'Lịm tim' với cung đường hiểm trở, mộng mơ của đèo Ngang

Dài 6km, cao 256m so với mực nước biển, đường dốc quanh co, hiểm trở, khó đi. Đây cũng là điểm trấn thủ quan trọng dưới thời Nguyễn, đặc biệt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đèo Ngang là nơi chứng kiến bao cuộc chiến đấu anh dũng...

 Đèo Ngang nằm trên dãy núi Hoành Sơn - dải núi chạy từ dãy Trường Sơn phía tây đâm ngang ra tới biển Đông.

Đèo Ngang nằm trên dãy núi Hoành Sơn - dải núi chạy từ dãy Trường Sơn phía tây đâm ngang ra tới biển Đông.

Qua những thăng trầm của lịch sử, ngày nay đèo Ngang là ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh (phía Bắc, thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) và tỉnh Quảng Bình (phía Nam, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).

Đèo Ngang có chiều dài 6km, cao 256m so với mực nước biển, đường dốc quanh co, hiểm trở, rất khó đi.

Đèo Ngang qua dãy Hoành Sơn được xây dựng năm 992, dưới sự chỉ đạo của một vị quan đại thần thời tiền Lê.

Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài - Đàng Trong (1570 - 1786), sông Gianh thuộc Quảng Bình là ranh giới phân chia Nam - Bắc, nhưng chốt án ngữ quan trọng của quân Trịnh ở bờ bắc chính là đèo Ngang.

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập nên triều Nguyễn và đóng đô ở Phú Xuân (Huế) đèo Ngang với dãy Hoành Sơn vẫn là một điểm trấn thủ quan trọng ở mặt Bắc.

Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang. Năm Mậu Tuất (1838), vua cho đúc 9 đỉnh đồng lớn (cửu đỉnh) đặt ở Đại Nội (Huế), hình tượng Hoành Sơn - đèo Ngang được chọn khắc vào “Huyền đỉnh”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đèo Ngang là nơi chứng kiến bao cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của lực lượng thanh niên xung phong và bộ đội công binh ngày đêm bám trụ để giữ cho mạch máu giao thông thông suốt.

Mặc dù có lịch sử bi hùng nhưng đèo Ngang vẫn được coi là con đèo đậm chất thi ca lãng mạn nhất Việt Nam, là cảm hứng của bao văn nhân thi sĩ. Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, vua Thiệu Trị, Nguyễn Hàm Ninh, Bà huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát… đã lưu dấu tại đèo Ngang với những tuyệt phẩm thơ cổ.

Ngày nay, đã có một đường hầm xuyên đèo, dài gần 500m, được xây dựng hiện đại và kiên cố với 6 làn xe lưu thông, song có rất nhiều người vẫn giữ thói quen đi qua đèo để tận hưởng sự khoáng đạt của cây cỏ đất trời, để cảm nhận những thanh âm trong trẻo từ tự nhiên đầy thi vị.

Mời độc giả xem video:Lái xe đi lùi trên cao tốc, nữ tài xế bị phạt 17 triệu đồng Nguồn: THDT.

Thu Hà (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/ta-tay/lim-tim-voi-cung-duong-hiem-tro-mong-mo-cua-deo-ngang-1541367.html