LNG rẻ hay đắt?

Giống như dầu thô và các sản phảm dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cũng được giao dịch trên các sàn giao dịch với các hợp đồng giao ngay hoặc kỳ hạn. Giá LNG trên thị trường thế giới thay đổi tùy theo các yếu tố thị trường.

Tại châu Âu, khí LNG được giao dịch tại các sàn TTF ở Hà Lan, NBP ở Vương quốc Anh. Tại Mỹ, khí đốt thiên nhiên được mua bán ở sàn Henry Hub và Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX). Các giao dịch hoán đổi OTC được giao dịch trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) ở London. OTC là giao dịch phi tập trung hoặc giao dịch ngoài sàn giao dịch hoặc giao dịch bảng hồng được thực hiện trực tiếp giữa hai bên mà không có sự giám sát của sàn giao dịch. Giá LNG tại các sàn giao dịch trên thay đổi theo các yếu tố thị trường.

Tuy nhiên, chính phủ các nước vẫn có quyền can thiệp để bảo đảm an ninh năng lượng. chẳng hạn, từ ngày 1/5 Ủy ban châu Âu (EC) mở rộng cơ chế giới hạn giá khí đốt đối với tất cả các trung tâm giao dịch ở Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn tiềm tàng trên thị trường năng lượng châu Âu. Theo EC, động thái này có thể tạo "lá chắn thậm chí rộng lớn hơn" giúp ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng cao và không ổn định, đồng thời giúp tránh được nguy cơ bất ổn tiềm tàng từ việc chỉ áp dụng với trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan.

Trước đó, tháng 12/2022, các nước EU đã nhất trí mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh sau các cuộc đàm phán kéo dài về việc điều chỉnh giá khí đốt vốn đã tăng lên các mức cao kỷ lục do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Theo cơ chế điều chỉnh này, mức giới hạn giá trên được kích hoạt khi giá khí đốt hợp đồng tương lai vượt quá mức 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp trên sàn giao dịch TTF.

Ngoài ra, một số quốc gia ký trực tiếp hợp đồng mua bán LNG theo giá cố định, hoặc có điều chỉnh theo giá thị trường với thời gian nhất định. Chẳng hạn Trung Quốc ký hợp đồng mua LNG của Nga trong thời hạn 30 năm với giá ưu đãi, thấp hơn thị trường… Hay trước đây, Nga và một số nước châu Âu cũng ký hợp đồng mua bán khí đốt qua đường ống với giá qui định.

Do nhu cầu khí đốt từ sản xuất điện và công nghiệp yếu ớt đã khiến giá khí đốt tự nhiên của châu Âu rơi tự do trong những tuần gần đây. Giá LNG trên thị trường thế giới hôm 30/5 giảm, đạt 2,35 USD/mmBTU.

Theo Oilprice.com, sự kết hợp giữa tồn kho dồi dào vào cuối mùa Đông ôn hòa, nhập khẩu LNG ổn định và nhu cầu yếu đã dẫn đến giá khí đốt tự nhiên chuẩn châu Âu giảm 8 tuần liên tiếp, chuỗi giảm hàng tuần dài nhất trong hơn 6 năm qua.

Xu hướng giá khí đốt tự nhiên của châu Âu hiện nay hoàn toàn trái ngược với năm ngoái. Vào tháng 8/2022, sau khi Nga cắt giảm nguồn cung qua đường ống và các chính phủ cũng như ngành công nghiệp lo sợ về khả năng thiếu khí đốt vào mùa Đông, giá khí đốt tăng vọt lên tới 322 USD/MWh (tương đương 300 euro/MWh).

Hiện tại, tồn kho khí đốt ở mức cao. Tính đến ngày 24/5, các kho chứa khí đốt tự nhiên ở EU đã đầy 66,71%, theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe. Châu Âu có thể lấp đầy hàng tồn kho sớm nhất là vào tháng 9, trước mùa Đông, theo Bloomberg.

Nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện đang sụt giảm sau khi nhu cầu sưởi ấm mùa Đông kết thúc và nhu cầu điện cao điểm vào mùa hè vẫn chưa bắt đầu. Tiêu thụ khí đốt từ ngành công nghiệp, vốn đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn vào mùa Thu và mùa Đông năm ngoái, cũng yếu đi.

Các nhà phân tích cho biết, mặc dù giá khí đốt giảm, nhưng mức tiêu thụ nhiên liệu công nghiệp vẫn chưa tăng lên, mặc dù có thể những người tiêu dùng năng lượng công nghiệp lớn đang chờ giá khí đốt giảm thêm.

Đầu tuần này, Goldman Sachs cho biết, việc giảm giá hơn nữa có thể chạm mức giá sàn vì nhiều nhà máy điện có thể chuyển sang sử dụng khí đốt từ than đá. “Quá trình thay thế này có thể hoạt động như một mức giá sàn tạm thời cho giá khí đốt cho đến khi nhu cầu công nghiệp và nhập khẩu LNG của châu Á bắt đầu cải thiện rõ rệt hơn, theo quan điểm của chúng tôi, điều này cuối cùng sẽ kéo giá khí đốt cao hơn vào cuối mùa hè”, các nhà phân tích của Goldman viết.

Triển vọng ngắn hạn về giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu có vẻ giảm. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng nếu nhu cầu tăng đột biến trong các đợt nắng nóng mùa Hè với tốc độ gió thấp có thể làm tê liệt việc sản xuất điện gió.

Các khách hàng công nghiệp cũng có thể bắt đầu sử dụng nhiều khí đốt hơn nếu giá tiếp tục giảm, cuối cùng sẽ hỗ trợ giá. Nhu cầu LNG của châu Á phục hồi cũng có thể dẫn đến giá châu Âu cao hơn vì châu Âu sẽ phải cạnh tranh với châu Á về hàng hóa giao ngay.

Theo một báo cáo được Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) công bố vào ngày 15 tháng 2 vừa qua, dự kiến giá LNG sẽ duy trì ở mức cao trong trung hạn trước khi bắt đầu giảm giá từ năm 2026. Nguyên nhân là do tác động tổ hợp của việc xuất hiện nhiều dự án mới và nhu cầu bị giảm do sự phát triển liên tục của năng lượng thay thế.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lng-re-hay-dat-686240.html