LILAMA: Xuất khẩu dịch vụ lao động lãi 'kép'

Mới đây, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã gần như hoàn tất các hạng mục công việc đối với hợp đồng gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí cho Dự án Nhà máy phân bón A/U tại Vương quốc Brunei Darrusallam. Việc ký kết và thực hiện thành công hợp đồng này đã mở ra một hướng đi mới, không chỉ dừng lại ở xuất khẩu lao động thông thường mà hướng tới nâng cao giá trị, đó là xuất khẩu dịch vụ lao động.

"Mang chuông đi đánh xứ người"

Đây là dự án đầu tiên của Lilama thực hiện ở nước ngoài theo hình thức trọn gói. Cụ thể, ngày 4/7/2018, tại Vương quốc Brunei Darrusallam, Tổng công ty Lilama đã ký kết hợp đồng cho dự án Nhà máy phân bón A/U với Tổng thầu Thyssenkrupp Industrial Solution AG (tkIS) - Đức. Dự án có tổng mức đầu tư 1.3 tỷ USD. Công suất 2.200 tấn NH3/ngày và 3.900 tấn đạm urea/ngày.

Pha cắt thép bồn cho dự án được thực hiện tại Nhà máy Chế tạo thiết bị và kết cấu thép Bắc Ninh

Pha cắt thép bồn cho dự án được thực hiện tại Nhà máy Chế tạo thiết bị và kết cấu thép Bắc Ninh

Theo hợp đồng ký kết, Lilama thực hiện gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí, chiếm khoảng 80% phần công việc cơ khí của dự án và có thể tăng thêm trong quá trình thực hiện. Tiến độ thi công dự kiến từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2020 (23 tháng). Tính đến thời điểm hiện tại, hầu như các khối lượng công việc Lilama đảm nhận đều đã hoàn thành đúng tiến độ.

Đây là dự án đầu tiên của Lilama và cũng là nhà thầu đầu tiên của Việt Nam thực hiện dự án với phạm vi công việc hoàn chỉnh gồm: Cung cấp vật tư, sắp xếp và cung ứng nhân lực, máy móc và thi công công trình ở nước ngoài.

Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn đánh giá, đây là dự án có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ và đặc biệt là công tác an toàn trong thi công. Tại thời kỳ cao điểm, Lilama huy động đến 1.500 nhân công tham gia thi công và nguồn nhân lực thực hiện lắp đặt tại Brunei đều lấy từ các công ty thành viên của Lilama. Trong đó, phần chế tạo thiết bị cho dự án chủ yếu đặt tại Nhà máy chế tạo thiết bị và kết cấu thép Bắc Ninh và Xưởng gia công, chế tạo Phà Rừng (Hải Phòng) thuộc Công ty Cổ phần Lilama 69-1 (đơn vị thành viên của Lilama).

Mở ra hướng đi mới

Theo Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn, thành công của dự án này đã mở hướng đi mới cho Lilama trong công tác xuất khẩu dịch vụ lao động. Không chỉ xuất khẩu lao động thông thường mà Lilama sẽ đứng ra ký một hợp đồng trọn gói với đối tác về xây lắp, tự trả lương, thuê máy móc nhân công thiết bị, bố trí ăn ở… cho người lao động.

"Thực tế, khi bắt tay vào ký kết dự án tại Brunei, Lilama chỉ xác định lấy kinh nghiệm "chinh chiến", không xác định lợi nhuận, chỉ cần hòa đã là thắng. Tuy nhiên đến hiện tại, khi các hạng mục công việc gần hoàn tất, Lilama có thể tự tin khẳng định đã "lãi kép": Lãi về thu nhập và lãi về kinh nghiệm" - Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Trong thời gian tới, Lilama xác định hướng phát triển mảng xuất khẩu dịch vụ lao động. Thực tế tại các nước có nền công nghiệp nặng phát triển như Hàn Quốc với một số tên tuổi lớn như: Doosan, Samsung… cũng xuất phát điểm từ công tác xuất khẩu lao động. Sau đó đi theo hướng xuất khẩu dịch vụ và tiến tới tổng thầu EPC các công trình lớn ở nước ngoài.

"Từ thực tế này, Lilama nhận thức, nếu không tự nâng cao trình độ thì mãi sẽ chỉ dừng lại ở việc đi làm thuê với giá nhân công thấp. Thành công của dự án đánh dấu bước tiến quan trọng vươn ra quốc tế và mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác cho Lilama trong tương lai" - ông Tuấn nhìn nhận và cho biết, thời gian tới Lilama sẽ triển khai tiếp những mô hình xuất khẩu dịch vụ lao động tương tự.

Hiện tại, Công ty Cổ phần Lilama 18 (đơn vị thành viên của Lilama) đang tiếp tục thương thảo hợp đồng lắp đặt một nhà máy điện tại Bangladesh.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lilama-xuat-khau-dich-vu-lao-dong-lai-kep-143557.html