Lính Biên phòng ở miền biên cương 'trắng'

Thật khó có thể hình dung về vùng đất mà 1 năm có tới 9 tháng mưa, 3 tháng còn lại ngày mưa nhiều hơn ngày nắng. Nằm trên đỉnh Trường Sơn, giữa bồng bềnh mây trắng, không một mái nhà dân, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh, BĐBP Kon Tum vẫn sống vui, sống khỏe, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 532, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Thanh và Đại đội Bảo vệ biên giới 532 thăm hỏi bà con bản Đắk Ba, Lào. Ảnh: Trúc Hà

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Thanh và Đại đội Bảo vệ biên giới 532 thăm hỏi bà con bản Đắk Ba, Lào. Ảnh: Trúc Hà

Hồi sinh một vùng đất

Những người già ở xã Đắk Blô (huyện Đắk Glei) kể, từ lâu lắm rồi, ở chỗ Đồn Biên phòng Sông Thanh đóng quân bây giờ có 2 làng người Giẻ sinh sống bằng săn bắt, hái lượm trong rừng. Một trận dịch bệnh hoành hành đã cướp đi sinh mạng gần như của cả làng. Một số người ít ỏi sống sót cũng bỏ làng đi nơi khác. Từ đó, người dân ở vùng dưới cũng không dám qua lại cho đến khi những người lính Biên phòng về đây xây đồn, dựng trạm. Đường vào đơn vị chỉ hơn chục cây số, đã 4 năm thi công, nhưng con đường vẫn làm khổ cả người đi bộ.

Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thịnh, lái xe của đơn vị bày tỏ: “Em nhận xe được hơn 1 năm, nhưng số lần xe đỗ ở sân đồn đếm chưa quá 1 bàn tay. Chỉ huy trưởng mấy lần lên đơn vị, nhưng vẫn phải đi bộ vào đồn đấy”. Thế nên, bao năm nay, nơi đây là vùng biên cương “trắng”, vì chỉ có rừng, gió, mưa, mây trắng và lính Biên phòng.

Đồn trưởng Nguyễn Tiến Dũng vốn là giáo viên của Trường Trung cấp Biên phòng 2, xa tận Bà Rịa - Vũng Tàu nên có nhiều thời gian gắn bó với đơn vị. Anh bảo, mặc dù không quản lý địa bàn có dân, nhưng công việc không vì thế mà nhàn nhã. Quản lý, bảo vệ 16,5km đường biên giới, 8 cột mốc, nhưng địa hình ở đây vô cùng hiểm trở, dốc cao, vực sâu. Nếu không có việc đột xuất thì cứ 1 tuần đi tuần tra 1 lần, 2 tuần lại đi thông tuyến tuần. Đường về xuôi có thể bị chia cắt, nhưng đường lên biên giới lúc nào cũng phải thông. Đường chưa xong, khe vẫn chưa có cầu nên mùa mưa, bộ đội vẫn hành quân bộ, buộc mình vào dây để bơi gùi thực phẩm qua.

Đồn Biên phòng Sông Thanh được khởi công từ năm 2004, nhưng đến năm 2014 mới hoàn thành. Có chỗ ăn, ở cơ bản, anh em tập trung tăng gia sản xuất. Từ đồn trưởng, chính trị viên đến chiến sĩ cứ có thời gian lại cùng nhau thu dọn đá hòn, đá tảng để lấy mặt bằng. Thiên nhiên như thử lòng người vì đất ở đây chủ yếu là cát nên việc tăng gia không hề dễ. Phân xanh, phân chuồng được mang ra ủ, làm xốp, nhưng cũng chỉ qua mùa mưa là lại phải làm lại từ đầu. Thế nhưng, nhìn trong bếp, bí xanh, bí đỏ chất cao ngất đủ để thấy công sức bộ đội.

