Lĩnh bảo hiểm xã hội một lần lúc trẻ, rủi ro khi về già

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), người lao động nên cân nhắc kỹ việc xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bởi, lĩnh bảo hiểm xã hội một lần khi còn sức lao động đồng nghĩa với việc đã lấy tích lũy cho tuổi già để tiêu lúc trẻ.

Lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già

Theo báo cáo số liệu mới nhất về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 10-2018 của bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước trong tháng 10-2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,19 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 251 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 12,13 triệu người; BHYT là 82,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,25% dân số.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, toàn ngành đã giải quyết cho: 11.084 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 70.690 người hưởng trợ cấp một lần; 838.483 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 15,07 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 63.210 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.812 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Đáng lưu ý là xu hướng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.

Bàn về vấn đề này, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Lê Đình Quảng thừa nhận tình trạng người lao động ở độ tuổi ngoài 35 nhận bảo hiểm xã hội một lần đang có chiều hướng gia tăng.

Tại các doanh nghiệp dệt may, da giày hiện nay, do điều kiện lao động khắc nghiệt, những công nhân sau 35 tuổi không còn điều kiện sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc nên đã tự động rút khỏi thị trường lao động. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp chủ động đào thải lớp lao động ở độ tuổi này nhằm giảm chi phí về lương, về bảo hiểm xã hội.

Chia sẻ lo ngại về việc xu hướng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, tham gia bảo hiểm xã hội để tích lũy cho cuộc sống khi về già. Theo đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận bảo hiểm xã hội một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già của bản thân.

Theo thống kê ở Việt Nam, bình quân mỗi tháng có khoảng 2,8 triệu người đang được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với số tiền chi trả bình quân mỗi tháng hàng ngàn tỷ đồng.

Riêng trong năm 2017, tổng số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội là trên 270 ngàn tỷ đồng; 10 tháng đầu năm 2018, số tiền chi trả các chế độ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội là trên 252 ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quỹ bảo hiểm xã hội luôn được Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, sử dụng theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, an toàn.

Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không ngừng được cải tiến, đa dạng hóa hình thức chi trả (trả tiền mặt tại điểm chi trả, trả qua thẻ ATM, trả tại nhà với những người cao tuổi, sức khỏe yếu…); thời gian chi trả được rút ngắn và cố định hằng tháng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người hưởng lương hưu và trợ cấp hiểm xã hội hàng tháng.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/linh-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-luc-tre-rui-ro-khi-ve-gia/790002.antd