LILAMA 18 - gần nửa thế kỷ hoạt động trên thành phố mang tên Bác

Mùa thu năm 1977, sau 2 năm Sài Gòn vừa giải phóng, mọi thứ đang được xây dựng, sắp xếp lại theo guồng máy mới dưới chế độ XHCN Việt Nam thống nhất. Công ty Lắp máy 18 là một trong những đơn vị đầu tiên được Bộ Xây dựng biệt phái vào Nam để kiến thiết, tu chỉnh và xây dựng những công trình mới. Các đồng chí Hứa Văn Yến, Trương Nam Sơn - nguyên cựu chiến binh chống Pháp tập kết ra Bắc năm 1955 đều là những chiến sĩ công binh xưởng được phân bổ về ngành Lắp máy Việt Nam đồng thời là những người dẫn đầu đội quân tinh nhuệ như kỹ sư Lê Tuấn Điện, Anh hùng Lao động thợ hàn Đỗ Trọng Tiên, thợ điện Đặng Như Thứ, kỹ sư Nguyễn Lân, cùng kỹ thuật và công nhân gia công chế tạo, thợ hàn cao áp và thợ lắp thiết bị… vô Nam, lấy số nhà 9/19 Hồ Tùng Mậu làm trụ sở và lập nên xí nghiệp mang tên Xí nghiệp Lắp máy 18 (trực thuộc Công ty Lắp máy nay là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam LILAMA - CTCP).

Tổ hợp chân đế giàn khoan dầu khí Vũng Tàu.

Tổ hợp chân đế giàn khoan dầu khí Vũng Tàu.

Ngay từ bước khởi đầu, những người thợ LILAMA 18 được nhận một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bức thiết. Đó là việc phục hồi lại Nhà máy Xi măng Hà Tiên. Công trình này do một công ty của Pháp đầu tư hồi trước giải phóng, tới năm 1979 đã bị giặc Pôn Pốt tràn sang tàn phá tan hoang. Việc phục hồi, xây dựng lại nhà máy có công suất 1 triệu tấn xi măng/năm là điều cấp thiết nhất thời điểm ấy, bởi lẽ cả miền Nam lúc đó chưa có nơi nào sản xuất xi măng mà hầu hết phải nhập ngoại. Một số chuyên gia điện, cơ khí… được triệu hồi từ Công ty Lắp máy Hà Nội vào chi viện cùng hàng trăm kỹ thuật, công nhân LILAMA 18 dọn dẹp, sắp xếp lại các thiết bị, máy móc từ đống đổ nát hoang tàn trên mặt bằng nhà máy cũ. Và, thật chẳng ai có thể ngờ rằng chỉ sau 2 năm, những cán bộ, kỹ sư, công nhân LILAMA 18 đã hoàn tất công tác lắp ráp, hiệu chỉnh, chạy thử thành công, đưa vào sản xuất những tấn xi măng đầu tiên tại cực Nam của Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Từ thành công này, thương hiệu của LILAMA 18 đã có chỗ đứng đối với một số nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định xây dựng mới một số nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn nhằm vào nguồn nguyên vật liệu lớn trong khu vực. Tiếp đó, đơn vị đã ký kết một chuỗi các dự án xây dựng các nhà máy xi măng công suất lớn như: Dự án Morning Star (Hòn Chông); Dự án xi măng Kiên Lương mở rộng… do các công ty của Nhật Bản và Đài Loan đầu tư. Hơn 10 năm hoạt động tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, LILAMA 18 đã nhận thầu xây dựng các Nhà máy đường Phụng Hiệp (Cần Thơ), Nhà máy đường Bến Tre, Nhà máy xay sát ngã 7 Sóc Trăng…

Một thành công xuất sắc đáng ghi nhận không chỉ riêng LILAMA 18 mà cho chính toàn Ngành Lắp máy Việt Nam là những chiến tích tại cảng Dầu khí Vũng Tàu từ thâp niên 80 đến năm 2010. LILAMA 18 đã sẵn sàng đảm nhận việc tổ hợp và chế tạo thành công nhiều chân đế giàn khoan đủ các cỡ đưa ra lắp đặt tại vị trí khai thác dầu khí ngoài biển khơi Vũng Tàu do Công ty Liên doanh Vietsopetro hợp tác khai thác. Thật chẳng đơn giản chút nào, vì lúc đó ở nước ta chưa có đơn vị nào làm chân đế giàn khoan bao giờ! Nhưng nếu không mạnh dạn đương đầu với khó khăn thử thách này mà phải đi đặt chế tạo thiết bị từ nước ngoài đem về thì giá thành của những tấn dầu thô sẽ đội cao lên bao nhiêu? Sự thành công về nội lực ấy đã làm yên lòng nhà đầu tư cũng là sự khẳng định năng lực của thợ Lắp máy 18 từ ấy. Ngày nay, công nghệ tiên tiến đã thay đổi nhiều, song không chịu dừng lại ở hệ thống giàn khoan đơn giản, LILAMA 18 đã nghiên cứu và thương thảo với Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam nhận chế tạo các giàn khoan nổi có thể di động để dễ dàng neo đậu bất kỳ nhằm tìm kiếm, thăm dò phát hiện trữ lượng dầu khí dưới đáy biển…

