Linh thiêng thánh địa của Tam Tổ Trúc Lâm

Đêm 1-11, năm Mậu Thân (1308), Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, trở thành Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm. Tổ thứ hai Pháp Loa và Tổ thứ ba Huyền Quang kế tiếp, đã đưa Phật giáo nước ta phát triển rực rỡ thể hiện đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Các vị trí mà Trúc Lâm Tam Tổ chọn điểm nhập niết bàn và lưu giữ xá lị trên dải núi thuộc vòng cung Đông Triều là điều đáng để chúng ta hôm nay cùng suy ngẫm…

Tháp Phật Hoàng - nơi lưu giữ một phần xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông uy nghiêm cổ kính trên chùa Ngọa Vân, thị xã Đông Triều. Ảnh: Xuân Quảng

Tháp Phật Hoàng - nơi lưu giữ một phần xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông uy nghiêm cổ kính trên chùa Ngọa Vân, thị xã Đông Triều. Ảnh: Xuân Quảng

Năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành, theo hệ thống truyền thừa của Yên Tử, Trần Nhân Tông là Tổ thứ sáu của dòng Thiền Yên Tử và là Tổ thứ nhất của Thiền Phái Trúc Lâm. Quỳnh Lâm viện ở Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) được mở rộng quy mô để đào tạo tăng tài. Am Ngự Dược được lập trên sườn núi Yên Tử. Hang núi được dựng thảo am để làm nơi an trú, viết sách soạn kinh, truyền giảng kinh pháp cho các đệ tử. Thiền phái Trúc Lâm của nước ta ngày ấy đã thực sự đưa Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ, thể hiện đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam.

Hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế “sư tử nằm” của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi mô phỏng quá trình tu luyện, viên tịch Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở Ấn Độ. Trong chuỗi sự kiện đó thì núi Yên Tử là nơi Phật hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng. Am Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và hóa Phật của Đức vua Trần Nhân Tông. Sự kiện phân phát xá lị của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đi các nơi trong nước Đại Việt đều tương tự như hành trình phân phát xá lị của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một giá trị khác biệt nữa là khi hóa Phật, Đức Phật Thích Ca chỉ là Thái tử. Còn Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã là vua của đất nước Đại Việt với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm.

Sau khi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đêm 1-11-1308, tại am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và trở thành Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm, sang thời Pháp Loa - Tổ thứ hai thì hệ thống chùa chiền, am tháp ở khu vực Yên Tử, thành phố Uông Bí, các chùa Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm, thị xã Đông Triều... được xây dựng lớn hơn. Điều đó cho thấy, từ xa xưa, từ khu vực Yên Tử ở thành phố Uông Bí về đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và kéo dài sang cả vùng thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương và huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã tạo ra vùng thánh địa linh thiêng mang đậm yếu tố lịch sử, văn hóa đặc sắc của nhà Trần. Cho đến ngày nay, phần lớn tín đồ của đạo Phật và công chúng mới chỉ biết tới núi Yên Tử - trái tim của Thiền phái Trúc Lâm chứ chưa biết tới toàn bộ khu vực rộng lớn có tính liên kết về mặt lịch sử và văn hóa này.

Về sự kiện Trúc Lâm Tam Tổ chọn những địa điểm nhập niết bàn, có lẽ Thượng hoàng Trần Nhân Tông biết Yên Tử không phải nơi chốn của mình nên khi sắp từ giã cõi nhân sinh thì ngài trở về Đông Triều. Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Văn hóa cho rằng: Yên Tử là nơi Khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông về trụ trì sau khi thành đạo, nhưng trước đó thì ngọn núi này đã có những người khác tu tiên đắc đạo rồi như đạo sĩ An Kỳ Sinh. Ở đời nhà Lý, khi Phật giáo là quốc đạo thì nhiều người cũng đã đến đây tu hành. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm nhưng vẫn là người đi sau. Vì vậy, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã chọn Ngọa Vân, nơi có độ cao thấp hơn so với đỉnh chùa Đồng Yên Tử.

Đến Tổ thứ hai là Pháp Loa, ngài in xong bộ Đại Tạng kinh Việt Nam và thiết lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam, thiết lập sổ bộ tăng, ni và tự, viện trên khắp cả nước thì cũng chuẩn bị cho việc từ giã cõi trần. Năm 1330, Pháp Loa viên tịch tại chùa Quỳnh Lâm, nhưng di chúc chọn chùa Thanh Mai ở xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương làm nơi an táng, cũng thấp hơn so với Ngọa Vân. Đến Tổ thứ ba là Huyền Quang thì lại chọn một nơi thấp hẳn xuống là Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa cùng ở thành phố Chí Linh để trụ trì rồi viên tịch ở đó vào năm 1334.

Những sự kiện kế tiếp đó từ gần 700 năm trước, Tam Tổ Trúc Lâm đã để lại cho chúng ta hôm nay cùng suy ngẫm về cách ứng xử của người xưa...

Am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài, thị xã Đông Triều. Ảnh: Xuân Quảng

Nếu coi dải núi Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều là một con rồng lớn vươn mình ra hướng biển, đầu rồng là núi Yên Tử, đuôi rồng là nhánh núi thấp nơi chùa Côn Sơn tọa lạc thuộc thành phố Chí Linh thì phần tháp mộ đặt xá lị của Tam Tổ Trúc Lâm cũng theo một quy thức khá đặc biệt: Phần xá lị của Điều ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất Tổ Ngự ở vị trí hàm rồng (tại tháp Tổ trên Yên Tử), đệ nhị Tổ Pháp Loa ngự thân rồng (chùa Thanh Mai) và của đệ tam Tổ Huyền Quang ngự đuôi Rồng (chùa Côn Sơn). Các khu di tích quốc gia đặc biệt này ngày nay đều là khu du lịch văn hóa-tâm linh, nơi phật tử và khách du lịch luôn hướng về, hành hương.

Dãy núi hình thành vòng cung Đông Triều ở vùng Đông Bắc, nơi mà những di tích cổ tạo thành một quần thể đậm đặc lịch sử đến nỗi có cảm giác thời gian không chảy trôi qua đây. Ở đó, trong không gian thanh u của cõi Phật, có một con đường hành hương đến “Thánh địa của Tam Tổ Trúc Lâm” chiêm bái những di sản văn hóa đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm và cùng suy ngẫm.

Đó là điểm hẹn cho những ai muốn tĩnh, thật yên tĩnh trong tâm mà tìm về, mà ngẩng lên ngắm rừng cây trúc xanh mượt mà trên núi cao, mà cúi nhìn đỉnh núi thấy một vị vua “qua nghìn dữ dội nhẹ như không”...

Xuân Quảng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/linh-thieng-thanh-dia-cua-tam-to-truc-lam/