LNA: Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết do S-300PMU-2

Quân đội Quốc gia Libya (LNA) cho rằng, việc thỏa thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Libya được ký kết có liên quan nhiều đến sự hiện diện của S-300PMU-2.

Theo phát ngôn viên của LNA, Đại tá Ahmed Al-Mismari, việc những tổ hợp phòng thủ tầm xa S-300 đang trực chiến trên nhiều chiến tuyến của họ chính là nguyên nhân khiến liên minh Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) không dám tổ chức các cuộc tấn công đường không và cuối cùng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Cuộc đàm phán giữa Ủy ban Quân sự chung Libya (JMC) 5 + 5 tại Geneva ngày 23/10 đã đi đến kết thúc với việc đạt được thành tựu lịch sử khi các bên tại Libya đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài trên toàn lãnh thổ Libya. Thành tựu này là một bước ngoặt quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định.

Hệ thống S-300PMU-2.

Hệ thống S-300PMU-2.

Thỏa thuận trên đạt được sau các cuộc đàm phán giữa đại diện quân sự của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya được quốc tế ủng hộ và đại diện của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya đặt trụ sở ở miền Đông nước này.

Theo AMN, các bên ở Libya đã ký một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài trên toàn quốc và có hiệu lực ngay lập tức. Cộng đồng quốc tế hy vọng thỏa thuận sẽ cho phép người tha hương và người tị nạn trở về nhà mình.

Điều đặc biệt là sau tuyên bố của phát ngôn viên Al-Mismari, đã khiến thế giới bất ngờ về sự có mặt của S-300PMU-2. Bởi trước đó chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy lực lượng này đang có hệ thống phòng thủ tối tân S-300.

Vì vậy một câu hỏi lớn được đặt ra là: ai đã cấp S-300 cho Quân đội Quốc gia Libya? Hiện chưa thể có câu trả lời chính xác nhưng theo giới quan sát, trong danh sách những quốc gia đang ủng hộ LNA, hiện chỉ có Hy Lạp và Nga là đang sở hữu hệ thống S-300.

Trong khi đó UAE (bên được cho là đã cung cấp nhiều hệ thống Pantsir-S1 cho LNA cũng không có S-300). Ai Cập đã đặt mua nhưng là phiên bản xuất khẩu S-300V4.

Hãng tin AMN dẫn lại nguồn tin quân sự Nga năm 2010 - thời ông Vladimir Putin còn làm Thủ tướng Nga, cho biết, Nga và Libya đã ký một hợp đồng vũ khí với tổng trị giá gần 2 tỷ USD.

Danh sách những vũ khí được ký kết gồm 20 máy bay chiến đấu, ít nhất là 4 hệ thống phòng không S-300PMU-2, vài chục xe tăng T-90C và nhiều vũ khí khác. Trong khi đó, một số nguồn khác thì cho rằng Lybia mua các xe tăng T-90S và tiến hành hiện đại hóa 140 xe tăng T-72, cũng như những loại vũ khí khác.

Hợp đồng được 2 bên ký kết hồi năm 2010 tại Moscow. Nhưng sau đó, do NATO can thiệp quân sự vào Libya và lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011 khiến thương vụ bị đóng băng từ đó đến nay.

Các chuyên gia của AMN dự đoán, rất có thể những hệ thống S-300PMU-2 được LNA triển khai nằm trong hợp đồng đã được ký kết với Nga và có thể Moscow đã âm thầm chuyển giao vũ khí này cho LNA để đối phó với sự leo thang trong hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc gia Bắc Phi này.

Như vậy, hiện Quân đội Quốc gia Libya đang sở hữu hệ thống phòng thủ mạnh nhất trong dòng S-300 và chỉ kém chút ít so với S-400. Hệ thống S-300PMU-2 của LNA có tầm bắn tối đa lên tới trên 200km.

Vũ khí này được trang bị 4 loại tên lửa đất đối không gồm: 48N6E2, 48N6E, 5V55R, 5V55K cho khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly từ 3-200km, đánh chặn mọi mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau ở độ cao thấp nhất 10m đến cao nhất 27km đang di chuyển với tốc độ đến 10.000km/h.

Hệ thống được đánh giá là có khả năng không những bắn hạ được tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà còn bắn được tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung, tên lửa hành trình và cả mục tiêu tàng hình.

Theo một số nguồn tin, tính năng đặc biệt của phiên bản S-300PMU-2 là chúng có thể đồng bộ hóa tất cả các thành phần như radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm mục tiêu, xe phóng trong môi trường chiến thuật thống nhất.

Nó có khả năng kiểm soát tới 12 xe phóng cùng lúc, ngoài ra còn có khả năng điều khiển hoạt động cho các hệ thống cũ hơn như S-300PMU-1, S-200, S-75 và S-125.

Với sức mạnh của S-300PMU-2, bất kỳ hoạt động đường không nào của Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đều đang phải đối mặt với nguy cơ bị bắn hạ lớn nhất từ trước đến nay.

Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc Đại tá Ahmed Al-Mismari tuyên bố rằng thỏa thuận ngừng bắn được ký kết có liên quan đến sự có mặt của S-300PMU-2 là hoàn toàn có lý.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/lna-thoa-thuan-ngung-ban-duoc-ky-ket-do-s-300pmu-2-3421430/