Lộ diện những Phim châu Á tranh tài ở Oscar 2020: Cửa nào cho 'Hai Phượng'?

93 phim đại diện cho 93 quốc gia dự tranh Phim quốc tế hay nhất đã lộ diện. Điện ảnh châu Á có khoảng 20 ứng cử viên, trong đó có những cái tên thực sự… rất đáng để kỳ vọng. Nhìn vào danh sách đó, cửa nào cho 'Hai Phượng' là câu hỏi của rất nhiều quan tâm đến bộ phim.

Những niềm kiêu hãnh châu Á

Điện ảnh châu Á những năm gần đây khi mang quân đi chinh chiến các giải phim quốc tế đều có những phim thực sự… rất đáng nói, cả về chất lượng nội dung lẫn sức ảnh hưởng về mặt truyền thông. Khi “Ký sinh trùng” của Hàn Quốc chiến thắng giải “Cành cọ vàng” Liên hoan phim quốc tế Cannes năm nay, người ta đã nói rằng: Niềm kiêu hãnh về phim châu Á đã lại được đánh thức lần nữa, kể từ sau hiện tượng “Ngọa hổ tàng long”.

Tuy nhiên, điện ảnh châu Á không chỉ có phim của hai cường quốc điện ảnh khu vực là Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở vòng sơ loại của Oscar năm nay, có những cái tên ở ngay khu vực Đông Nam Á nhưng rất nhiều kỳ vọng, không thể không nhắc đến. Đó là “In the Life of Music” của Cambodia, do hai đạo diễn Caylee So và Sok Visal dàn dựng. Đây là phim thuộc thể loại phim tâm lý đề cập đến chiến tranh và âm nhạc song hành, khiến câu chuyện bên lề trở nên đặc biệt hấp dẫn. Kịch bản phim xoay quanh chỉ một ca khúc thuộc dòng nhạc vàng là Champa Battambang, do ngôi sao quốc nội Sinn Sisamouth phát hành vào khoảng thập niên 60. Theo đó, chuyện phim cũng tuần tự diễn ra từ giai đoạn 60, 70 và 2010 với ba đời dòng họ của một gia đình. Ngoài yếu tố lịch sử, chất liệu âm nhạc được hai đạo diễn tiết lộ có vai trò quan trọng trong đời sống của người bản xứ, lột tả đúng tinh thần nhân dân thông qua 40 năm đầy khổ hạnh.

Đại diện của Philipines là “Verdict” với những nội dung liên quan đến bạo lực, tình cảnh an ninh xã hội. Phim do đạo diễn rất trẻ Raymund Ribay Gutierrez, SN 1992 thực hiện. “Verdict” đã giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim Venice hạng mục Horizon.

“Memories of My Body”, đại diện cho điện ảnh độc lập Indonesia năm nay cũng gây bất ngờ với câu chuyện về giới tính. Phim lấy cảm hứng từ cuộc đời thật của nam nghệ sỹ Rianto, người đang phát triển sự nghiệp biểu diễn tại Nhật.

Trước ứng cử viên rất mạnh như “Ký sinh trùng”...

Trước ứng cử viên rất mạnh như “Ký sinh trùng”...

Điện ảnh Malaysia lại táo bạo với một phim về đề tài chính trị: “M for Malaysia” của hai nhà làm phim Dian Lee và Ineza Roussille ghi lại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 vào năm 2018, khi Mahathir Mohamad trở thành Thủ tướng lần thứ hai. Từng chiếu ở các liên hoan phim quốc tế, “M for Malaysia” được khen ngợi là không có thành kiến và không mang mục đích tuyên truyền, dù đạo diễn Ineza Roussille vốn là cháu gái Mahathir Mohamad.

Oscar 2020 có sự góp mặt của nhiều nền điện ảnh châu Á khác như Iran, Mông Cổ, Israel, Nhật Bản… Hai đại diện Thái Lan và Ấn Độ cũng chọn phim giải trí có tính “đặc sản” đến Oscar bao gồm phim kinh dị “Krasue: Inhuman Kiss” và phim ca nhạc “Gully Boy”. Trong đó, “Gully Boy” có hai ngôi sao nội địa là Ranveer Singh và Alia Bhatt, giành được tình cảm của đại đa số khán giả lẫn giới chuyên môn khi chiếu giới thiệu tại Liên hoan phim Berlin.

