Linh thiêng những ngôi đền xứ biển

Từ hàng ngàn năm trước, trong những cuộc vươn khơi, bám biển với ngư cụ thô sơ, thuyền chài nhỏ bé, các ngư dân phải gồng mình chống chọi với bao bất trắc, hiểm nguy giữa đại dương bao la sâu thẳm. Họ mang theo niềm tin về các vị thần linh có sức mạnh siêu nhiên phù trợ, để vững lòng hơn trước sóng to gió lớn của biển khơi. Niềm tin ấy, lâu dần đã hình thành nên những tín ngưỡng văn hóa mang đậm sắc màu thần thoại.

Đền Độc Cước (TP Sầm Sơn). Ảnh: Phạm Nam

Đền Độc Cước là một trong những di tích tiêu biểu về tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng biển xứ Thanh. Đền nằm trên hòn Cổ Giải, thuộc dãy núi Trường Lệ, TP Sầm Sơn. Đền thờ thần Độc Cước - một trong những vị thần linh thiêng nhất trong tín ngưỡng của người dân vùng biển. Tương truyền, thuở xưa, vùng biển Sầm Sơn có cậu bé tên Chu Văn Khoan, với sức vóc phi thường. Một hôm, xuất hiện đàn quỷ độc ác, đến cướp phá, giết hại dân lành. Chu Văn Khoan đem sức giúp dân đánh đuổi đàn quỷ dữ. Nhưng cứ hễ chàng ở trong bờ thì đàn quỷ ra giết hại người dân đánh cá ngoài biển, khi chàng ra khơi bảo vệ tàu thuyền, thì đàn quỷ lại tấn công người dân trong bờ. Chàng bèn tự xẻ đôi thân mình, một nửa theo người dân ra khơi đánh cá, một nửa lưu lại trên hòn Cổ Giải để canh chừng quỷ biển. Nhớ ơn người con của quê hương đã hy sinh thân mình vì sự bình yên của xóm làng, Nhân dân Sầm Sơn đã lập đền thờ, đặt tên là đền Độc Cước. Suốt hàng trăm năm lịch sử, đền Độc Cước trở thành địa điểm linh thiêng, nơi người dân xứ biển trở về cầu nguyện, mong những chuyến ra khơi an lành, tôm cá đầy khoang. Đền Độc Cước cùng quần thể di tích đình chùa miếu mạo đã cho thấy đời sống tâm linh phong phú cùng những nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người dân Sầm Sơn nói riêng, người dân xứ Thanh nói chung trong hành trình vươn khơi, bám biển.

Ngoài thần Độc Cước, người dân vùng biển xứ Thanh còn thờ tự rất nhiều vị thần biển linh thiêng. Suốt dọc miền duyên hải, gần như ở đâu có làng chài, ở đó có đền thờ Tứ vị Thánh nương. Nằm ở vị trí trung tâm thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, đền thờ Đức Thánh Cả là một trong những công trình tiêu biểu nhất của Thanh Hóa, thờ Tứ vị Thánh nương. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Đền Đức Thánh Cả được xây dựng vào khoảng giữa thời Nguyễn. Trước đây, ngôi đền bao gồm tiền đường, trung đường và hậu cung, thờ Đức Thánh Cả - Tứ vị Thánh nương, là những vị phúc thần tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có công bảo hộ cuộc sống cho người dân xứ biển.

Sách xưa kể lại: Nhân vật trung tâm của Tứ vị Thánh nương vốn là nàng hậu phi xuất thân từ phương Bắc. Khi nước mất nhà tan, nàng trẫm mình xuống biển tự vẫn. Thân xác nàng dạt vào vùng biển nước Nam, được Nhân dân ta lập đền thờ phụng. Từ đó tục thờ Tứ vị Thánh nương xuất phát từ đền Cờn, Nghệ An rồi lan ra khắp khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Khi mới ra đời, đền Đức Thánh Cả, xã Đa Lộc là công trình tâm linh bề thế, trải qua nhiều biến cố của lịch sử và chiến tranh, đền xưa không còn nguyên vẹn. Chỉ còn lại nghinh môn cổ kính vẫn sừng sững như minh chứng cho vẻ đẹp kiến trúc trường tồn của công trình tâm linh đặc sắc. Nghinh môn hướng ra biển, được xây dựng theo lối kiến trúc 3 tầng mái vút cong, phía trên cùng là tháp chuông với nhiều nét hoa văn họa tiết độc đáo; cùng với đó là những truyền thuyết huyền bí về ngôi đền.

Đặc biệt, trong suốt nhiều thế kỷ tồn tại, đền thờ Đức Thánh Cả là chứng nhân của những biến đổi về thời cuộc. Trong giai đoạn đầu tiên của khởi nghĩa Cần Vương, ngôi đền là nơi ẩn nấp an toàn của nghĩa quân Ba Đình. Sang thời kỳ tiền khởi nghĩa, đền là nơi các nhà hoạt động cách mạng tạm trú trên đường từ Phú Lương về nhà mẹ Tơm; đồng thời cũng là địa điểm diễn ra các hội nghị bí mật của tổ chức đảng thời đó. Thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cả nước sục sôi trong phong trào diệt giặc dốt, đền Đức Thánh Cả cũng là nơi dân làng tập trung mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ, giác ngộ cách mạng...

