'Lính' thông tấn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Bài 2: Chiến sĩ thông tin ở tuyến đầu

Với sự chi viện mạnh mẽ của Việt Nam Thông tấn xã, toàn ngành Thông tấn đã vào trận, chuẩn bị kỹ càng cho Chiến dịch mùa Xuân 1975 lịch sử.

Từ thời điểm này, những người "lính" Thông tấn đã sát cánh cùng các lực lượng tác chiến trên từng mũi tiến quân, có mặt trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, có mặt ở tất cả các địa phương trong cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc.

Xuống đường về Sài Gòn

Nhà báo Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhà báo Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhớ lại những ngày tháng chuẩn bị cho chiến dịch, Nhà báo Nguyễn Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng chia sẻ: Sáng 6/4/1975, sau khi giao ban tin, Giám đốc Trần Thanh Xuân triệu tập năm anh em chúng tôi, gồm: Nguyễn Thanh Bền, phóng viên tin (B7/3); Trần Thiêm, phóng viên ảnh (B22); Đỗ Sĩ Mến, Phạm Trọng Tiệp là hai báo vụ viên và Nguyễn Văn Chức, kỹ thuật viên (B8) đến phòng làm việc. Trong phòng lúc đó, các đồng chí Đỗ Văn Ba (Phó Giám đốc), Võ Duy Thu, Lê Quang Nghĩa (Đảng ủy cơ quan) đã có mặt.

Giám đốc Trần Thanh Xuân nhắc lại chiến thắng quan trọng có tính chất đột phá của bộ đội ta ở Buôn Mê Thuột và những chiến công tiếp theo. Tình hình chiến sự trở nên khẩn trương. Cùng với các tiểu ban của Ban Tuyên huấn, cơ quan ta thành lập tổ Thông tấn xã Giải phóng đầu tiên xuống đường gồm 5 đồng chí có mặt ở đây, do đồng chí Thanh Bền phụ trách có nhiệm vụ, đưa tin, ảnh kịp thời về Tổng xã, cổ vũ mạnh mẽ quân dân miền Nam tiến tới giải phóng Sài Gòn.

Nhớ về nhiệm vụ đặc biệt này, Nhà báo Nguyễn Thanh Bền bồi hồi: Nghe bốn tiếng “Giải phóng Sài Gòn” lòng chúng tôi trào dâng cảm xúc muốn nghẹt thở - niềm ước mơ mấy mươi năm nay đã thành hiện thực. Thật sung sướng, tự hào!”. Mới nhận lệnh mà năm anh em chúng tôi thấy người như có thêm đôi cánh, muốn “bay” đi liền.

Quen tác phong chiến trường, sáng hôm sau, chúng tôi lên đường bằng xe cơ quan với máy móc, điện đài, lương thực, đồ nghề đến tập trung tại trạm giao liên của đồng chí Năm Đông ở Xa Mát - Tân Biên. Cả cơ quan lưu luyến tiễn đưa. Anh chị Năm Xuân (đồng chí Trần Thanh Xuân và vợ là Mai Thị Trình - PV) có mặt sớm nhất để động viên anh em. Chị Năm Xuân thân tình và cảm động nhét vào túi áo tôi tờ giấy bạc năm mươi đồng màu xanh như gửi theo niềm tin chiến thắng.

Tổ Thông tấn xã Giải phóng là thành viên của đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam (R), gồm các Tiểu ban Báo, Đài, Điện ảnh, Hội họa, Văn nghệ giải phóng… mang tên chung là “Đoàn Y4” do đồng chí Tự Sĩ làm Trưởng đoàn, là mũi đầu tiên của Ban Tuyên huấn từ hướng Tây Bắc tiến về Sài Gòn. Đoàn xuất phát ngày 7/4/1975, qua Thanh An (Thủ Dầu Một), vào thị trấn Dầu Tiếng (Tri Tâm) mới giải phóng. Vào đất thép Củ Chi, Đoàn Y4 được nhập vào “đại đoàn” miền Nam, do đồng chí Chín Đào (Phan Minh Tánh) làm Tổng Chỉ huy, bám sát bộ đội, đêm hành quân, ngày dừng quân. Bất cứ ở đâu, mỗi người phải đào công sự cá nhân sẵn sàng chống càn, chiến đấu.

Càng áp sát Sài Gòn, tình hình phòng thủ và hoạt động của địch càng chặt chẽ, ráo riết sử dụng phi pháo suốt ngày đêm.

“Trên đường di chuyển về Sài Gòn, đoàn chúng tôi bị kẹt ở Bình Mỹ (Củ Chi) hai tuần và hai lần vượt lộ Bình Dương đều bị xe tăng địch án ngữ. Nhờ có sự nhanh nhạy của người làm báo kết hợp với sự rèn luyện trong chiến khu, đoàn chúng tôi cũng thoát được vòng vây của giặc để về hội quân tại Sài Gòn vào chiều 30/4”, Nhà báo Thanh Bền nhớ lại.

Suốt thời gian hành quân về Sài Gòn, vật bất ly thân với Nhà báo Thanh Bền là một quyển sổ nhỏ, ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ hành trình tiến về Sài Gòn, là nguồn tư liệu quý giá cho những tin bài của mình trong thực hiện công tác thông tin.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bức ảnh Tổng thống Dương Văn Minh khi được trả tự do vào ngày 3/5/1975. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Gặp chúng tôi vào một ngày tháng 4/2020, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc, nguyên phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã hào hứng kể lại những ngày tháng lịch sử ấy. Học xong lớp nhiếp ảnh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1960, ông về công tác tại Việt Nam Thông tấn xã. Đầu năm 1973, ông rời Hà Nội vào chiến trường miền Nam.

“Chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ngày 4/4/1975, Đoàn Y4 bắt đầu hành quân từ Tây Ninh về Sài Gòn. Trên đường hành quân, mỗi người phải vác một trái đạn cối nặng, riêng tôi được miễn nhiệm vụ này để mang máy chụp ảnh. Nhờ đi phía sau các chiến sĩ, tôi chụp được rất nhiều cảnh hành quân, vác đạn dược, vận chuyển lương thực bằng xe đạp”, ông Minh Lộc chia sẻ.

Đưa tin vui chiến thắng đầu tiên

Phóng viên TTXVN Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Trong trận đánh Dinh Độc lập, các phóng viên Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã gồm Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái bám sát Quân đoàn 2 tiến vào dinh lũy cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn. Cùng với mũi thọc sâu của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203, Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã là những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc lập ngay trưa 30/4/1975 và có những tư liệu đầu tiên và chân thực, mang tính lịch sử về sự kiện này.

Trong những tin, bài, ảnh đó có bài tường thuật đầu tiên về Sài Gòn giải phóng của phóng viên Trần Mai Hạnh và những hình ảnh đầu tiên của phóng viên ảnh Văn Bảo được truyền qua căn cứ Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh ra Hà Nội trong đêm 30/4/1975.

Tại Hà Nội, trưa 30/4/1975, Tổng xã nhận được tin điện báo của Tổ mũi nhọn theo Sư đoàn 304 và thông tin nghe được từ Đài Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh và kêu gọi các lực lượng quân sự còn lại của Chính quyền Sài Gòn đầu hàng, cùng với tin của các hãng Reuters (Anh), UPI (Hãng thông tấn quốc tế)… mô tả xe tăng Quân Giải phóng đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập; các chiến sĩ Quân Giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh; toàn bộ Nội các của Chính quyền Dương Văn Minh đã bị bắt sống; Quân Giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Sài Gòn; người dân Sài Gòn đổ ra đường phố đón chào các chiến sĩ Giải phóng quân từ các mũi tiến vào thành phố.

Ngay lập tức, Ban lãnh đạo cơ quan đã cho làm tin về chiến thắng lịch sử này và đưa lên cấp trên duyệt. Tuy nhiên, chưa đợi tin được duyệt, tràng pháo dài từ tầng trên cùng tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt đã nổ giòn giã (trước đó, Ban Bí thư đã quyết định Việt Nam Thông tấn xã nổ pháo là báo tin vui toàn thắng cho nhân dân). Cả tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt như rung chuyển bởi tiếng hò reo mừng chiến thắng. Trước vườn hoa Tao Đàn (nay là Vườn hoa Jose Marti), trên các đường phố Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, cả Nhà hát Lớn đông kín người từ các ngả đổ về trụ sở Việt Nam Thông tấn xã để xem và nghe tin quân ta đánh chiếm Sài Gòn.

Những trang sử của Thông tấn xã Việt Nam còn lưu rõ không khí vui mừng khôn xiết trong thời khắc lịch sử này: Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang dội, có cả những giọt nước mắt. Từng đoàn người hồ hởi, phấn khởi nối tiếp nhau kéo đến tràn ngập trước trụ sở Việt Nam Thông tấn xã ngay cả khi tiếng pháo đã ngừng hẳn. Việt Nam Thông tấn xã là cơ quan đầu tiên mang tin vui chiến thắng mà quân dân ta chờ đợi và phải chiến đấu trong suốt 30 năm. Thời khắc đó, tại Hà Nội, cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp các phố phường, công sở, nhà dân. Những thông tin, hình ảnh, các bài tường thuật đầu tiên của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng được phát trong nước và phát ra thế giới, đã kịp thời phản ánh những khoảnh khắc lịch sử Ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn; sự phá sản Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN

Ngay sau khi quân ta chiếm được Dinh Độc lập, bắt sống Nội các Dương Văn Minh, những phóng viên đi theo các cánh quân như Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Văn Bảo, Vũ Tạo, Hoàng Thiểm đã gom phim lại để chuyển gấp ra Hà Nội. Nhiệm vụ này được giao cho phóng viên Hoàng Thiểm. Nhận nhiệm vụ, ông Hoàng Thiểm đã dùng xe của nguyên Phó Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Hảo cùng người lái xe tên là Võ Cự Long, nguyên Trung sĩ cảnh sát Chính quyền Sài Gòn, chạy thẳng ra Đà Nẵng, từ đó đi máy bay quân sự ra Hà Nội để báo cáo Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Cánh quân từ “R" gom phim nộp cho Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân. Sau đó, ông Trần Thanh Xuân giao cho ông Hai Sơn cùng với giao liên chuyển gấp về Lò Gò. Tại đây, Tổng Biên tập Đào Tùng chỉ đạo phát telephoto đi các nơi, còn tin bài được phát bằng morse về “R" để từ đó chuyển ra phim do phóng viên Hoàng Thiểm đem ra Hà Nội được làm gấp kịp chuyển lên báo cáo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương (2/5/1975). Sau đó, những bức ảnh này được in ra triển lãm cho nhân dân xem, đồng thời dán ở bảng tin ngay cổng trụ sở cơ quan số 5 Lý Thường Kiệt.

Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu và nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã trực tiếp gặp, nghe các đồng chí lãnh đạo và phóng viên Việt Nam Thông tấn xã báo cáo và xem hình ảnh về quân dân ta giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Các đồng chí đã biểu dương, khen ngợi cán bộ, phóng viên, nhân viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng.

Bài 3: Hòa cùng niềm vui đại thắng

Hoàng Tuấn - Thành Chung - Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/linh-thong-tan-voi-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-bai-2-chien-si-thong-tin-o-tuyen-dau-20200424191708206.htm