Lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam đạt nhiều thành tựu

Lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam trong những năm qua đang phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc nghiên cứu và ứng dụng vẫn tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ

Từ ngày 2-4/8, tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa, gần 400 nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã dự Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam trong những năm qua đang phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, ngành cần tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ, tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Hội nghị lần này sẽ góp phần định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; đồng thời tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân của Việt Nam.

Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12. Ảnh Báo Khánh Hòa

Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12. Ảnh Báo Khánh Hòa

Tại hội nghị, các nhà khoa học Việt Nam đã có những tham luận đáng chú ý: Ở lĩnh vực nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân, phó giáo sư Nguyễn Quang Hưng (Đại học Duy Tân) đã trình bày về các kết quả nghiên cứu gần đây tại Việt Nam về cấu trúc của các mức kích thích trong hạt nhân nguyên tử.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, giáo sư Lê Huy Hàm,Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tham luận về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp: Hiện trạng và triển vọng; Giáo sư Trần Duy Quý (Viện hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (IAP) có tham luận về nghiên cứu các giống lúa đột biến cho năng suất, chất lượng và khả năng kháng chịu sâu bệnh cao bằng công nghệ hạt nhân.

Ở lĩnh vực y tế, giáo sư Mai Trọng Khoa (Bệnh viện Bạch Mai) trình bày về ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Việt Nam là một trong những quốc gia ứng dụng thành công một số kỹ thuật hiện đại, tiên tiến có sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư với chi phí hợp lý, giúp tăng cơ hội sống cho bệnh nhân…

Một số tham luận của các đại biểu quốc tế về Chương trình hợp tác kỹ thuật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hỗ trợ cho các nước thành viên nhằm đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; vai trò thiết yếu của điện hạt nhân trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong việc quản lý loài ruồi gây hại và các ứng dụng bức xạ hạt nhân… cũng tạo được sự chú ý.

Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành cho biết, hiện nay, việc nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử vẫn tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ tại Việt Nam. Ngành năng lượng nguyên tử đang tập trung chú trọng giải quyết các nhiệm vụ, gồm chuẩn bị nguồn lực, nhân lực để xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân; chuẩn bị năng lực cho phát triển điện hạt nhân trong tương lai khi có nhu cầu; thúc đẩy các kỹ thuật tiên tiến cho ứng dụng năng lượng hạt nhân…

Trong khuôn khổ hội nghị, các triển lãm giới thiệu về ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật hạt nhân trong phát triển kinh tế, xã hội cũng được diễn ra.

Lê Huy

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/linh-vuc-nang-luong-hat-nhan-cua-viet-nam-dat-nhieu-thanh-tuu-d126729.html