Linh hoạt, sáng tạo điều chỉnh thế trận tác chiến trong Chiến dịch tiến công Trị-Thiên năm 1972

Sau thắng lợi lớn của các chiến dịch và các đợt hoạt động quân sự trong năm 1970-1971 trên chiến trường 3 nước Đông Dương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam bằng các chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng.

Chiến dịch tiến công Trị-Thiên là một trong những chiến dịch tiến công chiến lược đó. Chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng quân sự của địch, phối hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn lực lượng bảo an dân vệ, đánh bại kế hoạch “bình định” của địch, giải phóng từng phần, có điều kiện giải phóng toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, phân tán thu hút lực lượng địch, phối hợp với các chiến trường toàn miền Nam giành thắng lợi cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, từ ngày 30-3 đến 9-4-1972, ta nổ súng đồng loạt tiến công phá vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, giải phóng hai huyện Gio Linh và Cam Lộ, buộc địch phải co về giữ Đông Hà, Ái Tử, tăng cường lực lượng phòng ngự. Từ ngày 10-4 đến 2-5-1972, ta tiến công tiêu diệt tập đoàn địch phòng ngự ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Từ ngày 20 đến 27-6-1972, các sư đoàn: 304, 308, 324 tiến công vào phía tây Thừa Thiên-Huế, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Song các hướng tiến công của ta đều bị chặn lại, không thực hiện được kế hoạch. Ngày 28-6-1972, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch.

 Bộ đội Sư đoàn 304 đánh chiếm căn cứ Động Toàn tại Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu

Bộ đội Sư đoàn 304 đánh chiếm căn cứ Động Toàn tại Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu

Chọn Trị-Thiên là hướng tiến công chiến lược chủ yếu năm 1972 thể hiện quyết định đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, làm chuyển biến cục diện của cuộc chiến tranh. Bởi vì, Trị-Thiên là nơi địch bố trí những đơn vị thiện chiến, tổ chức hệ thống phòng ngự hoàn chỉnh, vững chắc. Tại đây, địch hình thành 3 tuyến: Tuyến ngoài cùng, phạm vi từ vùng giáp ranh giữa ta và địch đến biên giới Việt-Lào; tuyến phòng thủ cơ bản, bố trí ở các điểm cao: 367, 52, 365, 548, 597, 241, 115, 69, động Ông Do và các căn cứ: Dốc Miếu, Quán Ngang, Cửa Việt; tuyến phòng ngự dự bị phía sau gồm các thị xã, thị trấn, hậu cứ Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, Huế và khu vực phía đông Đường số 1. Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Trị-Thiên tạo nên tiếng vang lớn, làm cho địch hoang mang; đồng thời đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật quân sự của ta.

Trong Chiến dịch tiến công Trị-Thiên, ta đã vận dụng và giải quyết thành công một loạt vấn đề về nghệ thuật tạo ưu thế chiến dịch và duy trì ưu thế cho đến khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trước hết, ta đã chọn đúng hướng tiến công chủ yếu là hướng tây và hướng tây bắc. Thực tế diễn biến chiến dịch, trong 5 ngày, từ 30-3 đến 5-4-1972 (theo dự kiến là 7 ngày), bằng đột phá liên tục kết hợp với thọc sâu, vu hồi, ta đã phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch, diệt một bộ phận sinh lực địch, gồm: Ban chỉ huy và cơ quan trung đoàn 54, sư đoàn bộ binh 3, giải phóng hai huyện Gio Linh và Cam Lộ, buộc địch phải bỏ tuyến phòng ngự Đường số 9.

Căn cứ vào địa hình, tình hình địch, thực lực của ta và mục tiêu chiến dịch, ta vận dụng phương pháp tác chiến: Kết hợp đột phá thọc sâu với bao vây, chia cắt, đánh địch trên toàn bộ chiều sâu phòng ngự chiến dịch của địch; kết hợp tiêu diệt địch với phá vỡ thế phòng ngự của chúng; kết hợp đột phá mạnh với thọc sâu vu hồi, bao vây chia cắt chiến dịch; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng trên những địa bàn đông dân cư. Để phá thế phòng ngự của địch, tạo thế đánh trận then chốt, Bộ tư lệnh chiến dịch đã tổ chức tiến công trên 4 hướng (đột phá mạnh từ hướng tây và hướng bắc, kết hợp với bao vây và thọc sâu từ phía đông, cắt tiếp tế vận chuyển và chia cắt chiến dịch từ phía nam), tận dụng sức mạnh của binh chủng hợp thành tiến công phá vỡ tuyến phòng ngự ở vòng ngoài và hệ thống pháo binh của địch, đánh bại quân cơ động ứng cứu, mở cửa tiến công vào Đông Hà, Ái Tử.

Chiến dịch tiến công Trị-Thiên còn thể hiện sự chỉ đạo chiến thuật chặt chẽ và linh hoạt, nhằm đánh bại các biện pháp tác chiến phòng ngự chủ yếu của địch. Ta đã vận dụng thành công chiến thuật tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở quy mô sư đoàn được tăng cường binh khí kỹ thuật với trình độ hiệp đồng binh chủng cao, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, như: Tập kích hỏa lực mạnh đáp ứng yêu cầu bao vây tiến công tiêu diệt địch trong thời gian ngắn; tiến công bằng hiệp đồng binh chủng, đột phá liên tục, đánh đến đâu bám trụ đến đó, kết hợp với thọc sâu, chia cắt, nhằm tiêu diệt quân địch co cụm lớn, có xe tăng, thiết giáp làm nòng cốt; thọc sâu, tiến công nhanh trong hành tiến, nhanh chóng đánh thẳng vào tung thâm tập đoàn phòng ngự của địch. Những đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch tiến công Trị-Thiên có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phát triển làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam và vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới.

Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/linh-hoat-sang-tao-dieu-chinh-the-tran-tac-chien-trong-chien-dich-tien-cong-tri-thien-nam-1972-544674