Lộ diện tuyến cao tốc thông minh đầu tiên tại Việt Nam

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ là tuyến cao tốc đầu tiên vận hành hệ thống giao thông thông minh trong Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Ngày 10/4, Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Elcom (mã CK: ELC) cho biết, ELC vừa ký hợp đồng xây dựng Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation System – ITS) với Tập đoàn Sơn Hải. Như vậy, tuyến Nha Trang - Cam Lâm sẽ là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đầu tiên đưa vào khai thác ITS, trở thành một trong những con đường “thông minh” nhất tại Việt Nam.

Được biết, hệ thống giao thông thông minh trên tuyến Nha Trang - Cam Lâm có tổng giá trị hợp đồng gần 350 tỷ đồng.

Hệ thống giao thông thông minh của ELC.

Hệ thống giao thông thông minh của ELC.

Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, mà tới đây Elcom sẽ triển khai ITS, là một trong 9 dự án thành phần còn lại của dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (tổng chiều dài 652,86 km), ngoài 2 dự án đã đưa vào khai thác là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn. Thời điểm đầu năm nay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025), với 12 dự án thành phần dài 723,7 km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng cũng đã chính thức được khởi công đồng loạt.

Nha Trang - Cam Lâm là dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam với tổng chiều dài hơn 49km đã được khởi công vào tháng 9/2021, do Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc Tập đoàn Sơn Hải thực hiện. Dự án hiện đã đạt hơn 70% khối lượng công việc và bước vào giai đoạn gấp rút để đạt mục tiêu hoàn thành trước 3 tháng so với dự kiến ban đầu.

Theo Hợp đồng giữa Sơn Hải và ELC, sau khi hoàn tất, tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ được trang bị hệ thống giao thông thông minh toàn diện, bao gồm cả hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông… Dự kiến trong vòng hơn 6 tháng từ tháng 2/2023 đến hết 8/2023, hai đơn vị sẽ thực hiện xong toàn bộ hạng mục ITS.

Được biết, giao thông thông minh đang là mảng kinh doanh trụ cột của ELC. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mảng giao thông thông minh sẽ dẫn dắt doanh thu của ELC trong năm 2023 và từ 2023-2026, mảng này sẽ tạo ra nguồn doanh thu ổn định cùng với mảng Viễn thông và Quốc phòng.

Cụ thể, VDSC kỳ vọng doanh thu từ GTTM sẽ đạt trung bình 600 tỷ đồng/năm, được hỗ trợ bởi nhu cầu đầu tư giao thông thông minh cho đường cao tốc (bao gồm ETC) và các thành phố, qua đó đóng góp 60% vào cơ cấu doanh thu của ELC.

Được biết, đến năm 2025, các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ cơ bản hoàn thành với hơn 20 dự án đường cao tốc được đưa vào sử dụng, kéo theo nhu cầu GTTM rất lớn trước xu hướng tất yếu là ứng dụng công nghệ vào ngành giao thông.

Năm 2023 sẽ là năm cao điểm hoàn thành nhiều hạng mục trong giai đoạn 1 của dự án, với 5/10 tuyến cao tốc được đưa vào khai thác. Ngoài ra, 12 gói thầu thuộc 12 dự án cao tốc thành phần trong giai đoạn 2 được khởi công trong tháng 12/2022. Với tiến độ chuẩn bị đầu tư được rút ngắn đáng kể so với giai đoạn 1 (xuống 1 năm thay vì 3 năm như trước đây), các dự án thành phần trong giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 -2026.

VDSC ước tính suất đầu tư cho hệ thống giao thông thông minh(camera AI CCTV, trung tâm điều hành) và ETC ở mức 6-8 tỷ đồng/km. Như vậy, tổng quy mô đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4.500 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.Trong khi đó, Chính phủ quyết tâm tích hợp giao thông thông minh vào hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam với Quyết định số 877/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tuyến đường cao tốc và các đô thị lớn trực thuộc Trung ương lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh.

Đối với nhóm dịch vụ đường cao tốc, VDSC giả định mỗi năm ELC có thể trúng thầu triển khai và lắp đặt gói thiết bị giao thông thông minh cho 2 tuyến đường cao tốc, mang lại doanh thu bình quân 500 tỷ đồng mỗi năm. Trong quý 3/2022, ELC đã ký kết thành công hợp đồng triển khai giao thông thông minh đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt với chiều dài 50km và tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng.Ngoài ra, nhu cầu triển khai, bảo trì và nâng cấp giao thông thông minh cho các thành phố cũng được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới và đóng góp khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm cho ELC. Trong lịch sử, ELC đã từng trúng thầu và thực hiện các dự án giao thông thông minh cho các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Yên Bái.

Theo dự báo của VDSC, ELC có thể đạt doanh thu 1.107 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng trong năm 2023.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lo-dien-tuyen-cao-toc-thong-minh-dau-tien-tai-viet-nam-d187336.html