'Lộ diện' những nguy cơ tiềm ẩn của kinh tế khi Mỹ tăng lãi suất

10 năm sau sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Mỹ đang ghi nhận những số liệu hết sức lạc quan.

Đó là tăng trưởng mạnh mẽ, thất nghiệp ở mức thấp lịch sử và một thị trường chứng khoán đầy khởi sắc.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở thành phố Pocomoke, Maryland, Mỹ ngày 1/3. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhưng cùng với đó là đà tăng lãi suất khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang nỗ lực giữ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới không tăng trưởng quá nóng.

Và sau 10 năm bị lãi suất ở mức thấp "cám dỗ", nhiều người vào cảnh nợ nần chồng chất, thì giờ đây lãi suất gia tăng có thể phơi bày những nguy cơ đang tiềm ẩn trong nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới.

Không giống như thời kỳ trước năm 2008, lần này các khoản vay có thế chấp được dự đoán sẽ không phải là tác nhân cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Dù tiếp tục chiếm một phần lớn (68%) trong nợ hộ gia đình và lên đến 9.000 tỷ USD tính đến ngày 30/6, theo Fed chi nhánh New York, các khoản cho vay để mua nhà hiện giờ đang “lành mạnh” hơn rất nhiều. Tỷ lệ các khoản cho vay cho những người mua nhà có điểm tín dụng thấp hiện đang rất nhỏ, và tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống chỉ còn 1%, gần với mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Trong khi đó, tỷ lệ các khoản cho vay thế chấp có lãi suất điều chỉnh (ARM) vẫn ở mức rất thấp, chỉ 5-6% so với 35% năm 2005. ARM đã từng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ vỡ nợ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thay vào đó, yếu tố gây quan ngại nhiều hơn là các khoản vay cho sinh viên hay vay mua ô tô, thứ nhất là do số người vay có điểm tín dụng thấp gia tăng, và thứ hai là do tổng số nợ thuộc loại này đang “phình to” ra. Tính đến ngày 30/6, các khoản cho vay cho sinh viên lên đến 1.410 tỷ USD và chiếm khoảng 11% nợ xấu, trong khi các khoản vay mua ô tô cũng ở mức cao 1.240 tỷ USD.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng dù tình hình này đang ngày càng khiến các hộ gia đình lo lắng, nhưng các khoản nợ loại này không thể gây ra những nguy cơ mang tính hệ thống cho lĩnh vực tài chính.

Các doanh nghiệp Mỹ đã tận dụng nhiều năm lãi suất ở mức thấp để phát hành cổ phiếu và tìm kiếm các nhà đầu tư. Việc tìm kiếm lợi nhuận thông qua loại hình đầu tư này đã khiến giới đầu tư nắm giữ tỷ lệ chứng khoán cấp thấp ngày càng tăng.

S&P cho biết số nợ doanh nghiệp của Mỹ đến hạn trong ba năm tới vẫn nằm trong khả năng xử lý, nhưng từ năm 2022, 50% số nợ đến hạn sẽ là nợ cấp thấp, dễ chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi trong tâm lý thị trường và các doanh nghiệp này khó để có thể vay tiền trả nợ hơn.

Và cũng như các doanh nghiệp, nợ của chính phủ các nước mới nổi cũng đang gia tăng, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng trong nhiều trường hợp, các nước này đã cải thiện được những nền tảng kinh tế cơ bản hậu khủng hoảng, giúp cho nền kinh tế của họ có thể chịu được một vài sự bất ổn.

Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi suất, lãi suất vay bằng đồng USD sẽ tăng lên đối với các nước này, cùng lúc đó đồng USD cũng tăng giá do giới đầu tư rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi để mua USD.

Và nếu một điều gì đó "tình cờ" khiến giới đầu tư hoang mang và khiến họ né tránh rủi ro hơn, như một cuộc chiến thương mại chẳng hạn, thì điều này có thể làm gia tăng sự thoái vốn, và đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi đứng trước nhiều nguy cơ.

Khánh Ly (Theo AFP)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/-lo-dien-nhung-nguy-co-tiem-an-cua-kinh-te-khi-my-tang-lai-suat/97137.html