp của DN Việt khiến 2 bên không mua bán được.

Cá tra sẽ phải tiếp tục đối mặt rào cản ở thị trường Mỹ. Ảnh: NGỌC TRINH

Cá tra sẽ phải tiếp tục đối mặt rào cản ở thị trường Mỹ. Ảnh: NGỌC TRINH

Chủ động thích nghi với thay đổi

Với ngành thép, Mỹ vừa có quyết định áp thuế bổ sung đối với thép và nhôm nhập khẩu nước này với mức 25% đối với thép nhập khẩu nước ngoài và 10% đối với nhôm. Thông tin này khiến không ít DN thép đang xuất khẩu vào Mỹ lo lắng sẽ bị ảnh hưởng, bởi đây là thị trường được đánh giá khá hấp dẫn. Trong khi đó, một số DN không tỏ ra lo lắng do sản lượng xuất khẩu qua Mỹ chiếm tỉ trọng thấp so với các nước khác.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy tính đến hết tháng 1-2018, xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 446.000 tấn với kim ngạch 321 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 63% về giá trị. Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường chính với lượng xuất khẩu hơn 300.000 tấn thép, chiếm hơn 67% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan…

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết DN này xuất khẩu sang Mỹ rất thấp, khoảng 50.000 tấn thép các loại trong tổng số hơn 550.000 tấn ở các thị trường, nên việc Mỹ áp thuế cao sẽ không ảnh hưởng nhiều. Dù vậy, tập đoàn vẫn phải tìm cách ứng phó tốt nhất khi Mỹ áp mức thuế cao.

Riêng ngành điều, các DN hiện xuất khẩu mặt hàng này sang 95 thị trường và Mỹ đang ở vị trí dẫn đầu. Trong năm 2017, thị trường Mỹ chiếm 31% thị phần xuất khẩu của hạt điều Việt Nam. Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, ngành điều không bị ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ của Mỹ vì nước này không sản xuất, chế biến điều. Tuy nhiên, để xuất khẩu ổn định sang thị trường Mỹ, DN phải thực hiện và cập nhật các quy định thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn mà nước này đưa ra.

Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là dệt may, da giày hiện cũng chưa gặp khó khăn nhiều với thị trường Mỹ. Bởi về nguyên tắc, các nước chỉ bảo hộ cho những mặt hàng trong nước sản xuất được, trong khi Mỹ không sản xuất hàng dệt may, da giày và thị trường này đang "đánh" mạnh vào thép, nhôm, máy giặt, tấm pin mặt trời… Có điều, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội tăng mạnh xuất khẩu sang Mỹ không còn nhiều.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, nhìn nhận xuất khẩu giày dép vào Mỹ tăng trưởng nhờ sự dịch chuyển của các nơi sản xuất như Trung Quốc sang Việt Nam (do chi phí nhân công nước này tăng cao), sức tiêu thụ của thị trường Mỹ hồi phục… Hiện tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng giày dép vào Mỹ khoảng 12%-14%. Dù thị trường Mỹ đang tăng trưởng ổn định nhưng nguyên tắc trong kinh doanh là không quá lệ thuộc vào một thị trường và DN phải luôn chủ động để ứng phó.

Ông TRẦN VĂN LĨNH, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước:

Không bỏ nhưng tránh phụ thuộc

Hiện doanh số xuất khẩu tôm đi Mỹ của công ty chiếm từ 20%-25% thị phần. Nếu DOC đính chính lại thuế suất còn 1,19% như Việt Nam tính toán (thay vì mức áp thuế chống bán phá giá 25,39%) thì tôm Việt Nam vẫn còn khả năng cạnh tranh. Lúc này, giải pháp của chúng tôi là đa dạng hóa thị trường. Mỹ là thị trường quan trọng, cần những giải pháp ứng phó mang tính vĩ mô, với DN thì tránh phụ thuộc nhưng không thể bỏ thị trường Mỹ. Chẳng hạn, năm 2014, xuất khẩu tôm sang Mỹ từng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD nhưng năm 2017 chỉ còn 659 triệu USD, xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam.

Ông ĐỖ DUY THÁI, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt:

Không quá lo!

Hiện xuất khẩu thép chiếm khoảng 10% sản lượng sản xuất nên việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao chắc chắn có ảnh hưởng. Nhưng nếu phía Việt Nam đàm phán song phương với số lượng khung (đàm phán lượng thép xuất khẩu nhất định sang thị trường này - PV) với Mỹ thì có thể thành công mà không bị áp thuế cao. Hơn nữa, lượng thép xuất sang Mỹ hầu hết là thép xây dựng dân dụng, liên quan an ninh quốc phòng nên hy vọng không bị làm khó.

Riêng Công ty Thép Việt, năm 2017 xuất khẩu khoảng 20% trong tổng sản lượng trên 1,5 triệu tấn và kế hoạch năm 2018 nâng lên 30%. Tăng quy mô xuất khẩu trong bối cảnh thị trường Mỹ gặp khó nhưng chúng tôi cũng không quá lo lắng bởi công ty đang xuất khẩu khá mạnh sang Canada, thậm chí nhiều khi sản xuất không kịp. Thép Việt đang đầu tư nhà máy luyện cán thép công suất 500.000 tấn phục vụ cho xuất khẩu, nâng tổng công suất lên 2 triệu tấn/năm.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM):

Cần tìm hiểu mùa vụ nơi mua hàng

Thị phần xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào Mỹ còn nhỏ nên không gặp các rào cản như với thủy sản. Tuy nhiên, người dân bang Florida - Mỹ đã trồng được những loại quả như thanh long, chôm chôm, nhãn… và ở các thời điểm rộ mùa (từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm), cơ quan quản lý ở đây sẽ tăng tần suất kiểm tra hàng nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước. Với rào cản thương mại này, dù hàng có đạt qua các đợt kiểm tra, chi phí vẫn bị đội lên khiến DN Việt hạn chế xuất khẩu. Do đó, để xuất khẩu không bị ảnh hưởng, DN cần tìm hiểu mùa vụ, quy định tại Mỹ nhằm hạn chế rủi ro.

Ông PHẠM HẢI LONG, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Agrex Sài Gòn:

Hàng chế biến sẽ gặp ít rào cản

Với ngành thủy sản, các DN xuất khẩu nguyên liệu thủy sản như tôm, cá tra sẽ gặp khó khăn từ các rào cản thương mại vào Mỹ. Song, hàng thủy sản chế biến như há cảo lại được tạo điều kiện thuận lợi khi xuất khẩu. Xuất hàng thủy sản chế biến sẽ tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm… Tuy nhiên, không phải DN nào cũng dễ dàng chuyển hướng từ xuất nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến vì phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định từng thị trường. Hiện Agrex Sài Gòn xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỉ lệ khoảng 10% và thỉnh thoảng sản phẩm chế biến có bị tăng tần suất kiểm tra khi xuất khẩu nhưng không quá lo ngại.

NGỌC ÁNH - THÁI PHƯƠNG - SƠN NHUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/lo-hang-di-my-bi-siet-20180319200352613.htm