Lo bác sĩ 'tráng men' ra trường: Không nhân nhượng, nới lỏng

Y đa khoa và Dược học là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, không thể áp dụng kiểu 'cần cù bù thông minh'...

Năm 2019, khóa sinh viên đầu tiên của ngành Y đa khoa, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bắt đầu đi thực hành tại các bệnh viện như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện 198… Tiếc là, phản hồi về nhóm sinh viên này không khả quan, thậm chí dư luận còn lo ngại về một lứa bác sĩ ‘tráng men’ ra trường.

Nhà giáo ưu tú, BSCKII Nguyễn Văn Sái, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đại học Y Thái Bình đề nghị phải xem xét lại, không thể nhân nhượng, nới lỏng với một lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người.

Ngành y đào tạo phải gắn với thực hành. Ảnh: Cao đẳng y dược

Ngành y đào tạo phải gắn với thực hành. Ảnh: Cao đẳng y dược

PV:- Là người trong ngành, ông nghĩ thế nào khi nghe những phản ánh như vậy? Thực tế, hiện tượng trên có hiếm không, thưa ông?

NGƯT BSCKII Nguyễn Văn Sái: Trước hết phải hiểu, ngành y là lĩnh vực đặc thù, chất lượng đào tạo, chất lượng bác sĩ phải được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào tới đầu ra vì liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Cũng chính vì tính đặc thù nên đào tạo Y đa khoa có những điểm khác biệt rất lớn so với đào tạo nhiều ngành nghề khác. Bác sĩ lâm sàng là người vừa dạy lý thuyết trên giảng đường, vừa cầm tay chỉ việc khi học tập tại bệnh viện. Vì thế, sinh viên Y đa khoa thường có thời gian thực hành bệnh viện dài hơn thời gian học lý thuyết.

Bởi lẽ, khi đi thực hành, được tiếp xúc với người bệnh, được nhìn thấy bác sĩ khám bệnh, cấp cứu, phẫu thuật, các em mới cảm nhận, thấu hiếu, mới gắn bó được với người bệnh. Từ đó, các em có thể phát triển bản thân mình thành một bác sĩ có chuyên môn cao và giàu lòng bác ái. Một sinh viên ngành y có thể xuất sắc về lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng thực hành cũng không thể trở thành bác sĩ giỏi, có tay nghề, có y đức để phục vụ nhân dân được.

Vì lý do này, nhiều sinh viên Y đa khoa học năm thứ hai đã được nhà trường tổ chức cho đi thực hành tại các bệnh viện, thực chất là để sinh viên quan sát, để vừa học vừa làm, để được tiếp xúc với người bệnh nhiều hơn.

Môi trường thực hành bệnh viện là yếu tố quyết định chất lượng chuyên môn và y đức của các bác sĩ tương lai. Nếu chỉ có giảng đường và phòng thí nghiệm mà không có bệnh viện thì chỉ đào tạo ra người quan sát y khoa, chứ không thể đào tạo được thầy thuốc.

Tuy nhiên, ngay từ khi thành lập, bản thân các trường đào tạo ngành y cũng phải bảo đảm đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí cơ bản ban đầu. Đó là chất lượng tuyển chọn đầu vào, là phải bảo đảm về cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, phải có bệnh viện thực hành cho sinh viên thực hành trước khi đi thực tập thực tế tại các bệnh viện.

Như vậy, có thể chấp nhận sinh viên Y đa khoa thời gian đầu đi thực tập, kỹ năng thực tế còn ở trình độ “i-tờ”, vẫn cần được các bác sĩ “cầm tay chỉ việc”, nhưng cũng không thể “quăng” vào bệnh viện những sinh viên Y3, Y4 mà kiến thức cơ bản không chắc, không biết đọc phim với những bệnh thông thường, không có một chút kỹ năng, thực hành nào được.

