Lính tăng Ukraine tố T-84 Oplot vô dụng

Trang Defence-blog vừa đăng tải những tuyên bố của lính tăng Ukraine khiến nhiều người bất ngờ về sức mạnh thật của chiến tăng T-84 Oplot.

Thừa nhận bất ngờ

Nhận định này được người điều khiển tăng lâu năm cũng là trưởng xe T-84 Oplot của quân đội Ukraine, Roman Bagaev cho biết, khi cỗ tăng T-84 tham dự cuộc đua Tank Challenge 2018, hàng loạt vấn đề đã phát sinh với chiến tăng được đánh giá là số 1 của Ukraine.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, một đoạn video ghi lại hình ảnh sự cố tăng T-84 gặp phải đã được công bố. Lỗi đầu tiên được nhắc đến là chúng không có hệ thống ổn định bũ khí và điều khiển hỏa lực.

Tăng T-84 Oplot.

Đây là những lỗi khá nghiêm trọng và chính nguyên nhân này đã khiến cỗ tăng phải rất khó nhọc mới có thể bắn được quả đạn xa khoảng 1 km thay vì vài km như tuyên bố của nhà sản xuất và Bộ Quốc phòng nước này.

Trưởng xe Roman Bagaev cho biết: "Cùng với đó là tình trạng kẹt đạn thường xuyên xảy ra nếu T-84 muốn bắn hết cơ số đạn có trong xe. Cụ thể, cỗ tăng này chỉ có thể bắn được 16 viên đạn trong tổng số khoảng 40 quả đạn được trang bị".

Viên sĩ quan này thừa nhận thêm rằng, nếu trong tình huống tác chiến thực sự, T-84 Oplot gần như là cỗ tăng vô dụng và việc bị đối phương tiêu diệt chỉ với vũ khí không quá mới cũng không khiến những người lính tăng Ukraine bất ngờ bởi hệ thống cảm biến và phòng vệ của T-84 gần như bị tê liệt.

Thực trạng tồi tệ

Trước thực tế này, trang Defence-blog cho rằng sự cố với tăng T-84 phản ánh đúng thực trạng nền công nghiệp quốc phòng Ukraine được phát triển theo kiểu thừa hưởng những cái đã có thời Liên xô (hoạt động khá tốt) và phát triển mới thì lại tồn tại những điểm yếu chết người.

Các xe tăng và xe bọc thép kiểu mới như T-84 Oplot và BTR-3, BTR-4, niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện đại nằm trong trường hợp thứ 2 này

Các xe BTR-4 mà Ukraine bán cho Iraq đã bị khách hàng từ chối và trả về ngay khi vừa được bàn giao bởi lý do hết sức đáng xấu hổ: trên các xe thiết giáp mới toanh này đã xuất hiện những vết nứt, thể hiện chất lượng rất tồi.

Vỏ thép trên các xe này lẽ ra phải đủ để chống được đạn, bảo vệ cho binh sĩ trong xe, nhưng khi chưa trúng phát đạn nào, chúng đã bị hư hại một cách "tự nhiên".

Azerbaijan cũng từ chối các xe BTR-3 và BTR-4 bởi chất lượng kém. Được biết, trong một cuộc thử nghiệm, những chiếc BTR-70 lạc hậu của nước này sau khi được nâng cấp trong nước, còn có khả năng cơ động hơn cả BTR mới của Ukraine.

Xe tăng T-84 Oplot tuy được quảng bá là hiện đại nhưng lại tồn tại đặc điểm thiết kế bất hợp lý đến khó hiểu. Đó là, cùng những sự cố kể trên, súng máy phòng không trên tháp pháo lại bị chính tổ hợp quang điện tử của xe che mất đường ngắm.

Điều này đồng nghĩa với việc trong một số trường hợp, xạ thủ sẽ không thể sử dụng súng 12 ly 7 có hiệu quả như đáng ra phải thế. Đặc biệt, khi mà Nga đang dần chuyển sang các thiết kế mới, mang tính cách mạng, Ukraine vẫn phải phụ thuộc vào các thiết kế từ thời Liên Xô vốn đã không còn phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại.

Xe tăng T-84 được dựa trên xe T-80 của Liên Xô với các đặc điểm giáp dày, cơ động mạnh chuyên dùng cho các mũi thọc sâu, tiêu diệt xe tăng địch. Nhưng ngày nay nhu cầu của khách hàng đã khác.

Khả năng sống sót của kíp lái được ưu tiên hàng đầu trong khi chi phí vận hành thấp và phù hợp với các cuộc chiến tranh quy mô vừa và nhỏ chứ không phải chiến tranh tổng lực như mục đích chế tạo của T-80 và sau này là T-84.

Kể từ khi cuộc xung đột ở Miền Đông nổ ra, Ukraine từ nước hàng đầu về xuất khẩu xe tăng, thiết giáp, đã phải nhập khẩu và nhận viện trợ một lượng xe thiết giáp không nhỏ từ nước ngoài.

Điều này cho thấy sự thật rõ ràng rằng nền công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã không còn đáp ứng được nhu cầu của quân đội trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Clip tăng T-84 Oplot bị kẹt đạn khi bắn

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/linh-tang-ukraine-to-t-84-oplot-vo-dung-3360212/