Linh hoạt các giải pháp thúc đẩy giao thương hàng hóa tại biên giới

Nhằm khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Phương tiện chuẩn bị xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Phương tiện chuẩn bị xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến thị trường tiêu thụ của Việt Nam bị co hẹp.

Chính vì vậy, nhằm khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Cùng chung tay đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời để kết nối thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nhất là tại các cửa khẩu biên giới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản tiểu ngạch qua các tỉnh biên giới phía Bắc, từ chỗ gần như bị tê liệt trước tác động của dịch COVID-19, nhưng nhờ sự vào sự chủ động từ rất sớm của Bộ Công Thương cùng sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đã từng bước khôi phục nhịp giao thương.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết ngay khi bắt đầu có tình trạng ùn ứ tại các cặp cửa khẩu, lối mở giữa Việt Nam và Trung Quốc, ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã nhanh chóng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến doanh nghiệp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 224/CĐ-TTg cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ động đề xuất với Bộ Y tế xây dựng quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Vì thế đến nay, hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng như xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã tích cực trở lại.

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền trong ngày 11/5 tại các tỉnh giáp Trung Quốc có 797 xe xuất khẩu và 845 xe nhập khẩu. Ngoài ra, tổng số xe tồn tại các cửa khẩu hiện nay là 710 xe.

Xe nông sản được bố trí dừng đỗ tại khu xuất nhập cảnh Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để giảm thiểu ùn ứ. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu cho biết ngày 9/4, Bộ Công Thương có ban hành công văn số 2532/BCT-XNK về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch COVID-19.

Qua đó, thông tin tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm chủ động triển khai kịp thời các vấn đề về xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Đáng lưu ý, từ ngày 1/5, phía Quảng Tây đã khôi phục thời gian thông quan bình thường tại đường thông quan chuyên dụng Tân Thanh-Pò Chài và điều chỉnh thời gian thông quan: Buổi sáng từ 9-12 giờ, buổi chiều từ 13-17 giờ (giờ Bắc Kinh) kể cả cuối tuần và ngày lễ.

Theo ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, với những nỗ lực liên tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn từ Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương cùng các địa phương biên giới; trong đó, có Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn nói riêng đã được khôi phục ở mức tối đa có thể trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đây là sự tháo gỡ kịp thời nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, phản ánh nỗ lực của các lực lượng chức năng.

Hơn nữa, sau khi Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc giãn một số mặt hàng xuất khẩu nông sản đi qua các cửa khẩu, không chỉ tập trung tại cửa khẩu Hữu Nghị hoặc Tân Thanh, phía họ cũng đã đồng ý sẽ đi thêm qua ga đường sắt giúp đẩy nhanh năng lực thông quan.

Thay vì nghỉ ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần như các thông báo ban đầu, phía Quảng Tây (Trung Quốc) đã duy trì thời gian thông quan bình thường và tăng thêm thời gian giải quyết thủ tục thêm 2 giờ (từ 5 giờ lên 7 giờ/ngày) tại cặp chợ biên giới Tân Thanh-Pò Chài, không nghỉ lễ và các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Riêng trong ngày đầu tiên thông quan 1/5, tính đến 16 giờ, khối lượng xe hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh đã tăng lên trên 100 xe; trong đó, có 80 xe hàng xuất khẩu, tăng khoảng 20% so với các ngày trước đó.

Bà Vũ Thị Nguyệt - cán bộ xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Thanh Hải (Lạng Sơn) - cho biết tại Tân Thanh, trước kỳ nghỉ lễ phía Trung Quốc chỉ mở cửa khẩu giải quyết thủ tục thông quan 5 giờ/ngày, mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 60-70 xe hàng, nghỉ ngày cuối tuần, ngày lễ, nhiều xe hàng của doanh nghiệp tồn đọng khá lâu.