Công ty LILAMA 18 có trụ sở chính đóng tại quận 1, TP.HCM từ năm 1977 cho đến nay. Hơn 80% tổng số CBCNV đều là người phía Bắc vào dựng nghiệp, hiện tại vẫn đang tiếp tục ổn định công tác và xây dựng mái ấm gia đình nơi đây. Mùa thu năm 2020 này, LILAMA 18 vừa tròn 43 năm thành lập - lứa tuổi đầy sinh lực, tươi trẻ và tràn đầy nhựa sống. Lớp cán bộ quản lý kế thừa những người tiền nhiệm vừa năng động, sáng tạo, vừa có nghị lực và quyết đoán, tiêu biểu là Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn, một người dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đối mặt với cam go, thử thách, rủi ro. Hàng chục năm trước người ta đã biết đến Lê Văn Tuấn vì ông đã tạo dựng được niềm tin với các nhà đầu tư và thành công trong các dự án do người nước ngoài làm chủ, đó là việc nhận chế tạo thiết bị Nhà máy Xi măng Chin Fong (Hải Phòng), hay chế tạo toàn bộ thiết bị cơ khí tại Dự án Xi măng Nghi Sơn (Nghệ An); rồi tới nhà máy Đường Bourbon (Tây Ninh), và những năm gần đây chính Lê Văn Tuấn được cấp trên chỉ định làm Chỉ huy trưởng lắp thiết bị toàn bộ công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia…

Thi công Nhà máy Xi măng Hòn Chông (Kiên Giang).

Từ năm 2005 đến nay, Anh hùng Lao động Lê Văn Tuấn thôi chức vụ giám đốc đơn vị LILAMA 18 và được cấp trên điều động bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty LILAMA - CTCP tại Hà Nội.

Đây cũng là thời điểm mà LILAMA 18 vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng bằng việc trúng thầu thi công nhiều dự án lớn cấp Nhà nước như Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai); tham gia lắp đặt thiết bị Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi); tham gia tổ hợp và lắp đặt khu lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa); đặc biệt là hoàn thành xuất sắc gói thầu xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh). Về phía nam miền Trung, LILAMA 18 là nhà thầu thi công Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), Nhà máy Thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng). Tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ, LILAMA 18 đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét bằng việc thi công nhanh, gọn, chất lượng một khu liên hợp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Và mới đây tại thị trấn Cái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang) các lực lượng LILAMA 18 đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ tại dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 1.200 MW do Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam làm chủ đầu tư trong đó LILAMA 18 là nhà thầu lắp đặt thiết bị toàn bộ. Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, lò hơi số 1 Nhà máy đã đốt lửa an toàn thành công. Đây là mốc quan trọng quyết định cho tiến trình làm sạch các đường ống sinh hơi của lò hơi, cân, hiệu chỉnh các thiết bị như quạt gió, bơm cấp nước… hướng tới ngày khởi động tổ máy 1 của Nhà máy vào tháng 11/2020 đưa lên lưới điện Quốc gia.

Vốn là đơn vị có thế mạnh về chế tạo và lắp đặt thiết bị, LILAMA 18 luôn luôn quan tâm đến việc đầu tư thiết bị, máy móc và xây dựng những nhà xưởng trên phạm vi các chi nhánh hoặc xí nghiệp trực thuộc nhằm chế tạo thiết bị cung ứng kịp thời cho những dự án khu vực như: Xưởng cơ khí Kiến Lương, Nhà máy Chế tạo cơ khí Vũng Tầu và Nhà máy Cơ khí Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Gần 1/2 thế kỷ lao động trong thương trường cạnh tranh đầy gian khổ và khắc nghiệt, 43 năm tồn tại và phát triển để giữ vững thương hiệu của nghề chế tạo và lắp thiết bị chuyên ngành ở phía Nam Tổ quốc, LILAMA 18 xứng danh là DN hàng đầu của ngành Lắp máy Việt Nam anh hùng thời đổi mới, lập thành tích chào mừng 60 năm ngày thành lập ngành Lắp máy Việt Nam 01/12/1960 - 01/12/2020.

Lê Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/lilama-18-gan-nua-the-ky-hoat-dong-tren-thanh-pho-mang-ten-bac-287824.html