Tuy nhiên, ứng cử viên sáng giá nhất châu Á cho giải thưởng Phim quốc tế xuất sắc tại Oscar năm nay có lẽ vẫn là “Parasite” (Ký sinh trùng) của Hàn Quốc. “Ký sinh trùng” do đạo diễn Bong Joon-ho thực hiện, tác phẩm châm biếm hiện thực giàu - nghèo phân cách trong xã hội Hàn Quốc hiện đại từng chinh phục ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm nay và giành giải Cành cọ vàng hồi cuối tháng 5. Điều đáng nói là “Ký sinh trùng” làm được hai việc tưởng chừng rất khó: Phim hàm ý nghệ thuật mà vẫn đạt doanh thu thương mại cao.

Vì vậy, Oscar 2020 đối với phim quốc tế sẽ có thể là cuộc đua của những niềm kiêu hãnh điện ảnh châu Á thực sự. Nơi mà các nhà làm phim mạnh mẽ thể hiện các thông điệp về văn hóa, chính trị, xã hội của quốc gia họ trên từng khung hình.

Đại diện cho Việt Nam liệu có cơ hội vào danh sách rút gọn của Oscar 2020? Ảnh: Đoàn làm phim

“Cửa” nào cho “Hai Phượng”?

Đại diện của Việt Nam năm nay tiếp tục là một phim của Ngô Thanh Vân. Sau “Cô ba Sài Gòn” năm ngoái, năm nay “Hai Phượng” (tựa Anh: Furie) sẽ tham dự vòng sơ loại Oscar. Thực chất mà nói, “Hai Phượng” theo thể loại hành động là một… cửa khó cạnh tranh với các bộ phim khác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, “Hai Phượng” cũng có những điểm mạnh riêng: Đó là phim Việt hiếm hoi chiếu trên Netflix - nền tảng xem phim trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay đồng thời ra rạp tại Bắc Mỹ thông qua nhà phát hành Well Go USA.

Bên cạnh đó, cái tên Ngô Thanh Vân ít nhiều ghi dấu ấn với khán giả phương Tây khi góp mặt trong các dự án bom tấn Hollywood. “Hai Phượng” được cho là phim cuối cùng trong vai đả nữ của Ngô Thanh Vân, kiếm về 115 tỉ đồng cùng một số lời khen từ các nhà phê bình uy tín như Hollywood Reporter, Houston Chronicle...

Thực tế là khi nói về phim Việt và cơ hội tại Oscar, chúng ta chỉ tạm hiểu đến bước: Vượt qua vào sơ loại, vào danh sách rút gọn đã là… thành công ngoài mong đợi. Như mọi năm, danh sách đề cử rút gọn (gồm 9 phim) sẽ được công bố trước khi đề cử chính thức (5 phim) diễn ra vào tháng 1 năm sau. Trong lịch sử các kỳ tham dự giải thưởng của phim Việt, chỉ có một phim nói tiếng Việt từng vào đề cử chính thức là “Mùi đu đủ xanh” của Trần Anh Hùng (năm 1994), nhưng phim này do Pháp sản xuất.

Thực chất là “Hai Phượng” có nội dung chưa thật đặc sắc, câu chuyện khá đơn giản, nên “cửa” cho Hai Phượng thẳng thắn mà nói để được vào danh sách rút gọn là… hẹp.

Nhưng lựa chọn một phim đại diện đi tham dự Oscar luôn là nỗi niềm khó chung của nhiều nền điện ảnh. Chọn “Hai Phượng” cũng gây lên những tranh cãi trong khán giả Việt. Tuy nhiên, nếu không phải là “Hai Phượng”, chúng ta cũng khó tìm được phim khác “sáng” hơn. Vì thế, mong muốn vào “cửa sáng” cho phim Việt tại Oscar, chúng ta cần thời gian lâu dài phía trước, khi các nhà làm phim trong nước có nhiều tác phẩm hay và phù hợp hơn.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lo-dien-nhung-phim-chau-a-tranh-tai-o-oscar-2020-cua-nao-cho-hai-phuong-168066.html