Lĩnh án sau 25 năm lẩn trốn

Sau 25 năm bỏ trốn, tưởng sự việc đã chìm vào quên lãng, nhưng Tuấn đâu ngờ rằng vẫn có ngày phải ra Tòa đền tội. Đối mặt với bản án 12 năm tù, Tuấn mới thấm thía và ân hận về quyết định sai lầm, dại dột của mình.

Vỏ bọc của hung thủ giết người

Suốt 25 năm trốn lệnh truy nã về tội giết người, Trần Thế Tuấn (SN 1968), trú tại xóm 1, thôn Vân Cốc, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (nay là thôn Vân Cốc 1, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vẫn sống ung dung với tên mới là Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1972) quê ở xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nhằm trốn tránh sự phát hiện, truy bắt của cơ quan Công an.

Tuấn cho rằng, dưới “vỏ bọc” khác, một cuộc sống khác và trở thành con người khác ở nơi núi rừng heo hút tại xã Xuân Đức, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang thì chỉ có... trời mới biết. Nhưng khi chiếc còng số 8 của lực lượng Công an khóa vào đôi tay của mình, Tuấn mới giật mình nghĩ đã tới lúc phải trả món nợ sau hơn hai mươi năm lẩn trốn.

 Trần Thế Tuấn tại tòa

Trần Thế Tuấn tại tòa

Theo cáo trạng, ngày 7/7/1993, Tuấn và anh Thân Đức Thưởng (SN 1972) ở cùng thôn xảy ra mâu thuẫn với nhau do tranh chấp diện tích ruộng canh tác tại cánh đồng thôn Vân Cốc 1, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Tuấn cho rằng anh Thưởng đắp bờ lấn sang ruộng nhà mình nên sắn đất đắp bờ lại. Tuấn vừa đắp bờ và có lời qua tiếng lại với anh Thưởng. Trong lúc đôi co, chỉ vì một chút thiếu kiềm chế, Tuấn đã dùng chiếc sào tre dài hơn ba mét chọc một nhát vào mắt trái anh Thưởng. Hậu quả làm anh Thưởng bị chết do vỡ hộp sọ, tổn thương não. Sau khi gây án, Tuấn nhanh chóng khăn gói lên đường lẩn trốn, bỏ lại sau lưng là người vợ trẻ, hai đứa con thơ dại cùng bố mẹ đã già yếu.

Sau những ngày tháng phiêu bạt ở Hà Giang, cuối cùng Tuấn tìm đến xã Xuân Đức (Bắc Quang) làm nơi sinh sống. Tuấn luôn sống khép kín và thường lảng tránh khi có ai đó hỏi đến quê hương bản quán.

Với vỏ bọc mới, sau 10 năm lang bạt nơi xứ người, năm 2002, Tuấn tiếp tục tiếp tục cưới vợ, sinh được hai con, rồi làm hộ khẩu, giấy tờ tùy thân, sống yên ổn với nghề trồng trọt và buôn bán tự do. Ban đầu, còn sợ bị lộ, Tuấn không dám đi đâu xa, không dám giao tiếp với ai mà chỉ quanh quẩn đi chặt củi, làm thuê cho người dân quanh vùng. Ở đây, Tuấn luôn thể hiện là một người đàn ông sống có trách nhiệm với gia đình, một công dân gương mẫu, tạo ấn tượng tốt được mọi người quý mến.

Ngần ấy thời gian trốn tránh, Tuấn cắt đứt toàn bộ liên lạc với người thân. Kể cả bố mẹ già, anh chị em ruột và vợ con ở quê nhà. Thậm chí khi bố chết, Tuấn không biết và cũng không thể về thắp một nén hương.

Đối mặt với bản án lương tâm

Trong thời gian ít ỏi chờ Hội đồng xét xử nghị án, giây phút Tuấn được quây quần bên gia đình khiến ai nấy đều thương cảm, xót xa. Tuấn không nghĩ rằng lúc này đây được gặp lại hai người vợ cùng bốn người con đã khôn lớn, những lời an ủi, động viên và sự tha thứ khiến Tuấn không thể cầm lòng.

Tại tòa Tuấn cho biết: Trốn truy nã nặng nề nhất có lẽ là cái tâm, chẳng lúc nào bản thân có một giấc ngủ ngon lành. Những cơn mê sảng, nỗi nhớ gia đình, sự ân hận cứ ám ảnh, giày vò khôn nguôi.

Sau thời gian nghị án, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bắc Giang nhận định hành vi của Tuấn là nguy hiểm, có tính chất côn đồ, sau khi gây án lại bỏ trốn và bị lệnh truy nã, gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án. Tuy nhiên, Tuấn được đại diện gia đình bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, gia đình có công cách mạng, bản thân có nhân thân tốt. Sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định tuyên phạt Tuấn 12 năm tù về tội “Giết người”.

Chí Dũng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-dinh/toa-tuyen-an/linh-an-sau-25-nam-lan-tron-271422.html