Lĩnh vực đất đai, môi trường nhận sự hài lòng thấp nhất

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2018) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS 2018), diễn ra vào chiều 24/5, tại Trụ sở Chính phủ.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính

Báo cáo SIPAS 2018 mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, từ việc tiếp cận dịch vụ, việc công khai và tuân thủ các quy định thủ tục hành chính, việc giao tiếp và xử lý công việc của đội ngũ công chức, kết quả cung ứng dịch vụ cho đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức.

Theo Báo cáo Chỉ số SIPAS 2018, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 69,98% - 97,88%. Như vậy, tỉnh có Chỉ số hài lòng cao nhất là 97,88% và tỉnh có Chỉ số hài lòng thấp nhất là 69,98% và sự cách biệt xấp xỉ 28%.

So với năm 2017, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung trong cả nước năm 2018 tăng hơn 2%. Chỉ số hài lòng về 4 yếu tố, là tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức, kết quả dịch vụ, cũng đều tăng so với năm 2017.

Khoảng cách chênh lệch của các Chỉ số hài lòng giữa tỉnh cao nhất và tỉnh thấp nhất năm 2018 được thu hẹp đáng kể so với năm 2017, cụ thể là: Khoảng cách của Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ thu hẹp từ 50% xuống còn 30%; khoảnh cách của Chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính từ 40% xuống còn 23%; khoảng cách của Chỉ số hài lòng về công chức từ 40% còn 26% và khoảng cách của Chỉ số hài lòng về kết quả dịch vụ từ 31% còn 26%. Điều này phản ánh các địa phương đang tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính và kết quả cải cách hành chính ở một số địa phương có sự chuyển biến tốt hơn.

Chỉ số SIPAS 2018 tiến hành so sánh giữa 8 lĩnh vực dịch vụ và 3 cấp hành chính ở địa phương và kết quả cho thấy Chỉ số hài lòng của 8 lĩnh vực nằm trong khoảng từ 69,57% - 78,62%; Chỉ số hài lòng của 3 cấp nằm trong khoảng 71,57% - 77,21%. Trong số 8 lĩnh vực, lĩnh vực Giao thông, vận tải nhận được sự hài lòng cao nhất và lĩnh vực đất đai, môi trường nhận được sự hài lòng thấp nhất. Trong số 3 cấp hành chính ở địa phương, cấp xã nhận được sự hài lòng cao nhất và cấp huyện nhận được sự hài lòng thấp nhất.

Vẫn còn hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu

Năm 2018, người dân, tổ chức có những phản ánh khá tích cực đối với quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố.

Theo phản ánh của người dân, tổ chức được khảo sát trong cả nước, gần như 100% người dân, tổ chức giao dịch dịch vụ hành chính công tại Bộ phận Một cửa; 78,20% đi lại 1 - 2 lần để giải quyết công việc; 93,80% nhận kết quả đúng hẹn và sớm hẹn; 97,55% không bị gây phiền hà, sách nhiễu; 98,58% không bị gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí.

Tuy nhiên, Báo cáo SIPAS 2018 cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2018. Tỷ lệ người dân, tổ chức không hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 tăng lên so với năm 2017, từ 1,96% lên 2,08%.

Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2018 thấp hơn so với năm 2017 (74,07% so với 75,34%). 21/63 tỉnh, thành phố có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính giảm từ 1 - 12%. Tỷ lệ người dân, tổ chức phản ánh công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí ở địa phương có xu hướng tăng lên, với tỉnh có tỷ lệ cao nhất tăng từ 4,30% năm 2017 lên 5,01% năm 2018.

Vẫn còn gần 20% số người được hỏi trong cả nước phải đi lại nhiều lần; 5,12% số người được hỏi bị trễ hẹn, đặc biệt lĩnh vực xây dựng có Chỉ số trễ hẹn lên đến 7,10% và lĩnh vực đất đai là 12,30% hay Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 17,50%. Khi so sánh với tổng số giao dịch lên đến nhiều triệu lượt mỗi năm của các dịch vụ, các địa phương trên thì các tỷ lệ trễ hẹn trên cho thấy số lượng người bị trễ hẹn là không nhỏ.

Chỉ có 33,29% số người bị trễ hẹn trong cả nước nhận được thông báo của cơ quan về việc trễ hẹn và chỉ có 18,60% nhận được xin lỗi của cơ quan về việc trễ hẹn. Như vậy, vẫn còn nhiều cơ quan thực hiện không nghiêm, thậm chí là không thực hiện các quy định về thời hạn giải quyết thủ tục hành chính và thông báo, xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn.

Đáng chú ý, có 2,45% số người được hỏi trong cả nước cho rằng công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 1,42 % số người được hỏi cho rằng công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định cho thấy vẫn còn hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu và tiêu cực đối với người dân, tổ chức trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công. Tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu xảy ra ở 61/63 tỉnh, thành phố; tình trạng công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí xảy ra ở 59/63 tỉnh, thành phố.

Các chỉ số đánh giá chung cả nước được xây dựng dựa trên việc tổng hợp, phân tích ý kiến của 32.715 người dân, người đại diện tổ chức được chọn mẫu từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Các chỉ số đánh giá từng tỉnh, thành phố được xây dựng dựa trên ý kiến của người dân, người đại diện tổ chức ở từng tỉnh, thành phố, với số lượng từ 480 - 1.260 người/địa phương.

Vân Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/linh-vuc-dat-dai-moi-truong-nhan-su-hai-long-thap-nhat-454019.html