Linh thiêng Lam Kinh

Giữ vai trò là kinh đô tâm linh của vương triều Hậu Lê, trải qua gần 600 năm với những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, khu di tích Lam Kinh trên vùng đất hai vua Thọ Xuân đang từng bước được khôi phục, bảo tồn để trở thành quần thể di tích lịch sử, văn hóa, tưởng niệm gắn với mục tiêu phát triển KT-XH của xứ Thanh.

Cùng với khu di tích là Lễ hội Lam Kinh được bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm đã đưa Lam Kinh thực sự là điểm đến văn hóa hấp dẫn với đông đảo người người dân, du khách khi về với xứ Thanh.

Trở về Lam Kinh, du khách được tham quan một trong những di tích trọng điểm của xứ Thanh, cùng thắp nén hương thơm tỏ lòng ngưỡng vọng trước tiền nhân.

Trở về Lam Kinh, du khách được tham quan một trong những di tích trọng điểm của xứ Thanh, cùng thắp nén hương thơm tỏ lòng ngưỡng vọng trước tiền nhân.

Chuyện kể Lam Kinh

Đến hẹn lại về, khi nắng thu nhuộm vàng những cánh đồng lúa, tiết trời hanh hao, người dân khắp mọi vùng miền xứ Thanh lại cùng nhắc nhớ “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Mùa hành trình trở về với Lam Kinh đã bắt đầu. Và có phải vì thế, mà tháng tám (âm lịch) trở nên đặc biệt hơn, bởi những bước chân kẻ hành hương trở về với tiên tổ, tiền nhân.

Vẫn là Lam Kinh ở đấy, nhưng Lam Kinh trong tháng 8 này dường như đặc biệt hơn. Và đó hoàn toàn không phải chỉ là xúc cảm của kẻ đa sầu. Lặng lòng trong không gian thiêng khu di tích, ta nghe như có tiếng đồng vọng từ quá khứ, lịch sử và những câu chuyện kể về hành trình tranh đấu, khai dựng một vương triều.

Hơn 600 năm về trước, trước sự suy vi không thể cứu vãn của vương triều Trần, Hồ Quý Ly với khát vọng cải cách đã lên ngôi lập ra nhà Hồ. Đáng tiếc, hành động của ông lại không thu phục được nhân tâm, chính vì thế, những nỗ lực cải cách rốt cuộc cũng không mang lại nhiều thay đổi cho hiện tình đất nước lúc bấy giờ. Lại nói, người phương Bắc với tham vọng bành trướng từ ngàn năm trước vẫn chưa bao giờ chịu từ bỏ dã tâm, lợi dụng sự rối ren chính trị của nước Việt, nhà Minh lúc bấy giờ đã nhanh chóng đưa quân xuống vùng đất phương nam nước Việt gây nên cuộc xâm lược tàn khốc và đẫm máu. Tội ác của chúng đã được khai quốc công thần Nguyễn Trãi ghi lại trong bản Cáo Bình Ngô: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ”...,

Trong hiện tình ấy, đất Lam Sơn xứ Thanh lúc bấy giờ, hào trưởng Lê Lợi với nghĩa khí, tâm, tầm hơn người đã thu phục nhân tâm, hào kiệt bốn phương cùng nhau về tụ nghĩa dưới trướng của ông. Và, sau “Hội thề Lũng Nhai”, khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược đã chính thức diễn ra với nhiều cam go, thử thách, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Vậy nhưng, xưa nay, chính nghĩa luôn thắng bạo tàn phi nghĩa, 10 năm “nếm mật nằm gai” đã khép lại với “Hội thề Đông Quan”, đất nước Việt sạch bóng giặc ngoại xâm, dân tộc Việt hoàn toàn độc lập.

Khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, năm 1428 Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi lập ra vương triều Hậu Lê, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt kinh đô ở đất Thăng Long, tên nước Đại Việt. Và Lam Kinh được biết đến là “vùng đất căn bản của nước Đại Việt thời Lê”. Cùng với bộn bề công việc triều chính cũng như việc kiến thiết đất nước sau họa xâm lăng, vỗ về nhân tâm thì vua Lê Thái Tổ chưa bao giờ quên đi vùng đất gốc tổ Lam Sơn. Một Lam Kinh trên đất Lam Sơn đã từng bước được khởi dựng nhằm tỏ lòng tôn kính với tiên tổ, cùng với đó còn là tính toán cho hậu thế về sau. Lam Kinh với vai trò là “kinh đô tâm linh” của nhà Hậu Lê, là nơi để thờ cúng tiên tổ, an nghỉ của các vua, Thái hoàng, Thái hậu, nơi cử hành nghi lễ, nơi nhà vua về bái yết sơn lăng đã hình thành. Sau 5 năm ở ngôi, năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời, thi hài nhà vua đã được đưa về Lam Kinh an táng. Từ đây, các điện, miếu bắt đầu được xây dựng.

“Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, Lễ hội Lam Kinh thành kính, linh thiêng diễn ra vào ngày giỗ của đức vua Lê Thái Tổ - người khai lập vương triều Hậu Lê.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Lam Kinh được xây dựng vào năm 1433, vua sai Hữu Bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu cung từ Thái mẫu, cùng năm đó điện Lam Kinh bị cháy”. Đến năm 1448, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho Thái úy Lê Khả và Cục Bách tác làm lại điện miếu Lam Kinh. Lam Kinh được tiếp tục xây dựng, sau chưa đầy một năm - tháng 2 năm 1449 công việc xây dựng hoàn thành. Và năm 1456, vua Lê Nhân Tông trong lần hành lễ ở Lam Kinh đã đặt tên cho 3 tòa của chính điện Lam Kinh là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh.

Quy mô kiến trúc khu di tích Lam Kinh còn được Phan Huy Chú ghi chi tiết trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chạy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. Lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ “Công”, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó mà trông xuống thì thấy khe núi hai bên Tả, Hữu. Cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp”.

Trò Xuân Phả (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) trong Lễ hội Lam Kinh đặc biệt hấp dẫn người dân và du khách.

Bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích và Lễ hội Lam Kinh

Với đầy đủ những giá trị văn hóa tâm linh, kiến trúc, lịch sử, năm 1962, di tích Lam Kinh đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Dẫu vậy, “Mọi thứ đều sợ thời gian”, khu di tích Lam Kinh được khởi dựng với nhiều tâm lực của vương triều Hậu Lê cũng không thể tránh khỏi quy luật đó. Khu di tích phần nhiều chỉ còn nền móng cũ và một số di vật. Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn khu di tích lịch sử Lam Kinh thành một quần thể di tích lịch sử, văn hóa và khu tưởng niệm gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 22/10/1994, tại Quyết định 609 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án tổng thể khu di tích Lam Kinh. Đến năm 2002, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu di tích, cụ thể: Bảo vệ, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ trong khu di tích; phục hồi khu rừng Lam Kinh, trồng cây tôn tạo cảnh quan khu điện, khu lăng và bảo vệ môi trường sinh thái; cải tạo và xây dựng khu phục vụ quản lý và các hoạt động tưởng niệm; xem xét bảo vệ, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ có liên quan đến sự nghiệp của Lê Lợi như đền Lê Lai, núi Dầu, tạo nên quần thể di tích lịch sử hợp lí, có đầy đủ ý nghĩa nhân văn và giáo dục.

Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các hạng mục công trình trọng tâm tại khu di tích Lam Kinh đã được hoàn thành. Có thể kể đến: Nghi môn; sân rồng; các tòa Thái miếu; khu lăng mộ và đặc biệt là Chính điện Lam Kinh. Chính điện Lam Kinh là công trình trung tâm của khu di tích, sau khi được hoàn thành phục dựng, du khách ghé thăm không khỏi ngỡ ngàng về một công trình gỗ bề thế bậc nhất Việt Nam, bên trong còn là sự tinh xảo trong từng tiểu tiết hoa văn chạm khắc... Tất cả mang đến sự uy nghiêm, vững bền cho di tích.

Được biết, trước đó công tác nghiên cứu khảo cổ toàn bộ khu trung tâm của di tích cũng đã được các nhà khoa học thực hiện. Đây là cơ sở cho công tác nghiên cứu, lập dự án đầu tư phục hồi, tôn tạo. Cùng với đó, Sở VH,TT&DL và Ban Quản lý khu di tích Lam Kinh đã tổ chức thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ khoa học cho từng công trình trong di tích (văn bia; Thái miếu...), sưu tầm nghiên cứu tập hợp tư liệu, tài liệu văn hóa vật thể, phi vật thể, xây dựng kho tư liệu, hiện vật thời Hậu Lê phục vụ không chỉ công tác nghiên cứu khoa học mà còn để du khách được tham quan, tìm hiểu.

Cùng với khu di tích Lam Kinh, Lễ hội Lam Kinh diễn ra thường niên hàng năm vào ngày giỗ của đức vua Lê Thái Tổ (22 tháng 8 âm lịch) được tổ chức quy mô, trang trọng, linh thiêng và thành kính còn được xem là sự kiện văn hóa, hoạt động “về nguồn” thu hút hàng vạn lượt người dân, du khách trở về dâng hương, vãn cảnh, tưởng nhớ công đức tiền nhân.

https://dulich.petrotimes.vn/

svhttdl Thanh Hóa

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/linh-thieng-lam-kinh-591807.html