Lính biên phòng chặt tre dựng lán, chốt chặn biên giới chống dịch

Hàng trăm cây tre, nứa được những người lính biên phòng Quảng Trị đẽo nhẵn, chuyền tay nhau đưa về các lán trại dọc tuyến biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.

Sau 15 ngày kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh đầu tiên nhiễm Covid-19, ngày 25/8, tỉnh Quảng Trị chính thức thay đổi biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thay đổi này phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại địa phương bởi đến thời điểm này, đã gần 20 ngày Quảng Trị không phát hiện thêm ca nhiễm bệnh mới. Tuy nhiên, với những người lính biên phòng – lực lượng tuyến đầu chống dịch, cuộc chiến với dịch Covid-19 sẽ còn phức tạp, kéo dài và họ đang phải ngày đêm căng mình chốt chặn.

Với chiều dài biên giới trên đất liền gần 180km tiếp giáp với nước bạn Lào, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Trị phải luân phiên nhau “ăn lán, ngủ rừng” để trực chốt chặn kiểm dịch.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn – Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị cho biết, từ thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, BĐBP tỉnh Quảng Trị đã phải huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24h dọc tuyến biên giới, vừa làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới vừa thực hiện công tác chống dịch.

“Có những thời điểm quan trọng, chúng tôi phải huy động hơn 1/4 quân số của toàn lực lượng để thay nhau chốt chặn, đảm bảo chống dịch.

Biên giới Quảng Trị tiếp giáp với nước bạn Lào có địa hình đồi núi hiểm trở, ngoài 2 cửa khẩu lớn là La Lay và Lao Bảo thì dọc tuyến có nhiều cửa khẩu phụ và đường mòn, lối mở, người dân thường xuyên qua lại.

Chính vì thế, để đảm bảo tốt công tác kiểm soát người và phương tiện qua về giữa 2 nước trong mùa dịch, chúng tôi phải bố trí 103 chốt chặn dọc tuyến biên giới, trong đó có 84 chốt cố định và 23 chốt cơ động với sự phối hợp, hỗ trợ của 120 dân quân, công an các xã vùng biên giới”, Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn nói.

Cũng theo Chính ủy BĐBP Quảng Trị, nói là chốt cố định nhưng thực tế, do điều kiện địa hình hiểm trở, nguồn kinh phí hạn hẹp nên hầu hết các chốt kiểm soát được dựng tạm bợ, vận dụng nguồn nhân lực tại chỗ và sự chung tay giúp đỡ của người dân.

Chặt tre, làm lán, trường kỳ chống dịch

Xác định công tác chống dịch Covid-19 là cuộc chiến khó khăn, lâu dài, lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị tuyến núi chủ động gia cố, dựng các lán trại đảm bảo kiên cố; chủ động khai thác vật liệu tại chỗ như tre, tranh... để tổ chức tốt hơn cho đời sống, sinh hoạt của bộ đội nhất là trước mùa mưa bão.

Tại các chốt thuộc Đồn BP Thanh, Đông BP Thuận, Đồn BP Hướng Lập…, lán trại đã được tổ chức bố trí quy mô hơn, có khu sinh hoạt, bếp và khu chăn nuôi riêng biệt.

Lán để ở được dựng theo kiểu nhà sàn đảm bảo thoáng, mát, tránh ngập lụt, chống các loại rắn, rết, côn trùng nguy hiểm.

Theo Đại úy Nguyễn Tuấn Anh – Phó đồn trưởng Đồn BP Thuận, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị, ngay từ thời điểm xảy ra dịch bệnh, Đồn BP Thuận đã tập trung xây dựng 15 chốt kiểm soát, duy trì thường trực gần 50 cán bộ chiến sĩ đảm bảo công tác kiểm soát dọc tuyến biên giới.

“Trong số đó, có những cán bộ chiến sĩ, đã gần nửa năm rồi không thể về nhà. Vợ chồng, cha con gặp nhau cũng chỉ qua vài lời hỏi thăm trên điện thoại.

Cực khổ, vất vả là vậy nhưng chúng tôi xác định, tuyến đầu có “chắc” thì hậu phương mới “vững”, không thể kiểm soát kiểu lỏng lẻo được”, Đại úy Tuấn Anh cho hay.

Những ngày qua, những người lính biên phòng đang công tác tại các đồn Hướng Lập, cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu La Lay…không quản ngại khó khăn, gian khổ luân phiên nhau khai thác các nguyên vật liệu tại chỗ để củng cố lán trại, tăng cường công tác chống dịch.

Được sự hỗ trợ của người dân địa phương, hàng trăm cây tre, tranh, nứa được các chiến sĩ biên phòng “lùng sục”, đẽo nhẵn, chuyền tay nhau về dựng hàng chục lán trại.

Thiếu tá Trần Thái Sơn – Quyền đồn trưởng Đồn BP Hướng Lập chia sẻ, ngay khi có chủ trương gia cố các chốt kiểm soát, lực lượng biên phòng Quảng Trị đã nhận được nhiều tình cảm của chính quyền địa phương, bà con dân bản.

“Người dân hiểu được những khó khăn, vất vả của lực lượng chống dịch nơi đầu tuyến biên giới nên họ chủ động cho cán bộ, chiến sĩ vào vườn chặt tre tranh, nứa để gia cố lán trại.

Công tác kiểm soát biên giới khó khăn gấp nhiều lần khi dịch Covid-19 tái bùng phát. Tuy nhiên, những người tuyến đầu chống dịch như chúng tôi luôn cố gắng vượt qua khó khăn, ý thức được trách nhiệm của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thiếu tá Sơn tâm sự.

Quang Thành

Để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo ngay từ đầu chiến tuyến, nhiệm vụ canh gác, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép cần được làm tốt hơn nữa, Báo VietNamNet kết hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị kêu gọi các cơ quan Bộ, Ngành, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các nhóm từ thiện, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để có kinh phí xây dựng chốt bán kiên cố cho các cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại biên giới.

Tổng số lượng 20-30 chốt, mỗi chốt có thể phục vụ 4-5 cán bộ, chiến sĩ, bao gồm 1 đơn nguyên nhà 25m², 1 bếp + nhà vệ sinh 5m². Dự kiến chi phí mỗi chốt là 30 triệu đồng.

HÌNH THỨC ỦNG HỘ:

CHUYỂN KHOẢN VỚI NỘI DUNG

“Ủng hộ MS 2020.QuangTri01”

- Tại Việt Nam: Tài khoản Báo Vietnamnet – STK: 0011002643148 - Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam.

- Từ nước ngoài: Bank account VIETNAMNET NEWSPAPER - The currency of bank account: 0011002643148 - BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM - SWIFT code: BFTVVNV X

CHUYỂN TIỀN TỪ NƯỚC NGOÀI

“Ủng hộ MS 2020.QuangTri01”

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch

Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội

Swift code: ICBVVNVX126

Liên hệ Tòa soạn báo VietNamNet theo địa chỉ:

- Hà Nội: điện thoại 0923 457 788 – địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

- Tp.HCM: điện thoại 0962 237 788 – địa chỉ: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/chia-se/linh-bien-phong-chat-tre-dung-lan-chot-chan-bien-gioi-chong-dich-670497.html