Lo chuyện ổn định dài lâu cho tăng trưởng kinh tế

Việc duy trì đà tăng trưởng cho 4-8 quý tới không phải là công việc quá khó mà việc khó hơn là bảo đảm tính bền vững. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo 'Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư' do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/10/2018.

Tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đang hào hứng phân tích những điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của 9 tháng đầu năm 2018 nhưng giọng ông bỗng chùng xuống khi chia sẻ, bối cảnh kinh tế hiện nay khá giống với thời điểm 2008 là khi Việt Nam sau một thời gian dài tăng trưởng nóng đã bắt đầu suy giảm mạnh tăng trưởng những năm về sau. “Cái giá phải trả cho việc duy trì sự ổn định vĩ mô là rất đắt nên phải duy trì bằng được sự ổn định này”, TS. Cung nhìn nhận.

Đó có thể coi là thời hàn vi trong tăng trưởng “nóng” của kinh tế Việt Nam. Sau hơn một thập niên duy trì đà tăng trưởng kinh tế với tốc độ GDP chóng mặt thường xuyên trên 8%/năm, sang đến năm 2008 và rồi 2009, gặp đúng cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng, tăng trưởng GDP của Việt Nam khựng lại. Có những tháng, những quý GDP xuống còn 4-5%.

TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, những kết quả khả quan của tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong 9 tháng đầu năm đã giúp hình dung tốt hơn về bối cảnh và kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2018. Việc về đích các chỉ tiêu đã không còn là một áp lực cho quý chót của năm 2018. “Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi (về tỷ giá, lãi suất...) từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Cung nhìn nhận.

Nhưng những ẩn số ở đường chân trời kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam đã được một đồng sự của ông Cung là TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM đưa ra. Thứ nhất, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như độ nhất quán chính sách của Mỹ sau bầu cử giữa kỳ. Thứ hai, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. Thứ ba, các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá.

“Đó là những hành trang dù muốn hay không chúng ta cũng phải mang theo, chí ít là trong 2 năm tới đây”, ông Cung nói. Và câu chuyện là để tăng trưởng bền vững chúng ta phải làm gì?

Kịch bản mà CIEM đưa ra là, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và động thái của các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam, cập nhật nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó theo các kịch bản tăng trưởng đủ chi tiết.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng, nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Ngoài ra, cần áp dụng hiệu quả một số biện pháp liên quan như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thương mại, chính sách giá cả, tiền lương, chính sách đầu tư, thu hút FDI....

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn, TS. Nguyễn Anh Dương cho rằng, tiếp tục cải cách thể chế kinh tế (môi trường kinh doanh, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới sáng tạo,...) vẫn có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng trong dài hạn. “Không thể lấy lý do bận xử lý các yếu tố bên ngoài hoặc đổ thừa cho các yếu tố bất định mà để biện minh cho việc chậm cải cách... Và dù có khung khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu hay không, cải cách về phía cung là không thể thay thế được”, chuyên gia này khẳng định.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lo-chuyen-on-dinh-dai-lau-cho-tang-truong-kinh-te-110424.html