Lộ diện 38 dự án không đảm bảo PCCC tại Hà Nội

Cảnh sát PCCC Hà Nội vừa công bố danh sách 18 dự án vi phạm các quy định về PCCC trên địa bàn. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên danh sách các dự án không đảm bảo các quy định về PCCC kiểu này được công bố.

Cũng liên quan đến các dự án không đảm bảo PCCC kiểu này, tháng 7 vừa qua, Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng mới công bố danh tính của 38 dự án không đảm bảo các quy định về PCCC. Cháy ở các khu chung cư cao tầng là thực tế đã xảy ra nhiều lần. Vậy nhưng qua những lần công bố danh sách các dự án không đảm bảo các quy định về PCCC, dường như các chủ đầu tư nghĩ rằng cháy ở đâu chứ không phải cháy nhà của mình!

Theo danh sách vừa được Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố, trong số 18 dự án vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, có nhiều dự án của các chủ đầu tư có uy tín như: Tòa nhà Bắc Hà Lucky 30 Phạm Văn Đồng của CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Bắc Hà; chung cư CT12 Văn Phú của CTCP Xây dựng Hạ Đình,...

Theo danh sách này thì quận Nam Từ Liêm là địa bàn có số lượng dự án vi phạm nhiều nhất trong danh sách lần này. Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội thì đơn vị này đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư các dự án công trình xây dựng tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp khắc phục nội dung tồn tại về PCCC. Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại nhiều công trình nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Diễn tập tình huống giải cứu nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy. Ảnh: TTXVN.

Thế nhưng, câu chuyện công bố danh sách những dự án không đảm bảo PCCC này dường như không tác động nhiều đến các chủ đầu tư. Mới chỉ tháng 7 vừa qua, Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng đã công bố 38 dự án không đảm bảo các quy định về PCCC .

Theo danh sách đó thì 38 công trình nhà cao tầng không đảm bảo về PCCC được Cảnh sát PCCC TP Hà Nội công bố, quận Hà Đông tập trung nhiều tòa nhà không đảm bảo an toàn PCCC nhất với 14 công trình, quận Hoàng Mai là 9 tòa.

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì việc công bố danh sách các dự án này cũng là một điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên TS Phạm Sĩ Liêm đặt ra vấn đề rằng, công bố rồi nhưng quan trọng là chúng ta sẽ làm gì?

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, vấn đề ở đây là cần phải chỉ rõ vi phạm là gì? Vi phạm về thiết kế hay là vi phạm về mặt vận hành.

“Vi phạm về mặt thiết kế thì phải hỏi cơ quan nào cấp giấy phép xây dựng bởi vì khi cấp giấy phép xây dựng đã phải kiểm tra có đáp ứng yêu cầu về PCCC hay không. Nếu là vi phạm cái đó thì lỗi không phải chủ đầu tư, mà lỗi ở người cho phép. Câu hỏi là tại sao không đúng theo quy định quy chuẩn mà vẫn cho phép? Thiết kế đúng nhưng quá trình vận hành để xảy ra những sai sót như bình chữa cháy không đủ, có họng chữa cháy nhưng không có đường ống… Những thiếu sót như vậy phải xử phạt chủ đầu tư”.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân được đặt ra ở đây là phải chăng các chủ đầu tư nhờn luật mới dẫn đến hiện tượng hàng loạt dự án vi phạm các quy định về PCCC tràn lan như thế?

Liên tục các dự án nhà chung cư cao tầng được Cảnh sát PCCC công bố không đảm bảo các quy định về PCCC.

Theo Thượng tá Trần Quế Thường, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 9, thì định kỳ 3 tháng 1 lần, đoàn liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo PCCC một lần tại các chung cư cao tầng. Lần nào đoàn cũng lập biên bản xử phạt, yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện. Thế nhưng, những tòa nhà hiện không đảm bảo đều là do chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không thực hiện những cam kết này.

“Các chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà xong để bán, để thu tiền. Các công tác khác như PCCC rất ít được quan tâm. Chính vì thế mà nguy cơ cháy ở các khu chung cư cao tầng trên địa bàn mới có nguy cơ lớn như hiện nay. Công tác đảm bảo an toàn PCCC đã được quy định rất rõ trong luật. Vậy nhưng, suy cho cùng thì mức phạt hiện nay cũng chỉ xử lý hành chính, dẫn đến việc đảm bảo an toàn PCCC còn nhiều tồn tại”, Thượng tá Trần Quế Thường cho biết.

Theo Thượng tá Trần Quế Thường thì chế tài hiện nay là xử phạt hành chính tối đa 80 triệu đồng đối với tổ chức là quá nhẹ: “Lần đầu có thể xử phạt 80 triệu đồng, tuy nhiên nếu lần sau kiểm tra chủ đầu tư vẫn không thực hiện thì cũng không thể áp dụng lại mức phạt cao nhất này nữa mà phải tìm lỗi nhẹ hơn để phạt. Đối với các doanh nghiệp, họ đầu tư một dự án hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thì việc nộp phạt vài chục triệu đồng là quá nhỏ, từ đó mới dẫn đến hiện tượng nhờn luật. Do đó, chúng tôi cũng đang kiến nghị phải nâng mức xử phạt mới đủ tính răn đe”.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cũng cho rằng, thiếu chế tài xử lý mạnh là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng mất an toàn PCCC tại các khu chung cư cao tầng này tồn tại.

“Mức xử phạt hành chính như hiện nay chưa đủ sức răn đe để các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Chúng tôi kiến nghị cần có chế tài mạnh hơn nữa để lập lại trật tự trong đầu tư xây dựng. Ví dụ như phải kịp thời thực hiện đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết không cấp điện, cấp nước sinh hoạt khi công trình chưa được nghiệm thu về PCCC. Làm được điều này sẽ ngăn ngừa được tình trạng chủ đầu tư bất chấp công trình chưa đủ các điều kiện về an toàn PCCC đã đưa vào sử dụng, chủ đầu tư bỏ qua nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng”, bà Hòa nói.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dung-de-cac-chu-dau-tu-nhon-luat-414760/