Linh chi 'trái mùa'

Một thanh niên 33 tuổi ở TP.Đà Nẵng đã nghiên cứu trồng thành công nấm linh chi thảo dược trên thân gỗ, thích ứng với khí hậu nắng nóng ở miền Trung và có kế hoạch mở rộng chia sẻ mô hình sang các tỉnh Nam Lào.

Sau nhiều lần thất bại, anh Hùng đã thành công với nấm linh chi - Ảnh: Dy Đạt

Học nghề trên mạng, trồng thành công nấm linh chi thảo dược ở miền Trung

Trong khi nấm linh chi thường chỉ được trồng và phát triển ổn định ở những vùng có nhiệt độ 25 - 30°C, thì anh Phan Văn Hùng (33 tuổi, ở thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã “giúp” loài thảo dược này phát triển tốt qua mùa nắng nóng miền Trung có khi lên đến 38°C.

Giá trị tăng gấp đôi

Mô hình trồng thí điểm linh chi dược liệu trên thân gỗ trong điều kiện khí hậu miền Trung của anh Hùng đã thành công bước đầu. Trung tâm khuyến ngư nông lâm TP.Đà Nẵng đang tiếp tục lấy mẫu nấm linh chi của anh để phân tích dược tính, đồng thời chia sẻ mô hình với các tỉnh Nam Lào. “Vì là mô hình thành công đầu tiên ở miền Trung nên tôi sẽ tính toán nhân rộng mô hình cho ra đời thương hiệu “Linh chi Đà Nẵng” trong thời gian sớm nhất”, anh Hùng tiết lộ.

Để giúp nấm chịu đựng cái nóng khắc nghiệt, anh kết hợp sử dụng máy kiểm soát nhiệt độ trong trang trại, máy đo độ ẩm tự động, phun sương tự động để kiểm soát quy trình phát triển của nấm. “Nhiều năm tự mày mò nghiên cứu mức độ sinh sản, phát triển của các dòng nấm qua từng điều kiện thời tiết, tôi cũng nương theo đó để giám sát điều kiện sinh trưởng, cách chăm sóc phù hợp để linh chi phát triển giữa mùa nắng nóng”, anh “bật mí”. Cũng từ đây, anh có thể trồng thêm vụ linh chi “trái mùa” chứ không chỉ dừng ở một mùa thu đông trước đó. Đặc biệt, nấm linh chi càng chịu thử thách càng tăng dược tính, hơn hẳn dòng nấm trồng ở khí hậu mát mẻ. “Hiện nấm linh chi trồng ở các tỉnh, thành có khí hậu thuận lợi bán với giá chừng 500.000 đồng/kg, nhưng nấm “mùa hè” ở trại của tôi được mua tại chỗ với giá gấp đôi. Theo những thương lái, thị trường rất ưa chuộng loài nấm này”, anh Hùng cho biết.

Vụ trồng thử nghiệm giữa mùa nắng nóng vừa qua, anh Hùng ươm cấy thành công hơn 8.000 phôi nấm, trong đó có 3.000 phôi đang được thu hoạch với hơn 50 kg nấm. Hơn 5.000 phôi còn lại sẽ tiếp tục được thu hoạch gối đầu và dự kiến cho ra khoảng hơn 80 kg nấm linh chi thảo dược.

Học nghề “online”

Anh Phan Văn Hùng từng học và trải qua đủ nghề như cơ khí, hướng dẫn viên du lịch, sửa chữa máy tính, kỹ thuật xây dựng… và cuối cùng dừng lại với nấm. Đấy cũng là niềm đam mê mà anh đeo đuổi đã lâu. “Phải chọn công việc mình thực sự yêu thích thì mới sống hết mình, mới hy sinh vì nó được”, anh Hùng nói.

Nấm linh chi trên thân gỗ phát triển tốt trong điều kiện thời tiết lên đến 38 0 C

Nhưng xuất phát điểm của anh là những kỹ thuật, tư liệu tích góp từ trên mạng. Sau hơn 2 năm kiên trì “online” và tự học trồng nấm từ các trang mạng về kỹ thuật nông nghiệp, anh thử nghiên cứu mày mò và nhiều lần... thất bại. “Trồng nấm linh chi” là từ khóa luôn được anh cập nhật và tự phân tích, chọn lọc kinh nghiệm và phương pháp trồng nấm, đặc biệt là cách trồng nấm hoàn toàn tự nhiên từ thân gỗ.

Tham khảo từ những người trồng nấm linh chi dược liệu, đặc biệt là nuôi trồng tự nhiên trên thân gỗ, anh nhận ra nếu có thất bại thì chủ yếu vẫn do quy trình kỹ thuật, từ khâu ủ bịch phôi, độ ẩm, nhiệt độ, cấy giống... Với anh, tất cả các khâu đều quan trọng và cần thiết phải kỹ lưỡng như nhau. Đúc kết qua quá trình “tự học”, anh tự rút tỉa kinh nghiệm: để ngăn ngừa sâu bệnh khi trồng linh chi hoàn toàn tự nhiên, khâu vệ sinh xung quanh trại nấm phải được đảm bảo, không để gần chuồng trại gia súc, gia cầm. Trước thu hái khoảng 1 tháng, phải ngưng phun tưới hơi sương để giữ nguyên bào tử trên nấm, đảm bảo dược tính cao nhất khi nấm đến tay người dùng.

Hiện tại, bên cạnh nấm linh chi dược liệu, anh Hùng ươm 9.000 phôi nấm bào ngư và cung cấp thêm bịch phôi cho các hộ nông dân. Nếu tính cả dịch vụ cung cấp bịch phôi và bán nấm linh chi thương phẩm, mỗi năm anh thu vào khoảng 200 triệu đồng trên diện tích chỉ khoảng 400 m2, sau khi khấu trừ chi phí. Sau vụ thứ nhất giữa mùa nắng nóng, anh Hùng tiếp tục trồng vụ nấm thứ 2 (tháng 10 năm nay cho đến tháng 3 năm sau) với điều kiện thời tiết thuận lợi hơn. Với năng suất thu khoảng 25 kg nấm linh chi trên 1.000 phôi nấm, anh tự tin về khoản đầu ra vì hiện nguồn cung không đủ cầu.

An Dy - Huy Đạt

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/linh-chi-trai-mua-1017389.html