Linh vật thuần Việt hiện diện ở nhiều di tích, công trình văn hóa trên địa bàn Thanh Hóa

Không hiện diện tráng lệ trong những truyền thuyết, huyền thoại hay nơi lầu son gác tía, cung điện nguy nga như rồng, kỳ lân, cũng không góp mặt trong bảng xếp hạng 'tứ linh' theo quan niệm phương đông như: Long, Ly, Quy, Phụng… nhưng biểu tượng con Nghê vẫn luôn chiếm một vị trí, tầm quan trọng không gì thay thế được trong văn hóa - tín ngưỡng người Việt. Trước tác động của thời gian, biến động lịch sử, sự hiện diện của những con nghê tại các di tích, địa điểm văn hóa đã phần nào cho thấy nét đẹp, sức sống bền bỉ của loài linh vật này trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng người Việt. Đồng thời, chính sự hiện diện ấy đã góp phần khẳng định thêm giá trị, ý nghĩa và sức hấp dẫn của các di tích, địa điểm này.

Cùng với chim hạc, con Nghê được xem là linh vật thuần Việt, gần gũi với đời sống và tinh thần, văn hóa - tín ngưỡng của người Việt. Nghê mang đặc trưng của người Việt bởi nó có nhiều nét gần gũi với con chó - một vật nuôi gần gũi, hữu ích với cuộc sống con người, thường được gọi là “thiên khuyển”. Mặt khác, tạo hình, đặc biệt là biểu hiện nét mặt của Nghê rất phong phú, đa dạng, nhưng luôn gợi lên dáng vẻ hiền lành, nhân ái - đúng như giá trị, nét đẹp luôn được đề cao trong xã hội Việt Nam.

Nghê không có thực trong thế giới tự nhiên mà là sản phẩm của trí tưởng tượng cùng với sức sáng tạo, sự khéo léo, tinh tế của đôi bàn tay con người sáng tạo nên. Với ý nghĩa, nét đẹp ấy hiện nay xứ Thanh có nhiều nơi vẫn lưu giữ được tư liệu, hiện vật về con Nghê với nhiều hình dáng, biểu cảm sinh động, phong phú

Thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và đông đảo du khách nhất phải kể đến hàng Nghê chầu tại Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa).

Được biết, hàng Nghê gỗ tại Thái miếu nhà Hậu Lê có từ thế kỷ XVII, được làm bằng gỗ mít với kích thước to nhỏ khác nhau, các đường nét chạm khắc tinh xảo, tài hoa, thế ngẩng cao đầu oai vệ, tôn nghiêm nhưng vẫn không mất đi nét gần gũi, thân thuộc.

Tại Di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc) có con nghê gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, chân có móng vuốt... như càng tôn lên sự tôn nghiêm, linh thiêng nơi cửa đền.

Ngoài các di tích, hiện vật nêu trên, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cũng là nơi lưu giữ nhiều mẫu tượng nghê đá với tư thế, hình dáng, cách thức chạm khắc, đục đẽo hoa văn trang trí khác nhau có niên đại vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII - XVIII, được sưu tầm từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đưa về đây như: cổng phía Bắc thành Thanh Hóa, xã Thọ Hạc, Đông Sơn (nay là TP Thanh Hóa), huyện Cẩm Thủy...

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa-doi-song/linh-vat-thuan-viet-hien-dien-o-nhieu-di-tich-cong-trinh-van-hoa-tren-dia-ban-thanh-hoa/19787.htm