Lo bệnh viện tận thu khi tự chủ

Tuy được trao quyền tự chủ nhưng các bệnh viện công vẫn phải xem sứ mệnh phục vụ nhân dân là chính

Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện (BV) Bạch Mai (TP Hà Nội) giai đoạn 2020 - 2021.

Mô hình như doanh nghiệp

Theo đề án, BV Bạch Mai sẽ tự chủ cả về tổ chức bộ máy và nhân sự. BV sẽ lập hội đồng quản lý (HĐQL) BV. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên HĐQL và chủ tịch HĐQL. Đây là cơ quan quản lý cao nhất của BV cho tới khi bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn thành viên HĐQL. BV sẽ hoạt động giống như mô hình doanh nghiệp.

Tự chủ tài chính giúp các bệnh viện có thêm nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn

Tự chủ tài chính giúp các bệnh viện có thêm nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn

Sau BV Bạch Mai, đề án của 3 BV Chợ Rẫy, Việt Đức, K trung ương cũng đã qua khâu thẩm định, tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng. Trước đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19-5-2019 của Chính phủ cho phép 4 BV này thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn, có nghĩa không còn được hỗ trợ từ ngân sách, phải tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư nhưng chịu sự giám sát về chuyên môn, tài chính của cơ quan quản lý, Kiểm toán Nhà nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết thực hiện tự chủ góp phần làm đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu. Người bệnh được lợi nhất khi không phải ra nước ngoài điều trị, được thụ hưởng các kỹ thuật cao ngay trong nước. Uy tín và thương hiệu của BV cũng như ngành y tế được nâng lên.

Nhiều chuyên gia khẳng định cơ chế tự chủ sẽ làm thay đổi diện mạo của BV công, cả về quy mô và chất lượng, giảm thủ tục hành chính... Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại người bệnh sẽ bị BV tìm cách tận thu.

Phân tích điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng tự chủ không phải là tự nâng viện phí mà quyền của chủ tịch HĐQL BV được nâng lên, tạo hành lang pháp lý để hoạt động thuận lợi hơn. Đó là cơ chế tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Vẫn có sự kiểm soát

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, kể cả khi BV được tự quyết định thì vẫn có kiểm soát, bởi trong HĐQL có lãnh đạo Bộ Y tế tham gia. Nếu có bất thường thì Bộ Y tế vẫn có quyền kiểm tra, kiểm soát bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, người chịu trách nhiệm đầu tiên chính là chủ tịch HĐQL của BV.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng tự chủ không có nghĩa gây khó khăn cho người bệnh, đẩy giá khám chữa bệnh tăng lên. Mục tiêu là tạo ra cơ chế thông thoáng, cởi mở và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh phải tốt hơn rất nhiều so với không tự chủ. Tuy được trao quyền tự chủ nhưng các BV công vẫn phải xem sứ mệnh phục vụ nhân dân là chính, mà không nên lấy lý do phúc lợi, "lợi nhuận doanh nghiệp" để đẩy giá lên cao.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, nói không có sự khác biệt nào về khám chữa bệnh BHYT đối với người bệnh, bởi đây là nhiệm vụ của BV công. Đối với bệnh nhân nghèo hoặc thuộc diện khó khăn thì đã được nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT nên chi phí khám chữa bệnh được BHYT thanh toán theo quy định.

Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết riêng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu do Bộ Y tế ban hành khung giá để các BV áp dụng. Tuy nhiên, vẫn có thể có lạm thu do BV liên doanh liên kết để mua sắm trang thiết bị, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao nhưng đã có hướng dẫn xây dựng giá khám chữa bệnh. "Cần nhìn nhận vấn đề này ở góc độ mang lại hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị, hiệu quả của hoạt động mang lại và tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch quản lý tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có" - ông Liên nhấn mạnh và cho hay Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nhất là tiền lương phải bảo đảm chi trả thỏa đáng cho cán bộ y tế.

Theo Bộ Y tế, hiện 100% BV, trung tâm y tế cấp huyện đã được giao quyền tự chủ. Đến đầu năm 2019, cả nước có 215 BV đã tự bảo đảm chi thường xuyên, 3 BV bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đối với các BV do Bộ Y tế quản lý, có 26/45 BV tự chủ chi thường xuyên. Nhiều BV đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn. Quá trình tự chủ đã giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các BV. Cụ thể, năm 2018 so với năm 2015 đã giảm được khoảng gần 9.500 tỉ đồng.

Nghiên cứu thẻ BHYT nhiều mệnh giá

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Bộ Y tế cần nghiên cứu trình Chính phủ để khuyến khích các tổ chức quỹ bảo hiểm tư nhân, BHXH mở rộng các gói dịch vụ y tế cao hơn gói dịch vụ y tế cơ bản của nhà nước. Người có thu nhập cao, người có điều kiện có thể đóng cao hơn để khi vào BV được hưởng gói dịch vụ cao hơn. Bên cạnh đó, nên nghiên cứu nhiều gói dịch vụ BHYT khác nhau. Người có nguyện vọng được chăm sóc tốt hơn thì trả dịch vụ cao hơn nhưng phải cân đối với thu nhập của người dân Việt Nam.

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lo-benh-vien-tan-thu-khi-tu-chu-20200223212136453.htm