Lo điện mặt trời theo vết xe đổ Trung Quốc: Hỏi ngược

Tôi muốn làm rõ 'vết xe đổ của Trung Quốc' cụ thể là vết như thế nào?

Mới đây, Chính phủ đã có công văn số 12084 yêu cầu Bộ Công thương làm rõ một số vấn đề phát triển các dự án điện mặt trời theo phản ánh của một số chuyên gia.

Ông Sính cho rằng điện than mới là mối lo đáng ngại. Ảnh: Dân Trí

Cụ thể, về phản ánh cho rằng tổng công suất điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lên tới 749,63 MW và Ninh Thuận là 1.047,32 MW, thực tế này dẫn tới các đường dây truyền tải khu vực này rơi vào tình trạng đầy tải, quá tải.

Nếu sản lượng hay công suất các nhà máy điện mặt trời bị giảm 10%, mọi tính toán có thể bị đảo lộn, các dự án sẽ không thể thực hiện.

Hay những cảnh báo về việc không để năng lượng tái tạo của Việt Nam đi theo vết xe đổ của Trung Quốc; hay giá mua điện mặt trời khá cao (9,35UScent/kWh), tạo ra thị trường mua bán dự án trở nên quá nóng...

Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) khẳng định, những phản ánh nêu trên rất đáng quan tâm nhưng thiếu cơ sở khoa học.

Phân tích cụ thể từng vấn đề, ông Sính chỉ rõ.

Thứ nhất, với phản ánh về việc điện mặt trời đang làm đường dây truyền tải khu vực này rơi vào tình trạng đầy tải, quá tải, ông Sính nhấn mạnh, phản ánh trên chưa thuyết phục.

Theo ông Sính, cho tới thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch chi tiết về năng lượng tái tạo tái sinh, như vậy, rất khó để khẳng định ngay điện mặt trời gây ảnh hưởng tới đường dây truyền tải khu vực này.

Tiếp theo, trong quy hoạch điện, đường tải điện than, thủy điện cũng chưa có sự tách bạch, rõ ràng, vì thế, ông Sính cho rằng muốn đánh giá tác động của điện mặt trời thì trước hết phải quy hoạch lại đường truyền tải của điện than và thủy điện.

Vấn đề nữa, tại khu vực miền Trung Nam Bộ, điện gió, điện mặt trời đang sử dụng nguyên liệu có sẵn, thì tại sao lại nói quá tải?

"Rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng, chưa có cơ sở cần phải nghiên cứu, đánh giá thì mới đưa ra kết luận cụ thể", ông Sinh nói.

Thứ hai, về nhận định cho rằng lo ngại điện mặt trời sẽ đi theo vết xe đổ của Trung Quốc, ông Sính muốn làm rõ "vết xe đổ Trung Quốc" cụ thể là vết xe nào?

"Mình là mình, tại sao lại cứ lo mình sẽ giống ai? Cho tới lúc này tôi cũng không biết rằng vết xe đổ của Trung Quốc đang nói tới là vết xe nào nhưng tôi biết chắc chắn rằng, Trung Quốc đang phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề chính từ việc sử dụng quá nhiều nhiệt điện than.

Về vấn đề điện mặt trời, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời để bán, kinh doanh.

Đây là những sản phẩm giúp Trung Quốc mang về lợi nhuận rất lớn nhưng ngược lại cũng có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Việc này khác với định hướng của Việt Nam trong sản xuất điện mặt trời", ông Sính nhấn mạnh.

Ông Sính cho rằng, vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam chính là nhiệt điện than chứ không phải điện mặt trời.

"Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, khu vực ĐBSCL có đến 14 nhà máy nhiệt điện than với công suất 18.268 MW.

Trong đó, tỉnh Trà Vinh có 4, Bạc Liêu 1, Hậu Giang 2, Long An 2, Sóc Trăng 3 và Tiền Giang 2 nhà máy.

Ngay cả khi sử dụng công nghệ mới nhất, các nhà máy này sẽ vẫn phát thải một lượng lớn các chất gây ô nhiễm không khí độc hại, cacbon và tro xỉ.

Hơn nữa, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than nêu trên được vận hành tại ĐBSCL, mỗi ngày sẽ thải ra khoảng 70 triệu m3 nước nóng lên tới gần 40 độ C.

Đây sẽ là rủi ro rất lớn đối với hệ sinh thái dưới nước và nguồn lợi thủy sản của vùng này", ông Sính nói.

EVN khuyến khích người dân bán điện mặt trời

Thứ ba, về đề cập giá điện mặt trời hiện đang quá cao, ông Trần Đình Sính cũng không đồng tình với nhận định trên.

Vị chuyên gia phân tích, nếu tính đúng, tính đủ, kể cả tính đến thiệt hại cho xã hội do môi trường và phí các bon thì giá nhiệt điện than sẽ lên tối đa khoảng 11 cent/kWh.

Tuy nhiên, trước nay, nhiệt điện than lại không tính vào và chỉ riêng mức tính sản xuất điện than hiện đã có giá 7,5 cent rồi.

"Nếu tính vào thì năng lượng tái tạo cùng thế mạnh của nó sẽ có cơ hội cạnh tranh. Lý do tại sao không tính thì chúng tôi không rõ vì Viện Năng lượng là người trực tiếp làm vấn đề này và Bộ Công thương thẩm định", ông Trần Đình Sính băn khoăn.

Vị chuyên gia cho rằng cần thiết phải xem lại quy hoạch các nhà máy nhiệt điện khu vực ĐBSCL vì theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đến năm 2030 lượng than Việt Nam phải nhập khẩu là trên 80 triệu tấn. Điều này đặt ra vấn đề về an ninh năng lượng.

"Khi quy hoạch phải xem xét tất cả các khía cạnh và có sự tham khảo ý kiến của rộng rãi từ giới chuyên môn và nhà khoa học rồi mới quyết định.

Không nên vì bảo vệ một loại hình điện nào mà đưa ra những đánh giá thiếu cơ sở khoa học như vậy.

Ở đây tôi cũng muốn làm rõ có mục đích gì ẩn sau những vấn đề nêu trên vì hơn ai hết chính những người làm nhiệt điện than phải là những người hiểu rõ nhất những tác động của loại hình điện nay? Tôi muốn được làm rõ", ông Sính đặt vấn đề.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/lo-dien-mat-troi-theo-vet-xe-do-trung-quoc-hoi-nguoc-3371276/