Linh hoạt chính sách

Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, nước ta phải đạt được 50% lao động tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bắt buộc. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam thông báo đến thời điểm này, cả nước mới có hơn 13,4 triệu người (chiếm 24% lao động) tham gia các loại hình BHXH, đặc biệt, trên 90% số lao động di cư (LÐDC) chưa tham gia BHXH.

Lao động Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Nhân Dân

Lao động Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Nhân Dân

Con số trên phản ánh đúng thực trạng: 34,3% số LÐDC gặp khó khăn về việc làm, 42,6% số nữ LÐDC gặp khó khăn về chỗ ở, và 97,9% số lao động phi chính thức không có BHXH. Điều này không chỉ ảnh hưởng quyền lợi của người lao động, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho xã hội, khi người lao động không được hỗ trợ giảm rủi ro khi ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già...

Không khó chỉ ra nguyên nhân gây ra “khoảng trống” về BHXH khi đất nước đang trong quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, số lượng lao động di chuyển từ nông thôn ra đô thị, các khu công nghiệp là rất lớn. Trong khi đó, các thiết chế xã hội chưa thể đáp ứng ngay được nên vấn đề việc làm, nhà ở, đời sống của người lao động, đặc biệt là LÐDC là rất khó khăn.

Trong cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, dẫn đến cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới cũng nhiều, nhưng quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sử dụng ít lao động. Một nguyên nhân nữa rất quan trọng là vấn đề tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động kém, cơ chế kiểm soát, cưỡng chế còn nhiều bất cập.

Pháp luật quy định người lao động làm việc từ đủ một tháng trở lên đều phải tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng vướng mắc ở chỗ là nhiều LÐDC chính thức không có hợp đồng lao động mà chỉ là thỏa thuận miệng với chủ sử dụng lao động nên không được đóng BHXH.

Thực tế, trong điều kiện việc làm không ổn định, thu nhập thấp không đủ sống, chỗ ở khó khăn..., nhiều lao động cũng không muốn đóng BHXH do bị khấu trừ thu nhập thực tế. Nhiều chủ sử dụng lao động cũng vin vào đó để né tránh trách nhiệm đóng BHXH với lao động.

Mặc dù, Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng cho lao động thuộc hộ nghèo, 25% mức đóng cho lao động hộ cận nghèo và 10% cho lao động khác, nhưng do hầu hết LÐDC không đủ khả năng tham gia BHXH bắt buộc nên đến thời điểm này, khu vực lao động phi chính thức mới có khoảng 200 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện.

Vậy đâu là giải pháp toàn diện hỗ trợ cho LÐDC chính thức và phi chính thức, tạo cơ hội an sinh cho một lực lượng đông đảo hiện nay? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền sở tại, nhằm bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản để LÐDC có thu nhập ổn định để tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ cao hơn phù hợp tình hình thu nhập của người lao động, với phương châm Nhà nước hỗ trợ trước để không phải hỗ trợ sau khi người lao động cao tuổi.

Đồng thời, bản thân LÐDC phải hiểu rõ chính sách và nghiêm túc tuân thủ pháp luật để có trách nhiệm tham gia BHXH vì quyền và lợi ích của chính mình. Mặt khác, chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH để bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/linh-hoat-chinh-sach/