PV:- Vậy theo ông, việc các bác sĩ bệnh viện phàn nàn, phản ánh về kiến thức, thái độ của sinh viên Y3, Y4 Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là xuất phát từ đâu? Nên lý giải cặn kẽ thực trạng trên thế nào, thưa ông?

NGƯT BSCKII Nguyễn Văn Sái: Việc các bác sĩ phản ánh, phàn nàn về trình độ, thái độ của các sinh viên ngành Y đa khoa, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có lẽ cần nhìn nhận lại từ lịch sử mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học năm 2015 gây nhiều tranh cãi của trường này.

Ngay từ đầu đã có nhiều lo ngại về một trường dân lập đào tạo kỹ thuật, kinh tế nhưng lại xin mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học.

Những lo ngại trên là có cơ sở vì ngành Y đa khoa và Dược học rất khó và phức tạp, nên phải có điều kiện cơ sở hạ tầng vật chất tốt, giảng viên có chất lượng, sinh viên đầu vào giỏi thì mới đào tạo ra những bác sĩ giỏi được.

Thực tế, trong thông báo điểm xét tuyển chung nguyện vọng 1 của ngành Y đa khoa và Dược học trường này năm 2016, chỉ là 18 điểm, thấp hơn nhiều so với nhiều trường đào tạo Y đa khoa chính quy khác. Tức là ngay từ điểm xuất phát đã thấp hơn yêu cầu thực tế.

Sinh viên ngành Y Dược đòi hỏi có thành thích học tập tốt, với khối lượng và cường độ công việc khá cao. Nếu lấy điểm đầu vào thấp, sinh viên nhiều khả năng không đạt được năng lực cần thiết của bác sĩ và dược sĩ.

Hơn nữa, Y đa khoa và Dược học là lĩnh vực đặc thù, hoàn toàn khác, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, nên không thể áp dụng kiểu “cần cù bù thông minh” vào việc giảng dạy y dược được.

Tiếp theo, việc cấp phép cho một trường dân lập, lại là trường kỹ thuật, mà mở khoa Y sẽ rất khó có một đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành có năng lực kinh nghiệm thật sự, luôn gắn bó với trường. Kể cả trường hợp đi mượn, đi thuê hoặc nhờ cán bộ của trường khác đến dạy thì cũng rất khó có thể bảo đảm được chất lượng đào tạo.

Tôi không phủ nhận kiến thức chuyên môn của những chuyên gia, bác sĩ đã nghỉ hưu, đó đều là những người có kiến thức, trình độ, có thâm niên giảng dạy lý thuyết rất tốt. Tuy nhiên, với những người tuổi đã cao, đã nghỉ hưu thì chắc chắn khả năng cập nhật thực tế, khả năng thực hành sẽ có nhiều hạn chế. Một chuyên gia 70 – 80 tuổi chỉ có thể giảng lý thuyết tốt, chứ làm sao xử lý các tình huống thực tế như chẩn đoán hay phẫu thuật tốt được.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, thiếu bệnh viện cho sinh viên thực hành, sinh viên chỉ học lý thuyết mà không được tiếp xúc thực tế thì không biết gì là dễ hiểu. Với những hạn chế như vậy rất khó bảo đảm được chất lượng đầu ra cho sinh viên.

Tôi đồng tình với quan điểm là phải mở mang dân trí, nhưng không phải chạy theo lý thuyết, chạy theo bằng cấp. Nhất là với ngành y, lý thuyết phải gắn chặt với thực hành. Với những trường dân lập, không đủ điều kiện giảng dạy, không nên cho đào tạo ngành y.

Phải siết chặt quản lý mới hi vọng có được những bác sĩ chất lượng.

Từ chỗ đào tạo chưa bảo đảm, lại thiếu cơ sở thực hành, trong quá trình đưa sinh viên đi thực hành lại không có giáo viên đi cùng, thì sinh viên lơ ngơ, bác sĩ phàn nàn là đương nhiên rồi.

