Lộ 4 bước Mỹ vô hiệu phòng thủ Nga tại Kaliningrad

Nhà báo Mark Pomerleau đăng tải trên trang c4ismet tiết lộ những bước Mỹ vạch ra để có thể vô hiệu phòng thủ Nga tại Kaliningrad.

Trong một cuộc họp hồi tháng 10/2019, chỉ huy của các phi đội thuộc đơn vị số 16 của Không quân Mỹ đã bàn về "thách thức nhất định đối với Không quân Mỹ, đó là làm cách nào để đánh bại hệ thống phòng thủ phối hợp của Nga".

Bản kế hoạch này được thực hiện với nhiều giai đoạn. Mở màn là điều động Đơn vị Máy bay Tình báo, Thám báo và Do thám (ISR) số 70 cùng với Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thu thập các dữ liệu tình báo trên toàn cầu để "biết các hệ thống phòng vệ của Nga liên lạc với nhau như thế nào, được sử dụng ra sao và địa điểm triển khai.

Hệ thống Iskander-M Nga triển khai tại Kaliningrad.

Hệ thống Iskander-M Nga triển khai tại Kaliningrad.

Bước thứ 2 là Đơn vị ISR số 362 sẽ có nhiệm vụ "xác định cách tấn công các hệ thống của Nga và tìm hiểu sự nguy hiểm của những hệ thống này". Bước thử 3, Phi đội Do thám số 9 sẽ sử dụng phi đội trinh sát cơ U-2 dùng các thiết bị chiến tranh điện tử áp chế phòng thủ Nga.

Ông Pomerleau viết: "Một đơn vị khác là Đơn vị ISR số 480, hiện đang sở hữu nền tảng chia sẻ thông tin tình báo toàn cầu, có một đội ngũ chuyên dành cho việc đối phó với các hệ thống phòng không phối hợp".

Trong bước thứ 4 cũng là bước cuối cùng, Đơn vị Máy bay số 55 có chức năng do thám và tác chiến điện tử, sẽ tìm cách nghiên cứu những khả năng quân sự "đã bị suy giảm trong nhiều năm qua", và theo ông Pomerleau thì Không quân Mỹ sẽ "cần sự giúp đỡ từ NSA".

Tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Mỹ cũng cho biết, Đơn vị số 16 của Không quân Mỹ có thể là cơ chế nhằm tránh xung đột bùng nổ. "Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu nếu cần, nhưng chúng tôi không muốn giao chiến. Nếu có cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng, chúng tôi sẵn sàng làm ngay lập tức".

Trong khi đó, Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi - Đại tướng Jeffrey Lee Harrigian cũng nói rằng, Lầu Năm Góc đã xây dựng một kế hoạch đánh bại hệ thống phòng không của Nga ở vùng Kaliningrad, vùng cực Tây của Nga trong trường hợp Moscow gây hấn.

"Chẳng hạn như chúng tôi phải đến đó và hạ gục các hệ thống phòng không tích hợp (IADS) ở Kaliningrad thì không nghi ngờ gì cả, chúng tôi đã có kế hoạch cho việc đó. Chúng tôi đã huấn luyện thực hiện hành động này và chúng tôi suy nghĩ về kế hoạch đó mọi lúc mọi nơi… và nếu buộc phải làm điều đó, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện", tờ Breaking Defense dẫn phát biểu của ông Harrigian.

Tướng Harrigian chỉ ra rằng đòn đáp trả của Mỹ đối với hành động gây hấn tiềm năng của Nga từ Kaliningrad sẽ là "đa miền, rất kịp thời và hiệu quả". Tuy nhiên, vị tướng Mỹ không tiết lộ chi tiết kế hoạch, chỉ nói rằng đó sẽ bao gồm các cuộc tấn công phối hợp từ cả trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ, không gian mạng và tác chiến điện tử.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặc biệt chú ý tới vùng Kaliningrad bởi khối quân sự này xem khoảng không gian Suwalki - một hành lang kéo dài 64 km chạy dọc biên giới Ba Lan - Lithuania nằm giữa vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga và Belarus (đồng minh của Nga) - là một trong những địa bàn dễ bị tổn thương nhất trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Nga.

Theo tạp chí National Interest, Nga đã bố trí các hệ thống phòng không hiện đại S-300 và S-400, các tên lửa chống hạm Oniks và tên lửa đất đối đất Iskander ở vùng đất này. Từ Kaliningrad, Nga có thể tấn công các máy bay, tàu chiến và lực lượng mặt đất của NATO ở khoảng cách hàng trăm km từ tất cả hướng.

Moscow những năm gần đây tăng cường khả năng phòng thủ cho Kaliningrad. Lực lượng bộ binh ở khu vực này dự kiến sẽ tiếp nhận tên lửa đạn đạo Iskander-M trong năm 2019, hoàn tất quá trình vũ trang lại trận địa tên lửa của lực lượng trên bộ.

Lữ đoàn tên lửa của Kaliningrad sở hữu hơn 50 phương tiện, trong đó gồm các bệ phóng, phương tiện chỉ huy và bảo trì cùng với các phương tiện hỗ trợ khác, theo Bộ Quốc phòng Nga. Tên lửa Iskander-M mới có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

"Nga đã đầu tư năng lượng đáng kể vào phát triển khả năng chống xâm nhập, chống tiếp cận khu vực (A2AD) và thận trọng định vị chúng để tối đa hóa hiệu quả chiến lược của chúng. Việc triển khai chiến lược A2AD của Nga kéo dài đến tận cực Bắc xuống Syria, đặc biệt tập trung ở Kaliningrad và xung quanh bán đảo Crimea - một loại hệ thống A2AD chồng chéo và tinh vi", tạp chí Mỹ cho biết.

"Trong trường hợp xảy ra xung đột, sự triển khai như vậy sẽ làm phức tạp khả năng của NATO tiếp cận những khu vực trọng yếu như các các nước Baltic hay Ba Lan", nguồn tin này cho hay. Như ông Harrigian tuyên bố, Kaliningrad và lực lượng đồn trú ở đó có thể là mục tiêu hàng đầu cho những gì mà Lầu Năm Góc gọi là "chiến dịch đa miền".

Tin tặc có thể làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc trong khi gây nhiễu các máy bay để bẫy radar. Máy bay ném bom, tàu chiến và tàu ngầm có thể phóng tên lửa hành trình tầm xa. Lực lượng trên bộ có thể phóng rocket. Máy bay chiến đấu tàng hình và oanh tạc cơ có thể xuyên thủng hàng phòng thủ còn sót lại để hạ gục máy bay ném bom dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu.

Nhưng với khả năng chống xâm nhập, chống tiếp cận khu vực từ những vũ khí Nga triển khai tại Kaliningrad, sẽ rất khó để Mỹ và NATO thực hiện được kế hoạch của mình, tờ National Interest kết luận.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/lo-4-buoc-my-vo-hieu-phong-thu-nga-tai-kaliningrad-3391689/