Liệu Việt Nam đã sẵn sàng để triển khai 5G?

Thế hệ thứ 5 của công nghệ viễn thông di động (5G) với băng thông rộng, độ trễ thấp, tốc độ cao… sẽ trở thành trụ cột của nền kinh tế số và được ứng dụng vào nhiều ngành nghề khác nhau. Với mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu về triển khai 5G, Việt Nam đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng viễn thông, thúc đẩy R&D trong nước và sản xuất thiết bị 5G.

Hiện trạng 4G tại Việt Nam

Các nhà mạng Việt Nam phổ cập 4G vào năm 2017. Ảnh: VietnamPlus

Mặc dù 4G đã được triển khai trên toàn cầu từ năm 2009, nhưng tới năm 2016, Việt Nam mới cấp phép cho các nhà mạng khai thác băng tần 1800MHz và 2600MHz. Tới nay, tỷ lệ sử dụng kết nối viễn thông tốc độ cao đã đạt 96% dân số. Trong đó, 51,2 triệu người dùng mạng 3G và 13 triệu người dùng mạng 4G.

Theo báo cáo của OpenSignal 2018, Việt Nam đã phủ sóng 4G trên 71,6% vùng lãnh thổ, xếp sau các nước láng giềng trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei và Indonesia. Các điểm phát sóng 4G tập trung ở khu đô thị như thành phố và thị trấn cỡ trung bình.

Về tốc độ, Việt Nam ở mức 21,49 Mbps nhanh hơn quốc gia phát triển như Mỹ và chỉ xếp sau Singapore, nước có tốc độ kết nối 4G cao nhất thế giới. Tuy nhiên, lưu lượng dữ liệu cho mạng 4G trên băng thông rộng 1800 MHz thấp hơn so với nhu cầu, gây ảnh hưởng tới tốc độ thực tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, kết quả việc chậm triển khai 4G là chi phí đầu tư cao hơn mức cho phép của ngân sách nhà nước. Việt Nam, tương tự như nhiều quốc gia khác đang gặp khó khăn khi triển khai đầy đủ 4G. Báo cáo ở các quốc gia Châu Âu và Nam Mỹ đã cho thấy doanh thu giảm khi phổ cập 4G, mặc dù đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng.

5G sẽ đem lại lợi ích như thế nào?

5G mang tới tiềm năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế và cuộc sống người dân thông qua cơ sở hạ tầng kết nối kỹ thuật số mạnh mẽ. Đây là nền tảng cơ bản của Công nghiệp 4.0, cho phép triển khai hệ thống Internet Vạn vật (IoT) với quy mô lớn và tăng cường hiệu suất của các công nghệ khác.

Tuy nhiên, để đạt được tốc độ 5G trên lý thuyết, các quốc gia triển khai 5G cần phải giải bài toán chi phí đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Tại Việt Nam, ước tính tỷ lệ doanh thu trên mỗi người dùng của nhà mạng chưa tới 5 USD, còn rất khiêm tốn so với các quốc gia khác.

Giám đốc Quản lý Windsor Place Consulting, ông Scott W Minehane đề xuất: "Việt Nam cũng như các quốc gia có doanh thu trên người dùng của các nhà mạng còn khiêm tốn, cần sử dụng tần số thấp hơn. Qua đó, 5G mới có mức chi phí chấp nhận được".

Hà Nội nằm trong danh sách các thành phố thông minh của Đông Nam Á. Ảnh: Aseancity

Do tác động của 5G đối với IoT, các thành phố thông minh sẽ có lợi nhất nếu thế hệ thứ 5 của công nghệ viễn thông di động được triển khai. Lợi ích của 5G cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương mại điện tử, y tế và sản xuất.

5G sẽ cung cấp những cải tiến lớn cho thiết bị đeo thông minh, nhà thông minh và là trụ cột của nền kinh tế số thay vì một dịch vụ sẽ chỉ tác động đến người tiêu dùng.

Ví dụ, mạng 5G cho các nhà sản xuất thiết bị viễn thông và nhà mạng cơ hội xây dựng các nhà máy thông minh và tận dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot điều khiển từ xa, tự động hóa và thực tế tăng cường (AR) để khắc phục sự cố.

Việt Nam sẽ triển khai 5G như thế nào?

Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị ASEAN về 5G.

Tại Hội nghị ASEAN về 5G theo sáng kiến của Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội vào cuối tuần qua, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Đức Trung đã công bố về lộ trình triển khai 5G của Việt Nam. “Việt Nam đang thử nghiệm 5G trong năm 2019 và dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ 5G thương mại vào năm 2020”, ông Trung nói.

Cục trưởng Nguyễn Đức Trung cũng cho biết Việt Nam sẽ tiến hành triển khai 5G trong 1 năm, chia thành 3 giai đoạn: thử nghiệm (2019), hoạch định băng tần (2019-2020) và cấp phép triển khai 5G thương mại (2020).

Đầu năm 2019, nhà mạng đầu tiên là Viettel được cấp phép thử nghiệm 5G. Viettel đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ 5G và chi 40 triệu USD để phát triển chipset 5G riêng từ năm 2015. Trong thời gian thử nghiệm, Viettel được cho sẽ triển khai thử nghiệm bằng công nghệ của Nokia và Ericsson. Trong khi đó, 2 ông lớn khác là VNPT, Mobifone sẽ được cấp phép vào cuối tháng 3.

Mục tiêu giai đoạn này là đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí như vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G và cơ sở hạ tầng mạng hiện tại. Từ đó, các nhà mạng có thể lên kế hoạch, thiết kế và triển khai mạng 5G thử nghiệm trên dải tần trung bình (<6Ghz) và dải tần siêu cao (mmWave) khi ứng dụng công nghệ MassiveMimo.

TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 đô thị lớn được chọn làm nơi thí điểm 5G của cả 3 nhà mạng lớn, với tổng cộng 44 điểm thử nghiệm tại Hà Nội và 52 điểm thử nghiệm tại TP. HCM. Các điểm thử nghiệm sẽ được tập trung ở các quận nội thành. Ngoài ra, nhà mạng Mobifone cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm 5G ở Hải Phòng và Đà Nẵng.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, việc triển khai sớm 5G sẽ giúp Việt Nam tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Đồng thời, công nghệ này sẽ giúp Việt Nam đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng viễn thông thế giới. Chính phủ Việt Nam dự kiến phân bổ các phổ tần 5G cho nhà mạng vào năm 2020, để đặt nền móng cho các dự án xe tự hành, thực tế tăng cường hay các ứng dụng cần dữ liệu lớn.

Trong quá khứ, Việt Nam đã xếp hạng thứ 20 thế giới về số lượng thuê bao băng thông rộng. Tuy nhiên, khi công nghệ 3G ra mắt, chúng ta đã trượt khỏi top 100 và chậm hơn 6-8 năm so với tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở hạ tầng 4G. Do đó, để hiện thực hóa giấc mơ 5G của Việt Nam ngay trong năm tới cần tới chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư từ phía chính phủ, cũng như nỗ lực đổi mới các nhà mạng.

Việt Anh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/lieu-viet-nam-da-san-sang-de-trien-khai-5g-318725.html