Trung tá Vũ Xuân Hoàng, Chính trị viên phó cho biết: “Cả năm có 3 tháng ngày mưa nhiều hơn ngày nắng, chúng tôi tranh thủ trồng bí đỏ, bí xanh để dành cho 9 tháng còn lại, mùa mưa chỉ trồng được rau lang và rau dớn (một loại rau rừng). Khí hậu khắc nghiệt là vậy, nhưng chúng tôi vẫn phải phát triển đàn bò, lợn, gà lúc nào cũng duy trì trên dưới trăm con. Đàn lợn của đơn vị không có lợn đực, bởi sau mỗi lứa đẻ khoảng 1 tháng là “thanh lọc” làm quà cho các đơn vị xung quanh vì “nhiệm vụ giúp lợn cái sinh sản” đã có lợn rừng. Khi lợn nái chửa “mất tích” cũng không phải lo lắng đi tìm, chỉ nửa tháng sau, lợn mẹ sẽ dẫn 1 đàn con sọc dưa về. Đôi khi, một vài con lợn rừng “cả gan” theo đàn về đồn”.

Tấm lòng Việt ở đất Lào

Quản lý địa bàn chỉ có rừng và rừng, cách xa dân, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh lại có “những người anh em ở bên kia biên giới” ở rất gần và rất đỗi thân thương. Năm 2014, Đồn Biên phòng Sông Thanh và Đại đội Bảo vệ biên giới 532 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, Lào kết nghĩa anh em, thêm cơ sở pháp lý để có điều kiện giúp đỡ nhau nhiều hơn. Việc giúp đỡ không chỉ dừng lại ở giữa những người lính với nhau mà còn giúp đỡ cả những người dân Đắk Ba của bạn Lào khi hằng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng Sông Thanh đều trích quỹ vốn tăng gia, kêu gọi các tổ chức, cá nhân dành những phần quà tặng cho bà con.

Khi Đồn Biên phòng Sông Thanh triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”, các anh đã nhận đỡ đầu Kê Si - một học sinh Lào ở bản Đắk Ba, có cha nguyên là lính Biên phòng Việt Nam. Điều đó khiến tôi nhớ đến câu nói nằm lòng về tình hữu nghị Việt - Lào: “Mối tình ấy cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn ánh trăng rằm và thơm hơn đóa hoa thơm nhất”. Và khi được ở giữa những người đồng chí trên đất nước Lào lại càng hiểu giá trị của câu nói ấy.

Tăng gia ở Đồn Biên phòng Sông Thanh. Ảnh: Y Leng

Thấy tôi thích thú với món xôi Lào đựng trong kíp khẩu được đan bằng nan tre, Đại úy Xi-xa-vanh, Chính trị viên phó Đại đội Bảo vệ biên giới 532 mang đến nửa bao gạo nếp. Anh nói: “Gạo lấy từ kho của đơn vị đấy. Mang về để ăn và chia cho hàng xóm. Em hãy nói với mọi người, đây là quà của bộ đội Lào nhé!”. Lời nói ấy khiến tôi không thể từ chối, dù biết rằng mình không thể vác theo bao gạo đi cả nghìn cây số. Đứng bên cạnh thấy vậy, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng cũng “giao nhiệm vụ”: “Cuộc sống, tình cảm của bộ đội Lào, bộ đội Việt đều biết rồi. Em viết gì thì viết, nhưng phải đưa hết được tên, quân hàm, chức vụ của mọi người lên báo đấy!”, Hơn chục năm làm nghề, đi biên giới, chưa khi nào tôi nhận “nhiệm vụ” đặc biệt đến thế!

Chủ không muốn khách về, khách lại cứ nấn ná nên chào đến lần thứ 5, chúng tôi mới về đến trạm kiểm soát Biên phòng để lên xe về tỉnh. Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thịnh, tuổi đời còn trẻ, nhưng tính cách rất điềm đạm. Thịnh được tăng cường vào Kon Tum theo Chỉ thị 14, đến nay sắp hết 3 năm nên hỏi tôi: “Chia tay thì mua quà gì tặng đồn ý nghĩa, chị nhỉ?”.

Tôi cười, bảo rằng: “Nghe nói con gái Giẻ Triêng ở đây khi đi lấy chồng sẽ mang theo cả chục khối củi giẻ đã chẻ, bó sẵn rất đẹp. Lấy BĐBP chắc nhà gái phải mang theo cả trăm khối. Được thế thì em có vợ mà anh em trong đơn vị 1 năm không phải đi lấy củi. Chẳng quà nào hơn quà ấy đâu”. Nghe câu trả lời, Thịnh đang nghiêm túc cũng phì cười, tay lái lượn theo con đường tuần tra biên giới đang mùa đẹp nhất trong năm.

Trúc Hà - Y Leng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/linh-bien-phong-o-mien-bien-cuong-trang/