Lò gốm Hưng Lợi - Di tích khảo cổ học cấp Quốc gia đã bị người dân san phẳng

Cơ quan điều tra Công an Quận 8 đã thụ lý vụ án, đồng thời có văn bản gửi Viện kiểm soát nhân dân Quận 8 về vụ việc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc di tích Lò gốm Hưng Lợi nhằm trao đổi hướng xử lý và đang chờ phản hồi.

Trao đổi với phóng viên Người Đô Thị sáng 24.6, Trung tá Nguyễn Văn Tươi – Phó đội trưởng đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an Quận 8), xác nhận có vụ việc một người dân phá cổng, thuê máy ủi vào san ủi khu di tích khảo cổ học cấp quốc gia - Lò gốm Hưng Lợi (phường 16, quận 8, TP.HCM).

Theo ông Tươi, cơ quan điều tra công an quận 8 chỉ vào cuộc sau khi nhận được tin báo của bảo bảo vệ tổ dân phố ngày 11.3 vừa qua. Trong khi đó, vụ việc san ủi đã diện ra trước đó, vào những ngày nghỉ cuối tuần nên chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan các cấp cụ thể đều không hay biết.

Trước cổng di tích quốc gia - Lò gốm cổ Hưng Lợi. Ảnh Trung Dũng

Trước cổng di tích quốc gia - Lò gốm cổ Hưng Lợi. Ảnh Trung Dũng

Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Người Đô Thị, ông Lê Minh Tâm – Quyền chủ tịch UBND phường 16 (quận 8), thừa nhận hành động hủy hoại di tích này diễn ra vào ngày cuối tuần đến thứ hai chính quyền địa phương mới biết. Chính quyền địa phương lập tức cho làm lại hàng rào, gắn biển cảnh báo, lắp cổng sắt và dán niêm phong cổng khu di tích.

Phóng viên Người Đô Thị đã tìm tới di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi. Con hẻm 39/18 Nguyễn Ngọc Cung dẫn vào di tích quốc gia vẫn ngoằn nghèo nhưng càng về cuối cảm tưởng như đó là lối bộ hành của một dãy nhà trọ. Cánh cổng sắt còn mới của di tích với ổ khóa dán niêm phong, tường rào bằng thép B40 kế bên treo bảng thông báo, trong đó có dòng chữ to, ghi: Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại di tích. Vậy nhưng, sau cánh cổng và hàng rào kiên cố, di tích lò gốm cổ Hưng Lợi giờ chỉ là một nền đất trống đầy xà bần và rác...

Điều đáng nói là lúc cơ quan công an đang thụ lý điều tra vụ án san lấp hủy hoại di tích từ năm 2017 thì nay tình trạng này lại tái diễn và chính quyền địa phương thì mất bò mới lo làm chuồng. Càng bất ngờ hơn, người thuê máy ủi vào san phẳng di tích quốc gia là cùng một người.

Dấu niêm phong trên cổng sắt bảo vệ khu di tích nhưng có vẻ mọi thứ đã quá muộn. Ảnh: Trung Dũng

Bởi bên trong, cái gọi là di tích quốc gia lò gốm Hưng Lợi như một nền đất đầu vừa mới được giải phóng mặt bằng xong. Ảnh: Trung Dũng

Nhiều người hẳn sẽ xót xa bởi di tích quốc gia giờ như một bải rác đầy xà bần. Ảnh: Trung Dũng

Cụ thể, vào 14.7.2017, người này đã thuê xe ủi để san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng khu bảo vệ di tích khảo cổ với diện tích đất bị san phẳng khoảng 200m2. Trước sự việc nghiêm trọng này, phường đã lập biên bản xử lý nhưng người dân này không ký văn bản vi phạm cơ quan điều tra công an quận 8 thụ lý.

