Lĩnh vực kinh doanh ẩm thực hút vốn M&A

Với quy mô dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh, Việt Nam đang trở thành thị trường đặc biệt hấp dẫn với những nhà đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng (F&B).

Lĩnh vực tiềm năng

Theo dự báo của Business Monitor International (BMI), ngành hàng thực phẩm, đồ uống cũng như dịch vụ ăn uống ẩm thực tại Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017 - 2019, nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn.

Lĩnh vực này sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt cùng với tốc độ tăng trưởng GDP tích cực được dự báo cho giai đoạn 2019 - 2020. Số liệu của Tổng cục Thống kê những năm gần đây cho thấy, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 6 - 7%, các lĩnh vực chế biến thực phẩm và đồ uống, dịch vụ ăn uống, nhà hàng cũng đạt mức tăng trưởng cao, từ mức 7% hàng năm trở lên.

Báo cáo của BMI cũng cho thấy, nếu như mức chi tiêu cho tiêu dùng thiết yếu, trong đó có dịch vụ ăn uống năm 1990 của người dân Việt Nam đạt khoảng 1,7 tỷ USD, thì tới năm 2017, con số này là khoảng 150 tỷ USD, tương đương tăng hơn 90 lần.

Một yếu tố rất đáng chú ý là xu hướng đô thị hóa nhanh tại Việt Nam đã và đang thay đổi thói quen và phong cách tiêu dùng của người dân. Với gần 815 đô thị các cấp trên cả nước, với tỷ trọng đóng góp vào GDP lên tới trên 70%, xu hướng đô thị hóa đã tác động mạnh làm thay đổi phong cách và thói quen tiêu dùng, trong đó có văn hóa ẩm thực và ăn uống của người dân Việt Nam. Người dân có xu hướng ra ngoài ăn nhiều hơn, thay vì tự nấu nướng tại nhà. Thói quen tiêu dùng thay đổi đang tạo ra dư địa rất lớn cho ngành ẩm thực nhà hàng phát triển.

Sôi động M&A trong lĩnh vực ẩm thực

Thực tế này đã giải thích lý do ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm rót lượng vốn lớn đầu tư phát triển các chuỗi nhà hàng thông qua việc phát triển các thương hiệu ẩm thực trong nước, đồng thời với việc mua nhượng quyền các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của nước ngoài, cũng như săn tìm cơ hội để M&A một thương hiệu ẩm thực có tiềm năng.

Thời gian qua, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng. Điển hình như thương vụ Quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund III đầu tư 6,9 triệu USD thâu tóm chuỗi Nhà hàng Wrap &Roll. Hay Quỹ Standard Chartered Private Equity - SCPE thuộc Ngân hàng Standard Chartered chi 35 triệu USD mua cổ phần của CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate Group) - đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng Ashima, Kichi Kichi, Sumo BBQ. Hay thương vụ Jollibee (Philippines) mua lại chuỗi Highland Coffee, Phở 24 từ Tập đoàn Quốc tế Việt Thái (VTI) với giá trị 25 triệu USD...

Tại cuộc đối thoại mới đây giữa đoàn 30 doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro) cung cấp thông tin đáng chú ý: Nếu như trước kia, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu qua hình thức lập cơ sở sản xuất thì tới đây sẽ chuyển hướng mạnh sang đầu tư gián tiếp vào ngành nghề phi sản xuất (chiếm tới 70%). Trong các ngành nghề dịch vụ mà dòng vốn từ Nhật hướng tới, có lĩnh vực khách sạn, ẩm thực, nhà hàng.

Nhà đầu tư nội chịu áp lực

Đến nay, thị trường TP.HCM và Hà Nội đã có mặt hàng loạt thương hiệu thức ăn ngoại phát triển hệ thống cùng chuỗi các nhà hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, chưa kể tới các thương hiệu thức ăn nhanh của Mỹ, châu Âu đã vào thị trường Việt Nam qua hoạt động nhượng quyền thương mại.

Nhiều tập đoàn tư nhân lớn chuyên về F&B đang nổi lên thống lĩnh thị trường. Golden Gate Group hiện đang thống lĩnh vị trí số 1 với 20 thương hiệu và hệ thống 300 nhà hàng trải dài trên toàn quốc, bao gồm cả thương hiệu ẩm thực trong nước và quốc tế. Đứng vị trí thứ 2 là Red Sun ITI Corperation, hiện đang sở hữu 16 danh mục ẩm thực quốc tế đa dạng cùng hệ thống 200 nhà hàng trên cả nước. Ngoài ra, còn có Al Fresco's Group, chủ yếu phát triển các thương hiệu ẩm thực phương Tây. Vị trí thứ 4 là Công ty My Việt Nam, chuyên phát triển thương hiệu ẩm thực nhà hàng chuyên về phong cách Việt Nam.

Thừa nhận tiềm năng thị trường rất lớn, nhưng ông Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Refber Việt Nam cho rằng, với sự có mặt của ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ vô cùng khốc liệt.

“Ước tính, hiện nay, có tới hơn 80% nhà hàng, quán cà phê mở ra hoạt động khó khăn hoặc thua lỗ trong 6 tháng đến 1 năm đầu tiên. Nhìn có vẻ dễ dàng, nhưng thị trường vô cùng khốc liệt”, ông Kiên
nhấn mạnh.

Còn theo nhìn nhận của Tập đoàn Red Sun ITI, khi doanh nghiệp nước ngoài vào đây, với lợi thế rất lớn về vốn, tài chính và công nghệ, với tầm nhìn dài hạn, họ sẽ tập trung vào chiến lược giành thị phần. Do đó, trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn do cùng một lúc phải đứng trước nhiều bài toán, như duy trì khả năng tăng trưởng song lại vừa phải giữ được tiêu chí lợi nhuận.

“Chính phủ cần tạo cơ chế thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển lớn mạnh để cạnh tranh với các đối thủ ngoại”, đại diện Tập đoàn Red Sun ITI kiến nghị.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/mua-ban-sap-nhap/linh-vuc-kinh-doanh-am-thuc-hut-von-ma-260093.html