Lộ diện tàu hộ vệ tên lửa hạm tàng hình Nhật Bản

Những hình ảnh đầu tiên về lớp tàu hộ vệ đa nhiệm 3.900 tấn được thiết kế theo yêu cầu của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản đã lộ diện.

Đại diện đến từ Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) của Nhật Bản cho biết, họ dự kiến sẽ đóng mới 6 trong số 8 tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới được lên kế hoạch trang bị cho Lực lượng phòng vệ hàng hải (JMSDF) nước này.

Thông tin trên được tiết lộ với phóng viên của tạp chí quân sự Jane's bên lề Triển lãm quốc phòng DSEI Japan 2019 diễn ra tại tỉnh Chiba từ ngày 18 - 20/11.

Theo đó, lớp tàu hộ vệ mới sẽ có chiều dài 132,5 m, chiều rộng 16 m; mớn nước 9 m và lượng giãn nước tiêu chuẩn là 3.900 tấn (lên tới trên 4.500 tấn khi mang đầy tải).

Tàu được thiết kế với nhiều bề mặt góc cạnh nhằm tăng khả năng tán xạ radar, đặc biệt là phần tháp radar chính có hình dạng kiểu kim tự tháp, cho mức độ tàng hình trước phương tiện trinh sát điện tử của đối phương rất tốt.

Mô hình tàu hộ vệ tàng hình thế hệ mới của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản

Mô hình tàu hộ vệ tàng hình thế hệ mới của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản

Vũ khí trang bị cho chiếc chiến hạm này bao gồm 8 tên lửa hành trình chống hạm Type 90, hỏa lực phòng không bao gồm phiên bản hải quân của tổ hợp tên lửa tầm trung Type 03 (còn được gọi là Chū-SAM Kai).

"Trái tim" của chiếc chiến hạm này là hệ thống động lực CODAG (kết hợp turbine khí - diesel) với 2 động cơ diesel MAN 12V28/33D STC của Đức và một turbine khí Rolls-Royce MT30, dự kiến con tàu sẽ có khả năng đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h.

Bên cạnh đó tàu còn được tích hợp pháo hạm Mk 45 mod 4 cỡ 127 mm L/62, các bệ phóng thẳng đứng đa năng kiểu Mk 141, hệ thống vũ khí phòng thủ cự ly gần SeaRAM, sàn đáp và nhà chứa trực thăng ở đuôi tàu cho phép mang theo 1 máy bay lên thẳng đa dụng MH-60J trong các chuyến hải trình dài.

Mặc dù phân loại là khinh hạm nhưng sức mạnh của tàu hộ vệ thế hệ mới trang bị cho Hải quân Nhật Bản có thể xếp vào hàng khu trục hạm

Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MoD) dự kiến sẽ ký hợp đồng đóng mới cho tất cả 8 tàu hộ vệ đa năng này vào năm tài chính (FY) 2021, với 2 tàu được lên kế hoạch bàn giao mỗi năm. MHI chịu trách nhiệm chính trong khi Mitsui Engineering & Shipbuilding (MES) được lựa chọn làm nhà thầu phụ.

Theo thông báo, vào tháng 11/2018, MHI đã được trao hợp đồng đóng tàu đầu tiên, dự kiến họ sẽ xây dựng 6 tàu thuộc lớp với sự hỗ trợ từ MES, trong khi MES sẽ đóng 2 tàu còn lại (với MHI là nhà thầu phụ).

Việc xây dựng hai chiến hạm đầu tiên đang diễn ra tại Nhà máy đóng tàu Nagasaki của MHI ở tỉnh Nagasaki và Nhà máy đóng tàu Tamano của MES ở tỉnh Okayama. Dự kiến chúng sẽ được hạ thủy vào tháng 11/2020 và được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2022.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/lo-dien-tau-ho-ve-ten-lua-ham-tang-hinh-nhat-ban-3391675/