Với một trường đào tạo chuyên ngành, có đủ giảng viên cơ hữu, trong những năm đầu đưa sinh viên đi thực hành phải có giáo viên đi cùng hướng dẫn tỉ mỉ cho học sinh từ việc tiếp xúc với bệnh nhân, cách thăm hỏi bệnh nhân như thế nào… Gọi theo chuyên ngành y khoa là “thái độ tiếp xúc với bệnh nhân”.

Rõ ràng, không bệnh nhân nào chấp nhận thái độ của một y bác sĩ mà thấy bệnh nhân vào viện không hỏi, không chào, không nói, đã tự ý kéo áo bệnh nhân lên, kéo quần bệnh nhân xuống, sờ nắn khắp người. Đó là thái độ không thể chấp nhận được.

Tiếp đến là phải hướng dẫn cho sinh viên cách thăm khám cho bệnh nhân, phải kết hợp từ lý thuyết vào thực tế. Từ việc hỏi han về triệu chứng, tiền sử của bệnh nhân cho tới cách thăm khám, chẩn đoán lâm sàng.

Một ví dụ đơn giản với bệnh nhân đau ruột thừa, người bác sĩ cần hỏi bệnh nhân đau thế nào, đau ở đâu, đau từ bao giờ… Nếu những triệu trứng lâm sàng không được chẩn đoán kỹ có thể sẽ dẫn tới những phán đoán sai và hậu quả thì khó có thể lường hết được.

Nếu nhìn lại toàn bộ vụ việc thì không khó để hiểu vì sao sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị các bác sĩ phàn nàn, than phiền về kiến thức và thái độ.

PV:- Theo ông, với những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người, thì có thể nhân nhượng và nới lỏng quy định, buông lỏng cửa kiểm soát chất lượng được không? Việc này có giải thích cho những tai nạn, những sự cố y khoa liên tiếp xảy ra trong thời gian qua như: bác sĩ mổ nhầm, bỏ quên gạc trong bụng bệnh nhân... hay những ứng xử hách dịch, thiếu lễ độ của y, bác sĩ trong thực tế, thưa ông?

NGƯT BSCKII Nguyễn Văn Sái: Tôi phải nhấn mạnh rằng “chữa người bệnh không phải chữa con bệnh”, vì thế việc thăm khám, chẩn đoán lâm sàng không thể dựa hoàn toàn vào máy móc.

Nhưng thời gian gần đây, có thể nhận thấy việc khám lâm sàng của một số y, bác sĩ khá sơ sài, thăm hỏi qua loa rồi sau đó ra hàng loạt những chỉ định như chụp chiếu, siêu âm, chứ không khám bệnh như trước đây. Vẫn thừa nhận, có sự hỗ trợ của máy móc kỹ thuật hiện đại trong khám, chữa bệnh là rất tốt, tuy nhiên sự nhạy cảm của người thầy thuốc phần lớn vẫn dựa vào bàn tay, đôi mắt và trí não của người làm nghề.

Thời gian qua, chúng ta phải chứng kiến không ít những sự cố y khoa, những tai nạn trong quá trình phẫu thuật như mổ nhầm chân, cắt nhầm niệu đạo, bác sĩ bỏ quên gạc trong bụng bệnh nhân… Tất cả là do chẩn đoán lâm sàng sai, là do trình độ yếu kém, do thiếu kỹ năng thực hành.

Nguyên nhân có phần từ việc nới lỏng công tác đào tạo, thiếu cửa kiểm soát chất lượng, đào tạo lý thuyết không gắn liền với thực tiễn. Trong quá trình đào tạo thì xem nhẹ việc đào tạo y học cơ sở, khiến cho việc thăm khám, chẩn đoán cũng sơ sài, qua loa, bác sĩ ỉ lại vào máy móc công nghệ chứ không dựa trên sự nhạy cảm nghề nghiệp.

