Liveshow 'Khi Xuân thức giấc' có gì mới?

'Khi Xuân thức giấc' là khởi đầu cho chuỗi chương trình của năm 2019, bởi mùa Xuân là mùa của mầm sống sinh sôi, và 4 Thầy trò gồm: NSƯT Đức Long, ca sĩ Lê Ánh Tuyết, Minh Thu, Bách Nguyễn muốn mang đến cho khán giả một sự gợi mở với những gì trong sáng, đẹp đẽ của ngày mới, của tuổi trẻ bởi sự nồng nàn, ấm áp và cả sự rực rỡ của mùa Xuân.

Hà Nội giờ đây là một thành phố đông đúc, nhịp sống sôi động, đôi khi cho ta cái cảm giác xô bồ. Song ẩn sâu trong lòng Hà Nội vẫn có những góc riêng đầy thi vị, mê hoặc lòng người, đặc biệt, Hà Nội được thiên nhiên ưu đãi với 4 mùa rõ rệt trong năm.

Những thời khắc giao mùa luộn gợi mở trong tâm hồn người nghệ sĩ những xúc cảm thật đặc biệt để cảm xúc được thăng hoa, bay bổng. Và mùa Xuân của Hà Nội đã là chất xúc tác cho biết bao tác phẩm thơ, nhạc ra đời và sống mãi cùng thời gian.

Mùa Xuân như biến mình thành cây cỏ hồn nhiên, thành những giọt sương ban mai tinh khôi và bay lên với khát khao tự do, khát khao sống và tận hưởng những ngọt ngào nhất của vũ trụ - Đó cũng là tâm sự của Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long khi nói về Liveshow “Khi Xuân thức giấc” sẽ diễn ra vào lúc 20h00, ngày 8 tháng 3 năm 2019 tại Nhà hát Tuổi trẻ, như quà tặng đặc biệt dành cho một nửa thế giới đã từng đi qua tuổi thanh xuân.

Theo Ban tổ chức: “Khi Xuân thức giấc” là khởi đầu cho chuỗi chương trình của năm 2019, bởi mùa Xuân là mùa của mầm sống sinh sôi, và 4 Thầy trò gồm: NSƯT Đức Long, ca sĩ Lê Ánh Tuyết, Minh Thu, Bách Nguyễn muốn mang đến cho khán giả một sự gợi mở với những gì trong sáng, đẹp đẽ của ngày mới, của tuổi trẻ bởi sự nồng nàn, ấm áp và cả sự rực rỡ của mùa Xuân.

Theo Đạo diễn Phạm Lê Nam, thì: “Điểm nhấn của chương trình vẫn là những câu chuyện về mùa Xuân, về khát vọng sống, về nhân tình thế thái sẽ được đạo diễn âm nhạc và đạo diễn sân khấu dẫn dắt, kết nối bằng những tác phẩm âm nhạc và có cả những diễn xuất mang tính kịch để tạo một mạch kể xuyên suốt.

Đạo diễn Phạm Lê Nam cho biết: “Nếu như chương trình đầu tiên “ Khi gió Mùa về” là sự mới mẻ của bản than, từ một đạo diễn điện ảnh - sân khấu, bước chân sang lĩnh vực âm nhạc - Đó là một cảm giác mới lạ của người đạo diện. Đến Liveshow thứ 2 “Khi Xuân thức giấc” với tôi cũng không thấy có gì áp lực, vì tôi đã từng làm đạo diễn phim tài liệu, điện ảnh, cho tới sân khấu và tôi đều muốn đứng từ xa quan sát để có thể nắm bắt, và “chạm” được vào cảm xúc của các nghệ sĩ và thông điệp mà họ muốn mang đến khán giả. Ở “Khi Xuân thức giấc” tôi nhìn ở Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long về một mùa Xuân mở ra. Tôi rất thích một từ của anh Đức Long hay nói: “Kệ”… chữ “Kệ” ở đây không có nghĩa là mặc kệ, là buông bỏ mà lớn hơn, đó chính là: hãy “Kệ” những bon chen, xô bồ ở ngoài kia và kiên định một con đường mà mình đã chọn - đó là nghệ thuật đích thực. Chữ “Kệ” còn có nghĩa là bình thản trước sự sôi động của thị trường âm nhạc đa sắc, để mang cái lắng sâu, tinh tế và tình cảm của người nghệ sĩ chân chính đến với công chúng”.