Tuy nhiên, sau khi phía Trung Quốc tăng giờ mở cửa khẩu, làm việc thêm 2 tiếng giải quyết thủ tục, thời gian thông quan đã nhanh hơn, việc giải quyết các thủ tục của phía bạn cũng thông thoáng hơn, luồng hàng hóa nông sản xuất khẩu của Công ty Thanh Hải đã giải quyết nhanh gọn.

Cán bộ biên phòng Tân Thanh điều tiết xe nông sản xuất khẩu. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Tiếp tục các giải pháp gỡ khó đối với một số cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc, ngày 17/4, tại cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc, phía Trung Quốc thông báo sẽ chỉ đạo lực lượng hải quan và chính quyền địa phương có biện pháp giảm áp lực thông quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài.

Đặc biệt, ngay sau cuộc điện đàm, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây đã ra thông báo về việc khôi phục thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu biên giới Tân Thanh-Pò Chài.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc Trung Quốc đồng ý khôi phục thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài là kết quả sau một loạt giải pháp đồng bộ, chủ động và tích cực giữa hai bên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước trước tác động của dịch COVID-19.

Trên có sở đó, Bộ Công Thương cũng liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh, diễn biến chính sách và các quy định của phía Trung Quốc có liên quan đến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, kịp thời đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo các địa phương, doanh nghiệp chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, tạo thuận lợi hóa thông quan và duy trì chuỗi cung ứng.

Chủ động thích ứng

Qua theo dõi của phóng viên CQTT tại Lạng Sơn và Tây Ninh, hiện nay tại hai địa phương này vẫn chưa thể mở các cửa khẩu phụ.

Theo ông Phan Hồng Tiến, Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, đến thời điểm này, các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa đi vào hoạt động do phía Trung Quốc chưa cho mở cửa vì tình hình dịch COVID-19.

Để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu trong tình hình mới, theo ông Phùng Quang Hội, doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi ngay phương thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi, điều này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như chủ động trong kinh doanh sản xuất, nâng cao được giá trị hàng nông sản lên từ chế biến đóng gói, bao bì, nhãn mác...

Hơn nữa, đây là biện pháp căn cơ lâu dài, còn nếu cứ xuất thô như hiện nay thì giá trị gia tăng không nhiều và thường có giá trị xuất khẩu không cao.

Sở Công Thương Lạng Sơn đang nhận được sự ủy quyền của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương trong vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các lô hàng nông sản xuất khẩu đi các thị trường, chủ yếu là thị trường Trung Quốc là mẫu C/O form E.

Do đó, Sở Công Thương Lạng Sơn đã bố trí cán bộ, nhân viên làm việc cả ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ, chỉ cần doanh nghiệp có nhu cầu là sẽ kết nối và tạo mọi điều kiện để cấp C/O cho các lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam để kịp thời, chủ động trong việc đủ hồ sơ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Lạng Sơn cũng đã nỗ lực cùng các lực lượng giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam chủ yếu theo loại hình tiểu ngạch.

Vì vậy, ông Phùng Quang Hội khuyến cáo doanh nghiệp thay đổi để chuyển sang loại hình xuất khẩu chính ngạch để chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu, tránh rủi ro trong thương mại khi phía Trung Quốc có biện pháp thắt chặt ở cửa khẩu. Cùng với đó, chú trọng thực hiện đóng gói bao bì, nhãn mác, quy cách chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc...

Nhằm tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Ủy ban, Hiệp hội, doanh nghiệp chủ động cân nhắc, điều chỉnh tiến độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu và đa dạng hóa hình thức vận chuyển-giao nhận hàng hóa, khai thác tối đa tuyến vận tải đường sắt liên vận để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát sao, cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới để kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh.

Đáng lưu ý, để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp phải chủ động theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên để có kế hoạch điều tiết hợp lý./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/linh-hoat-cac-giai-phap-thuc-day-giao-thuong-hang-hoa-tai-bien-gioi/640039.vnp