Quá trình điều tra kéo dài, chưa đem lại kết quả thì đối tượng trên lại tái diễn hành vi thuê xe ủi vào san phẳng khu di tích quốc gia như vừa nêu trên. Ông Tươi cho biết trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định cổng tường bảo vệ khu di tích bị đập nên đã trưng cầu ý kiến của hội đồng thẩm định giá, tính thiệt hại để từ đó có căn cứ xử lý hành vi hủy hoại tài sản hay không. Cuối cùng cơ quan chức năng đã quyết định phạt hành chính hành vi hủy hoại tài sản kèm số tiền 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đương sự vẫn không chấp nhận.

Về vùng lõi di tích quốc gia bị san phẳng, ông Tươi cho biết cơ quan điều tra ngày 17.6 đã có công văn về vụ việc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc di tích Lò gốm Hưng Lợi gửi Viện kiểm soát nhân dân Quận 8 nhằm trao đổi hướng xử lý và đang chờ phản hồi. Ông Tươi cho biết, phần đất mà người dân lấy lý do thuộc sở hữu của mình nên thuê máy san ủi "đã được Quận 8 đã xác định đó là phần đất của khu dich tích".

Lò gốm khi được khai quật năm 1998. Ảnh Tư liệu

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi không nằm trong phạm vi khu vực trung tâm nhưng nằm trong khung niên đại hình thành đô thị Sài Gòn, tiêu biểu cho di tích khảo cổ – làng nghề thủ công. Cuộc khai quật năm 1997 – 1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 03 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm. Độ dốc của nền cao dần từ Bắc lên Nam, bề ngang của nền ở phía Nam hẹp hơn phía Bắc đôi chút (khoảng 5-7cm), dấu tích này đã cho biết vị trí bầu lửa của cả ba lò ở phía Bắc (là phía kênh Ruột Ngựa) và cửa thoát khói (ống khói) ở phía Nam. Cửa lò đều tìm thấy ở phía Đông, là phía phân bố chính của khu lò. Như vậy cửa ra - vào sản phẩm ở cùng một phía, và có thể ở cả cửa hậu.

Ngoài cấu trúc chính là lò nung, các lò ống còn có các đoạn tường bao gia cố vách lò, đặc biệt gia cố đoạn vách gần vách hậu, nơi chịu nhiệt độ cao nhất. Tường bao thường bằng gạch xây vách lò, hoặc gạch bịt cửa hậu bị hư hỏng. Các viên gạch xếp chồng lên nhau, hơi nghiên ôm lấy chân vách lò. Có thể kè thêm một số lu hay khạp bị hỏng, hoặc xếp lu, khạp lên trên tường gạch, hoặc xây gạch lên trên hàng lu, khạp... Tường bao có thể có nhiều lớp, tùy độ lan rộng của phế phẩm lò mà người ta xây tường bao chặn lại để tạo độ vững chắc cho lò...

Đầu hẻm vào di tích lò gốm Hưng Lợi có treo biển cảnh báo nhưng xem ra người ta không sợ luật khi không chỉ xâm phạm mà còn san ủi luôn vùng lõi di sản. Ảnh: Trung Dũng

Năm 1998 di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Các cơ quan hữu quan của thành phố đã bắt tay ngay vào việc khoanh vùng bảo vệ, đặc biệt đã xây tường ngăn để chống xâm hại, lấn chiếm di tích. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, bảo tồn ngày càng lỏng lẻo dẫn đến việc di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và bị người dân lấn chiếm, nhiều ngôi mộ xây trái phép vào khu di tích, nhiều dấu tích của các khu lò nung gốm cổ đã bị người dân phá dỡ... Và đỉnh điểm của việc di tích không ai cai quản chính là vụ người dân tự ý cho xe vào "giải tỏa trắng" như vừa nêu.

Người Đô Thị sẽ tiếp tục thông tin diễn tiến vụ việc này.

Song Ngô

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lo-gom-hung-loi-di-tich-khao-co-hoc-cap-quoc-gia-da-bi-nguoi-dan-san-phang-19247.html