Linh hoạt, chủ động để nắm bắt thời cơ

Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn về quy mô và đa dạng về hình thức: sân bay, đường cao tốc, đường bộ, hệ thống cảng... đã và đang được triển khai, Đồng Nai đang được ví von như một 'đại công trường', hứa hẹn một sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, khi các dự án đã được hoàn thành.

Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND về quy hoạch giao thông - vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua năm 2016 với mục tiêu đầu tư xây dựng hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia. Ngoài ra, Nghị quyết 40 còn đặt ra các mục tiêu về tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, hàng không, đường thủy nội địa với năng lực lưu thông tốt, tiến tới giao thông thông minh và an toàn cao. Từ đó, đa dạng hóa các loại hình vận tải và phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách với chất lượng ngày càng cao.

Tuy nhiên, nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách của tỉnh đang tăng đáng kể và hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay đang dần trở nên quá tải. Chưa kể trong thời gian tới, dự kiến nhiều khu công nghiệp sẽ được mở rộng hoặc xây mới với tổng diện tích đất công nghiệp tăng thêm hàng ngàn ha. Đồng Nai cũng đang thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp và du lịch… nên việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông có tính kết nối khắp mọi vùng trong tỉnh là nhu cầu cấp bách.

Việc Chính phủ chọn Đồng Nai để xây dựng “siêu dự án” hàng không dân dụng lớn nhất từ trước đến nay, cũng như Đồng Nai trở thành một trong số ít địa phương đón các đường cao tốc liên vùng đi qua cho thấy vị trí chiến lược hết sức đặc biệt về giao thông liên vùng của tỉnh. Chính vì vậy, để có sự kết nối, liên thông, để mạng lưới giao thông phát triển và kết nối tốt hơn giữa các vùng trong tỉnh cũng như liên vùng, thì việc tính toán, định hướng, quy hoạch, thực hiện các dự án giao thông của tỉnh cho giai đoạn sắp tới là cực kỳ quan trọng.

Ở một góc nhìn khác, quy hoạch thêm nhiều tuyến đường là đúng đắn, song không thể không tính toán kỹ càng, căn cơ trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Lãnh đạo tỉnh cũng đã nhắc nhở các địa phương cần rà soát, chọn ra những dự án mang tính trọng điểm để ưu tiên đầu tư nhằm tận dụng tối ưu nhất nguồn lực sẵn có, đồng thời tránh sự dàn trải và nhất là tránh các dự án “treo”, để không biến các dự án phục vụ mục tiêu phát triển trở thành “điểm nghẽn” trên thực tế khi chỉ đề xuất dự án mà không tính toán kỹ nguồn lực để làm.

Như vậy, quy hoạch, tính toán thực hiện các dự án hạ tầng giao thông theo nhu cầu phát triển để nắm bắt thời cơ đồng thời cân đối thực lực, chọn dự án ưu tiên để đầu tư là định hướng khả thi, hiệu quả nhất mà tỉnh đặt ra.

K.N

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202106/linh-hoat-chu-dong-de-nam-bat-thoi-co-3061240/