Lộ diện đầy đủ tính năng tên lửa 9M729 của Nga

Sau những áp lực từ phía Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung - INF, Nga đã công khai tên lửa 9M729.

Hiện nay thời hạn mà Tổng thống Donald Trump đưa ra cho việc chính thức rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) đã cận kề, lý do chính được Mỹ đưa ra đó là Nga đã vi phạm hiệp định khi âm thầm phát triển tên lửa 9M729 có tầm bắn vượt quá giới hạn cho phép.

Để đáp lại cáo buộc từ Washington, Moskva liên tục khẳng định tên lửa 9M729 của họ đều thỏa mãn mọi yêu cầu ràng buộc, tức là tầm bắn của nó không vượt quá con số 5.000 km đồng thời cho rằng Mỹ có toan tính của riêng mình.

Tuy nhiên có vẻ như mọi việc không được như Nga mong muốn khi Tổng thống Mỹ vẫn quyết tâm rút khỏi INF vào ngày 2/2/2019, đặc biệt là sau khi Moskva công bố họ đang phát triển tên lửa hành trình Kalibr-M có tầm bắn lên tới 4.500 km.

Mặc dù đây là phiên bản hải quân nhưng có thể đưa lên bộ bất cứ lúc nào.

Tên lửa hành trình đối đất 9M729 lần đầu tiên được Nga công khai triển lãm

Như một động thái để cứu vãn Hiệp ước INF, trong ngày 23/1 Nga đã mời tùy viên quân sự của nhiều quốc gia và các nhà báo tới tham quan hệ thống tên lửa hành trình đối đất Novator 9M279 mà NATO đặt cho tên định danh SSC-8.

Theo giới thiệu của Nga, tên lửa 9M729 thực chất chỉ là bản nâng cấp về hệ thống dẫn đường và đầu đạn từ phiên bản 9M728 đang trang bị cho tổ hợp Iskander-K, nó có tầm bắn trong khoảng 50 - 480 km, tức là còn nhỏ hơn tên lửa 9M728 10 km và dĩ nhiên là không vi phạm điều khoản nào của INF.

Bên cạnh đó Bộ Quốc phòng Nga cũng trưng bày xe mang phóng tự hành cải tiến dành cho tên lửa 9M729, đây là bản sửa đổi từ loại dùng cho Iskander-M/K hiện tại, nó có khả năng mang tới 4 đạn 9M729 thay vì chỉ 2 quả 9M728 và 9M723 như trước kia.

Nghi ngờ của Mỹ về tên lửa hành trình 9M729 khó mà xóa bỏ được chỉ sau một cuộc triển lãm

Mặc dù Nga đã có động thái "xuống thang" nhưng theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự và nhà phân tích tình hình thế giới thì xác suất để Mỹ giữ lại Hiệp ước INF là rất thấp, bởi vì chẳng có gì bảo đảm tên lửa 9M729 chỉ có tầm bắn ngắn như Nga công bố khi Moskva chỉ cho quan sát bên ngoài ống phóng.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Mỹ khi rút khỏi Hiệp ước INF không chỉ nhằm vào Nga mà còn hướng đến cả Trung Quốc, khi Bắc Kinh mới thực sự là cường quốc tên lửa tầm trung (cả đạn đạo lẫn hành trình) mạnh nhất hành tinh vào thời điểm hiện tại.

Nếu muốn duy trì Hiệp ước INF, có lẽ không còn cách nào khác cho Moskva ngoài việc tìm cách lôi kéo Trung Quốc tham gia cùng, tuy nhiên điều này gần như là chuyện không tưởng vì Bắc Kinh đang rất cần tên lửa tầm trung để uy hiếp các căn cứ quân sự Mỹ hay vùng lãnh thổ Đài Loan.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/lo-dien-day-du-tinh-nang-ten-lua-9m729-cua-nga-3373416/