Lễ hội đền Đức Thánh Cả diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 11 đến 13 tháng 2 âm lịch. Trong những ngày diễn ra chính lễ, Đa Lộc chuyển mình trong sắc màu rực rỡ của cờ xí và trang phục lễ hội. Người dân cùng du khách thập phương nô nức đổ về đền dâng hương, chiêm bái. Dọc khắp các đường thôn, ngõ xóm, đâu đâu cũng thấy không khí tưng bừng, phấn khởi. Lễ hội Đền Đức Thánh Cả không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp văn hóa, mà còn khẳng định giá trị tâm linh trường tồn của ngôi đền trong đời sống tinh thần của người dân dọc miền duyên hải xứ Thanh.

Không chỉ thờ các nhiên thần, nhân thần trong huyền thoại, vùng biển xứ Thanh còn thờ nhiều nhân vật lịch sử, mà nhờ có công lao với đất nước, đã được Nhân dân phong thần. Thôn An Lạc, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa nằm dựa lưng vào dãy Linh Trường huyền thoại, mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Có lẽ, bởi địa thế linh thiêng, mà gần 600 năm trước, một nhánh hậu duệ của Trung Túc vương Lê Lai đã về đây dựng nghiệp, lập ấp xây làng, tạo nên một vùng dân cư trù phú. Từ ấy, một ngôi đền thiêng đã ra đời, mang tên đền An Lạc, thờ Trung Túc vương Lê Lai và các hậu duệ của ông.

Thần phả ghi Lê Lai sinh năm 1355, trong một gia đình có truyền thống nối đời làm phụ đạo trên đất Lương Giang. Bởi tính tình cương trực, bản lĩnh phi phàm, khi đất nước rơi vào tay giặc Minh, ông sớm đã nuôi lòng phản kháng. Năm 1416, Lê Lợi tổ chức hội thề Lũng Nhai, Lê Lai là một trong những người đầu tiên tham gia. Khi hay tin Lê Lợi khởi nghĩa, quân Minh ra sức đàn áp, hòng tiêu diệt cuộc khởi nghĩa từ trong trứng nước. Trong hoàn cảnh ấy, dũng tướng Lê Lai đã tình nguyện đóng giả làm Lê Lợi, dẫn theo 500 quân và 2 voi chiến xông ra tập kích quân Minh. Do chênh lệch lực lượng, quân giặc bắt được Lê Lai, đem giết ông, rồi nới lỏng vòng vây. Nhờ đó, nghĩa quân có đủ thời gian xây dựng lực lượng, tích trữ lương thảo, tăng cao nhuệ khí, từng bước đánh bại kẻ thù. Sự hy sinh anh dũng của Lê Lai cùng những người thân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã dựng nên danh tiếng một dòng họ trung quân, ái quốc nổi tiếng.

Từ xứ Mường Lương Giang xưa, hậu duệ của Lê Lai tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Một nhánh về xứ biển Hoằng Hóa, trấn ải đất này, dựng nên làng ấp, tiếp tục viết lên trang sử trung nghĩa của dòng dõi Trung Túc vương anh hùng. Đầu thế kỷ 16, một hậu duệ của Lê Lai là Lê Thọ xin vua Lê Thánh tông cho lập đền thờ tưởng nhớ các công thần của dòng họ Lê Lai (tức đền An Lạc ngày nay). Khi ấy, đền gồm 3 tòa chính: Tiền đường, Trung đường và Hậu đường; thờ Lê Lai, Lê Lâm, Lê Niệm và Lê Khủng. Sau này, ông Lê Công Giới - cháu đời thứ 9 của Lê Lai là người cuối cùng được phong thần, thờ phụng tại đền.

Qua thăng trầm lịch sử, đền An Lạc nhiều lần bị hư hại. Con cháu dòng họ và Nhân dân địa phương đã tích cực đóng góp, trùng tu, tôn tạo đền. Năm 1994, đền được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài hai ngày lễ lớn hàng năm là ngày 8 tháng giêng và ngày 21 tháng 8 âm lịch, đền An Lạc còn có thêm nhiều ngày lễ khác. Vào mỗi dịp lễ tế, cháu con dòng họ khắp muôn phương lại cùng nhau tụ họp, bày tỏ lòng biết ơn tiên tổ. Các nghi thức cúng tế được thực hiện trang trọng, bài bản, thể hiện sự thành kính đối với uy linh của các vị thần được thờ phụng trong đền.

Chỉ từ 1 chi của Thái bảo Thuần quốc công Lê Khủng, ngày nay, con cháu dòng họ Lê Lai đã trải khắp 6 xã vùng biển Hoằng Hóa, từ Hoằng Trường đến Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Yến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ. Hơn 500 năm thế sự đổi dời, đền An Lạc linh thiêng vẫn đứng đó, giản dị, khiêm nhường mà uy nghi. Ngôi đền không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế hôm nay đối với công lao của tiền nhân tiên tổ, mà còn khẳng định sự trường tồn của một dòng họ có truyền thống đời nối đời trung hiếu, yêu nước thương dân.

Ngoài một số công trình kể trên, vùng biển xứ Thanh còn tồn tại hàng trăm công trình tâm linh nổi tiếng, mà tiêu biểu nhất là các đền thờ có tuổi đời hàng trăm năm, nơi chứa đựng đời sống tâm linh phong phú của người dân vùng biển. Thuở ban sơ, con người đến với biển khơi mênh mông thường mang theo tín ngưỡng để vững lòng vượt qua bất trắc. Ngày hôm nay, niềm tin tốt lành ấy vẫn tồn tại qua năm tháng, giúp ngư dân có thêm lòng tin, động lực để chinh phục và khẳng định chủ quyền quê hương, đất nước trên biển cả bao la.

Lam Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/linh-thieng-nhung-ngoi-den-xu-bien/127502.htm