Trở lại câu chuyện của “Khi gió mùa về”, ê - kíp thực hiện thành công cũng chính là nhờ sự giao hòa, tương tác của khán giả bởi fan hâm mộ của Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long, ca sĩ Lê Ánh Tuyết, Minh Thu, Bách Nguyễn đều là những khán giả có trình độ thẩm thấu âm nhạc và rất có gu thưởng thức. Sự cảm thụ âm nhạc của khán giả là điều quan trọng nhất để ê-kíp thực hiện đủ niềm tin và cảm xúc nghệ thuật thực hiện chương trình trước những bộn bề lo toan về cơm, áo, gạo, tiền của đời sống thường nhật.

Ca sĩ Lê Ánh Tuyết chia sẻ: “Các chương trình truyền hình thực tế đang làm mất đi không gian sân khấu. Rồi dần dần người ta cũng ngại đến nhà hát mà thích các minishow ở phòng trà. Tuy nhiên, không gian của phòng trà thì không thể đáp ứng được các tiêu chí nghệ thuật một cách nghiêm túc. Ở sân khấu lớn, sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ cũng như hệ thông âm thanh, ánh sáng sẽ khiến cả nghệ sĩ và khán giả thăng hoa cảm xúc”.

Là ca sĩ, nhưng thực ra cả Minh Thu và Lê Ánh Tuyết đều học và tốt nghiệp đạo diễn và từng làm đạo diễn phim ngắn cũng như các MV ca nhạc, nên họ có khá nhiều ý tưởng. Bách Nguyễn thì dường như lãng đãng hơn, nhưng anh ấy có một chất riêng. Người Thầy, người anh cả - nghệ sĩ Ưu tú Đức Long vốn là người trầm lắng nhưng anh rất tinh tế trong việc dẫn dắt các học trò của mình. Mặc dù ê - kíp quy tụ toàn người có cá tính riêng, song Đạo diễn Phạm Lê Nam dường như luôn làm chủ được “cuộc chơi”, anh bộc bạch: “Làm đạo diễn của chương trình, tôi luôn lùi lại phía sau để tìm ra điểm chung, sự sáng tạo của mỗi người, qua đó gắn kết họ trong một tổng thể hoàn chỉnh, bởi với nghệ sĩ thì mỗi câu hát cất lên đã là một sự sáng tạo. Nhiệm vụ của tôi và Giám đốc Âm nhạc Huyền Trung là làm sao điều tiết sự sáng tạo của mỗi người cho hài hòa, trong một mạch cảm xúc âm nhạc không để bị đứt quãng. Cảm xúc của mỗi người cũng như những con sóng, mà ê - kíp này thì có rất nhiều song (cười). Vì thế, với vai trò đạo diễn, tôi sẽ có sự buông lơi, đôi lúc cũng sô theo sóng một chút, nhưng rồi cũng nhanh chóng kéo những con sóng ấy lại gần để cảm xúc của các nghệ sĩ không trôi xa khỏi đường dây âm nhạc xuyên suốt.

Chúng tôi mang “ Khi Xuân thức giấc” đến với những khán giả ái mộ là fan ruột của các nghệ sĩ, nhưng cũng là dịp thu hút sự quan tâm của khán giả mới. Tôi chọn biểu tượng của chương trình là cặp mắt. Rõ ràng ai cũng biết, định nước lớn nhất chính là biển - đó là sự thẳm sâu, nhưng ánh mắt cũng sâu thẳm và không ai đo được sự sâu thẳm của ánh mắt. Và chỉ cần một cái chớp mắt cũng có thể đã qua một mùa xuân, qua một khoảnh khắc, qua những nỗi buồn diệu vợi hay những niềm vui… trong cuộc đời”.

“Khi Xuân thức giấc” mong muốn là một chớp mắt của khoảnh khắc lắng đọng, với những điều mới mẻ, những thanh âm trong trẻo, con mãi…

Trần Minh Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/liveshow-khi-xuan-thuc-giac-co-gi-moi-67364