Chính vì lý do này mà cả nước từng xôn xao câu chuyện các thầy thuốc chẩn đoán hàng loạt học sinh ở Bắc Ninh có tỉ lệ cao bị sán lợn, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Đồng ý, trong bối cảnh công nghệ phát triển, cách mạng 4.0 trong y tế là tất yếu, nhưng không bao giờ được nghĩ cứ công nghệ cao thì “rảnh tay” và coi nhẹ giáo dục cơ sở, giáo dục đạo đức y tế.

Các xét nghiệm hiện đại thường có độ nhạy cao hơn xét nghiệm thủ công, nhưng chưa chắc đặc hiệu trong chẩn đoán bệnh đã cao, do tính phản ứng chéo giữa các kháng nguyên. Hơn nữa, từ chẩn đoán không kỹ cũng dẫn tới những chỉ định xét nghiệm không cần thiết, việc này vô tình khiến người dân đổ xô đi xét nghiệm vừa tốn tiền, vừa không hữu ích.

Do đó, việc ứng dụng công nghệ khoa học là đúng, nhưng không thể lạm dụng kỹ thuật cao để “rảnh tay” hoặc vì những mục đích tài chính khác mà lừa dối người bệnh, kiếm tiền của người bệnh, khiến người bệnh bức xúc, phản ứng.

Nên nhớ, khi khoa học công nghệ y học càng phát triển, càng cần tăng cường giáo dục đạo đức y tế. Những sai sót, tai nạn trong y khoa thực tế đều bắt nguồn từ sự thiếu cẩn trọng, thiếu thực tế, thiếu nền tảng đạo đức cơ bản mà ra.

Chưa kể, nếu sinh viên đi thực tập ở những bệnh viện có chất lượng không tốt, ít bệnh nhân thì kết quả ra trường lại càng kém.

PV:- Từ góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng phải siết lại công tác cấp phép, đào tạo. Bởi từ sự nới lỏng, dễ dãi trong cấp phép nên mới có tình trạng nhiều trường ngoài công lập đồng loạt làm đề án và xin phép mở thêm ngành nghề. Ông có đồng tình với quan điểm trên không? Nếu những hạn chế trên chưa được giải quyết thì hệ lụy sẽ thế nào?

NGƯT BSCKII Nguyễn Văn Sái: Không sai, đây chính là lo ngại của tôi và là lo ngại chung của toàn xã hội. Tôi không nói rằng việc cấp phép trong đào tạo ngành y của chúng ta quá dễ dãi, nhưng đúng là phạm vi cấp phép cho hoạt động đào tạo của ngành y có hơi rộng và điều này đã dẫn tới những hạn chế nhất định.

Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra quy định chung về điều kiện mở ngành trình độ đại học là tối thiểu 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng ngành đăng ký, đảm nhiệm giảng dạy 70% chương trình đào tạo. Tuy nhiên, nếu áp dụng vào ngành y, tiêu chuẩn này quá thấp.

Chính vì thế, có nhiều trường dân lập, công lập xin làm đề án, xin mở thêm ngành nghề.

Mới đây, Bộ GD&ĐT có ra Thông tư 22 quy định rõ về việc mở và siết chặt tình trạng xin mở để được đào tạo đối với trình độ Đại học - Cao đẳng Y Dược. Theo đó, có quy định về số lượng giảng viên cơ hữu, số tiến sĩ tối thiểu tại mỗi cơ sở giảng dạy… Việc này cũng cần thiết.

Tuy nhiên, với ngành y, Bộ GD&ĐT phải xem lại đội ngũ giáo viên cơ hữu thực sự làm việc tại cơ sở đào tạo. Các giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đều phải có chuyên môn phù hợp với nội dung các học phần được phân công giảng dạy và phải làm việc đều tại cơ sở giảng dạy.

Số lượng giảng viên cơ hữu cũng phải đủ để bảo đảm chất lượng giảng dạy cho sinh viên.

