Linh hoạt tuổi nghỉ hưu?

Đây là vấn đề được các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm chính sách '8 tiếng công bằng' do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) phối hợp cùng các đối tác tổ chức sáng 20/12, tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự tại tọa đàm.

Bất bình đẳng giới

Đánh giá về mặt chính sách, các đại biểu cho rằng, luật pháp Việt Nam về bình đẳng giới nói chung và lao động nói riêng được đánh giá là một trong những hệ thống luật tiến bộ nhất khu vực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hệ thống pháp luật vẫn được xây dựng theo hướng tiếp cận bảo vệ phụ nữ, đối tượng thường được mặc định là dễ tổn thương hơn nam giới trong quan hệ lao động. Cách tiếp cận này khiến cho hệ thống pháp lý Việt Nam về bình đẳng trong cơ hội việc làm bộc lộ một số khoảng trống. Đơn cử như tại Điều 159 BLLĐ hiện hành chỉ cho phép lao động nữ được nghỉ hưởng BHXH trong trường hợp nuôi con dưới 06 tháng tuổi và chăm con dưới 07 tuổi ốm đau, mà không ghi nhận quyền tương đương cho lao động nam. Điều này vô hình trung củng cố định kiến xã hội theo đó việc chăm sóc con cái vẫn được mặc định là trách nhiệm của riêng phụ nữ. .

Đáng chú ý, theo bà Phạm Thu Lan- Phó Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mục đích của Điều 160 và Thông tư 26 là nhằm hạn chế lao động nữ tham gia vào những công việc mà Nhà nước cho rằng có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, cụ thể là tới chức năng sinh đẻ và nuôi con. Tuy nhiên, trong thực tiễn, văn bản này vô hình trung lại gây phân biệt đối xử ở góc độ bình đẳng về quyền tự do lựa chọn, tức là quyền để một lao động nữ tự mình lựa chọn xem liệu công việc đó có phù hợp với bản thân mình không.

Cũng theo bà Lan, Điều 37 BHXH cũng cho phép người lao động nghỉ 15 ngày khi triệt sản mà không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, vì BLLĐ vẫn được cho là “luật gốc” trong lĩnh vực lao động, nhiều NSDLĐ cũng như lao động nam không hề biết đến quyền nêu trên của lao động nam trong Luật BHXH. Sự chưa đồng bộ giữa các bộ luật dẫn đến việc nhiều NSDLĐ từ chối giải quyết cho lao động nam nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ ốm đau.

Linh hoạt tuổi nghỉ hưu

Là thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ Luật Lao động, Tiến sĩ Đỗ Ngân Bình - Đại học Luật Hà Nội cho biết: Trong quá trình thu thập ý kiến sửa đổi BLLĐ, có 5 vấn đề nổi bật có nhiều ý kiến trái chiều giữa các bên là tuyển dụng; trả công; bảo hiểm xã hội (BHXH); thời gian làm thêm; cơ hội phát triển.

Trước câu hỏi người lao động có muốn tăng tuổi nghỉ hưu, bà Đỗ Thị Thúy Hương, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Viettronics cho rằng: Thực tế từ doanh nghiệp cho thấy, nhóm đối tượng người lao động chân tay đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu và tuổi nghỉ hưu nên như nhau. Do đó, đề xuất tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu từ độ tuổi từ 55 - 60 và từ 55 - 62. Nếu lao động nặng nhọc thì người lao động có thể lựa chọn nghỉ hưu sớm.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thu Lan cũng cho rằng: Việc nghỉ hưu nên phân chia ngành nghề và linh hoạt theo khung độ tuổi để người lao động lựa chọn. Tổng Liên đoàn cho rằng tuổi nghỉ hưu nên tiến tới bình đẳng giới giữa nam và nữ. “Việc nghỉ hưu theo khung độ tuổi như vậy sẽ phát huy sự thỏa thuận, đàm phán của người lao động. Các bên nên góp ý với Ban soạn thảo BLLĐ để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với người lao động” – bà Lan nhấn mạnh.

Đứng ở khía cạnh luật pháp, tiến sĩ Đỗ Ngân Bình cho rằng, nếu đưa linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp sẽ bị treo “lơ lửng” trong khoảng thời gian đó và không biết người lao động sẽ nghỉ khi nào? Do đó, ban soạn thảo BLLĐ đang đưa ra phương án phải xác định cụ thể con số tuổi nghỉ hưu. Theo đó, với lao động nữ tuổi nghỉ hưu tăng từ 55 lên 60 tuổi và nam tăng từ 60 lên 62 tuổi. Đây là phương án dựa trên thực tế Luật Lao động hiện hành quy định đến tuổi nghỉ hưu (nữ là 55 và nam là 60), doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển sang dạng hợp đồng khác.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/linh-hoat-tuoi-nghi-huu-tintuc425852