LNA mạnh thế tấn công, 'bên thứ ba' tiếp tục im lặng

Quân đội LNA dưới sự hỗ trợ của không lực đã chiếm được hàng loạt phòng tuyến ở phía Nam và Đông Tripoli.

Tripoli rung chuyển vì bị oanh tạc

Thủ đô Tripoli của Libya ngày 24/5 đã phải hứng chịu hàng loạt đợt không kích quy mô lớn ở khu vực ngoại ô. Chia sẻ trên tờ Sputnik, người dân ở trung tâm thành phố miêu tả "cơn chấn động từ ngoại thành đã làm rung chuyển cả những tòa nhà ở trung tâm".

Ngoài ra, các chiến đấu cơ của LNA đã có nhiều đợt không kích vào trong trung tâm thành phố cuối ngày 24/5 và rạng sáng 25/5. Đáng chú ý trong đó, cơ sở làm việc của nhóm 42 nghị sĩ phản đối Tướng Haftar ở tòa nhà Rixos gần như đã bị phá hủy hoàn toàn.

Hiện chưa xác định được con số thương vong cuối cùng của các cuộc tấn công này, song thông tin từ Bộ Nội vụ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận cho biết đã có rất nhiều thường dân thương vong vì những lần oanh tạc vào trung tâm thành phố.

Tại ngoại thành Tripoli, sau khi chiến đấu cơ mở màn trận đánh, các nhánh bộ binh với xe tăng, xe thiết giáp và xe dân sự trang bị súng máy đã mở các đợt tấn công rầm rộ vào các cứ điểm ở phía Nam và Đông Tripoli.

Bên ngoài tòa nhà Rixos bị oanh tạc ngày 24/5

Bên ngoài tòa nhà Rixos bị oanh tạc ngày 24/5

Theo thông báo từ người phát ngôn báo chí LNA, ông Khalifa Obdeidi cho biết: "Quân đội Libya và các đơn vị của họ đã tiến lên từ mọi vị trí hướng về phía nam và đông thủ đô Tripoli với sự hỗ trợ của không lực".

Ông Obdeidi thông báo thêm: "Các nhánh chiến binh đã tiêu diệt nhiều trụ sở, căn cứ và đồn bốt phòng thủ của kẻ thù. Chúng tôi kỳ vọng đến khi kết thúc tháng ăn chay Ramadan năm nay, kẻ thù sẽ hoàn toàn bị khuất phục, Tripoli sẽ được giải phóng".

Trước đó, hôm 1/5, tướng Khalifa Haftar cũng tuyên bố: "Đợt tấn công vào Tripoli đã bước sang giai đoạn thứ hai, quân đội Libya sẽ giải phóng Tripoli trong tháng Ramadan (kết thúc đầu tháng 6/2019)".

Không có cơ hội hòa giải cho Libya?

Những thông tin chiến sự cho thấy quyết tâm đánh chiếm Tripoli và tiêu diệt lực lượng GNA của tướng Haftar là không thể thay đổi. Cơ hội để có một lệnh ngừng bắn và hòa đàm vào lúc này gần như bằng không, nếu không có sự can thiệp của các lực lượng đang hậu thuẫn cho cả hai bên.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dường như tất cả các "bên thứ ba" đều đã cho thấy quan điểm đứng ngoài cuộc chiến này. Đầu tiên phải kể đến chuyến thăm của Thủ tướng Libya, lãnh đạo GNA, ông Fayez Al Sarraj đến Pháp và hội đàm với Tổng thống Emmenuel Macron hồi giữa tháng 5.

Dù chuyến đi này được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới cho cuộc đàm phán ngừng bắn. Tuy nhiên, kết thúc chuyến thăm này không được như kỳ vọng, ông Sarraj trở về trong im lặng và không có thêm bất kỳ thông báo nào được đưa ra.

Các cột khói bốc lên từ ngoại thành Tripoli có thể được nhìn thấy tại khu trung tâm

Sau đó, ông Sarraj tiếp tục phát đi thông báo chỉ đích danh Mỹ cần phải can thiệp vào vấn đề tại Libya lúc này. Theo ông Sarraj, Mỹ là người lãnh đạo liên minh công lý tiêu diệt nhà độc tài Muammar Gaddafi và lập ra nhà nước dân chủ GNA.

Thủ tướng GNA cho rằng khi thấy những thế lực có hơi hướng độc tài và man rợ như tướng Haftar nổi lên, Mỹ phải hành động, lực lượng gìn giữ hòa bình của Hội đồng Bảo an phải hành động. Tuy nhiên, Washington tiếp tục im lặng trước lời kêu cứu chính thức này.

Một thế lực khác, được cho là có ảnh hưởng trực tiếp đến tướng Haftar, nước Nga cũng đã được GNA gửi đi lời kêu gọi. Cụ thể, Thủ tướng Sarraj cũng đã đề nghị một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin ở Moscow vào cuối tháng 5 này.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Người đứng đầu nhóm tiếp xúc Nga về Libya, ông Lev Dengov hôm 23/5, Moscow đã từ chối cuộc gặp giữa lãnh đạo GNA với lãnh đạo Nga vì "những lý do chính trị không phù hợp".

Đồng thời, ông Lev Dengov nói thẳng Nga không ủng hộ bất kỳ bên nào trong cuộc nội chiến ở Libya. Nga không có trách nhiệm giải quyết tất cả các khủng hoảng trên thế giới vì những gì đang xảy ra ở Libya "không phải do Nga gây ra".

Trong khi đó, EU và Liên Hợp Quốc tiếp tục đưa ra các hành động ở mức lên tiếng, kêu gọi các bên ngừng bắn mà không có thêm bất kỳ hành động cụ thể nào.

Như vậy, tất cả các bên đều đã lựa chọn giải pháp không hành động, không can thiệp. Cho đến lúc này, LNA tiếp tục quyết tâm kiểm soát Tripoli, còn ngược lại, GNA đang phải cầm cự trong vô vọng.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/lna-manh-the-tan-cong-ben-thu-ba-tiep-tuc-im-lang-3380725/