Một thầy mà đưa tới 30-40 sinh viên vào trong buồng bệnh thì giảng bài thế nào, sinh viên học tập làm sao được?

Vì thế, vấn đề cấp phép đào tạo phải siết lại, phải đi theo chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Không nên cấp phép dễ dãi, cấp phép mở thêm ngành đào tạo và để các trường tuyển sinh một cách ồ ạt như vậy. Phải siết chặt quản lý thì mới hi vọng có được những bác sĩ ra trường đạt chất lượng cao được.

Bên cạnh đó, đầu ra cũng phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng, chứ không chỉ có bằng cấp là nghiễm nhiên có thể đi làm việc.

Trong quá trình đào tạo, ý thức và kỹ năng thực hành được đánh giá rất cao. Với những sinh viên lười học, ý thức kém, điểm thi lâm sàng không đạt, nhất định phải cho trượt, buộc phải học lại.

Vì khi ra trường, những sinh viên ngành y thường có tính độc lập rất cao và tự tìm kiếm được việc làm, do đó nếu sinh viên tốt nghiệp về làm tại các bệnh viện lớn, có điều kiện được tiếp xúc với bệnh nhân, bác sĩ, với thầy cô, bạn bè, thì còn có cơ hội thực hành, học hỏi. Tuy nhiên, với những sinh viên về các tuyến huyện hoặc làm bệnh viện tư thì hầu hết là phải độc lập, tự lập về chuyên môn, nếu không kiểm soát dược chất lượng đầu ra rõ ràng sẽ là mối nguy cho cả xã hội.

Đối với điều kiện cơ sở vật chất để được mở trình độ đại học y dược cũng phải bảo đảm đầy đủ, bao gồm từ các cơ sở thí nghiệm, tới các bệnh viện thực hành.

Tóm lại, đào tạo các ngành liên quan đến sức khỏe cần phải chuẩn bị kỹ điều kiện do liên quan đến tính mạng con người và nhất là hậu quả về sau.

Nguy cơ bác sĩ 'tráng men' ra trường: Biết và...không biết!

PV:- Vậy, để chấm dứt được hiện tượng bác sĩ “tráng men” ra trường thì cần phải làm thế nào? Về phía ngành giáo dục cần phải thay đổi và tham khảo thêm kinh nghiệm của nước nào trên thế giới để điều chỉnh cách quản lý của mình? Xin ông phân tích kỹ.

NGƯT BSCKII Nguyễn Văn Sái: Theo tôi để chấm dứt được hiện tượng bác sĩ “tráng men” ra trường thì trước hết phải thay đổi từ tầm vĩ mô.

Về công tác quản lý, phải siết lại đầu vào, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo, không nên chạy theo số lượng và phải tuân thủ chặt chẽ quy định về số lượng thầy giáo trên đầu sinh viên mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Tiếp theo, tôi vẫn nhấn mạnh vai trò thực hành của sinh viên ngành y, đào tạo phải gắn liền với bệnh viện thì đội ngũ y bác sĩ ra trường mới có chất lượng cao.

Riêng về đào tạo, hiện đang có xu hướng đi theo mô hình đào tạo liên thông, gắn với thực hành. Lấy ví dụ với bệnh ruột thừa, việc đào tạo sẽ đi theo luôn cả quá trình từ chẩn đoán lâm sàng tới giải phẫu hình học, giải phẫu bệnh học cho tới lên phác đồ điều trị. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian đào tạo, tránh tình trạng đào tạo chồng chéo, ngắt quãng, mỗi người giảng một tí.

Đào tạo liên thông theo vấn đề như vậy cũng giúp đánh giá được chất lượng sinh viên trong suốt quá trình đào tạo được tốt hơn, chặt chẽ hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lan Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/lo-bac-si-trang-men-ra-truong-khong-nhan-nhuong-noi-long-3391175/