Lithuania có nguy cơ trải qua 'nỗi đau kinh tế' sau tuyên bố của EU về Kaliningrad

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, 'nỗi đau kinh tế' sẽ khiến Lithuania không chịu nổi và phải từ bỏ việc phong tỏa Kaliningrad.

Liên minh châu Âu sẽ không đứng lên bảo vệ Lithuania và khiến họ phải chịu "nỗi đau kinh tế" nếu nước này vẫn kiên quyết phong tỏa Kaliningrad, tờ Sohu của Trung Quốc nhận xét.

Liên minh châu Âu sẽ không đứng lên bảo vệ Lithuania và khiến họ phải chịu "nỗi đau kinh tế" nếu nước này vẫn kiên quyết phong tỏa Kaliningrad, tờ Sohu của Trung Quốc nhận xét.

Bước đi mạnh mẽ của Lithuania đối với Kaliningrad đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Liên minh châu Âu. Sau khi Vilnius áp đặt các hạn chế đối với vận tải đường bộ và đường sắt với Nga, Moskva lập tức chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu quá cảnh không được khôi phục.

Về phần mình, các nhà chức trách Lithuania tuyên bố rằng Nga không thể hành động bằng vũ lực, vì họ là thành viên của NATO, ý nói nước này nằm dưới ô bảo vệ của tất cả các đồng minh trong Liên minh quân sự.

“Tuy nhiên 'những nước bảo trợ' phía sau Lithuania sẽ không chắc có bung chiếc ô bảo vệ. Do đó cuối cùng, Vilnius đã khiêu khích một con gấu Bắc Cực giận dữ”, bài báo của Sohu viết.

Có vẻ diễn biến thực sự là như vậy khi Brussels đã phản đối việc phong tỏa Kaliningrad. Người đứng đầu Cơ quan ngoại giao châu Âu - ông Josep Borrell nói rằng các chỉ thị trừng phạt hạn chế dòng hàng hóa vào khu vực Kaliningrad sẽ được sửa đổi.

Tờ báo Trung Quốc nhận xét, có vẻ như Lithuania đã bị EU trừng phạt khi đưa ra quyết định hạn chế quá cảnh hàng hóa Nga. Mặt khác, ông Borell tuyên bố thẳng thừng rằng việc phong tỏa khu vực Kaliningrad của Nga là không thể.

“Lithuania đã thách thức Nga và bắn phát súng đầu tiên, nhưng EU không ủng hộ quyết định này. Brussels nhanh chóng vạch ra một đường lối rõ ràng, nói rằng các hành động của Vilnius không được phối hợp với Liên minh châu Âu".

"Do EU từ chối tiến thêm một bước, Lithuania chỉ có hai lựa chọn: hoặc đảo ngược quyết định phong tỏa Kaliningrad, hoặc tiếp tục khiêu khích Nga hành động”, tờ Sohu nhấn mạnh.

Nếu giới chức Lithuania thực sự quan tâm đến việc giữ gìn hạnh phúc và sự an toàn của công dân thì họ nên nhanh chóng cho phép khôi phục việc vận chuyển hàng hóa từ Nga sang Kaliningrad.

Tuy nhiên như các nhà phân tích Trung Quốc viết, chính sách đối ngoại của Vilnius luôn dựa trên cơ sở "dầu sôi lửa bỏng", vì vậy nước này khó có thể dàn xếp được xung đột. Theo các chuyên gia, Vilnius đang hành động không phải vì lợi ích của EU, mà cho Washington.

Mỹ đã thúc đẩy EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, cho dù biết trước điều này sẽ gây hại gì cho nền kinh tế của các nước châu Âu. Nhưng mục tiêu làm tổn hại Nga hóa ra lại quan trọng hơn, và kết quả EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và đồng Euro mất giá.

“Khi Nga buộc thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble, nhiều nước EU bắt đầu thỏa hiệp, điều mà Mỹ thực sự không thích, vì vậy họ sử dụng Lithuania để kích động quan hệ giữa Moskva và EU. Washington cần thêm những cuộc xung đột để tiếp tục làm suy yếu châu Âu và Nga”, tờ Sohu giải thích.

Điều đáng nói là hành động của Vilnius đã vi phạm thỏa thuận mà Nga và EU đã ký năm 2002, trong đó đảm bảo quá trình vận chuyển không bị gián đoạn giữa khu vực Kaliningrad và phần còn lại của lãnh thổ Liên bang Nga.

Tờ Sohu viết: "Việc vi phạm thỏa thuận này là điều nguy hiểm đối với Lithuania, giờ đây Nga có quyền giải quyết vấn đề bằng vũ lực, còn EU và NATO có thể không giúp đỡ nước này. Tuy nhiên ngay cả khi không sử dụng quân đội, Moskva vẫn có thể trừng phạt Vilnius".

“Có một số cách để Nga đáp trả Lithuania, chẳng hạn như buộc ngắt kết nối khỏi hệ thống BRELL (hệ thống cung cấp điện) và chặn các cảng của họ".

"Lithuania rất phụ thuộc vào BRELL, với việc ngắt kết nối khỏi hệ thống, một đợt tăng giá điện chưa từng có sẽ bắt đầu ở nước này và Vilnius sẽ cảm thấy đau đớn về kinh tế”, bài báo của Sohu viết.

Tất nhiên, chính quyền Lithuania không bao giờ lo lắng về hậu quả khi họ cho phép mình có những hành động gây hấn chống lại Moskva.

Nhưng trước đó Vilnius đang được Brussels hỗ trợ. Bây giờ tình hình đã khác, do vậy quốc gia Baltic chỉ có một con đường đúng đắn: từ bỏ việc phong tỏa Kaliningrad và thu lại tất cả những lời đe dọa đã được đưa ra với Nga, tờ Sohu kết luận.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lithuania-co-nguy-co-trai-qua-noi-dau-kinh-te-sau-tuyen-bo-cua-eu-ve-kaliningrad-post508697.antd