Liệu Trung Quốc có thể thành siêu cường nếu thiếu những doanh nhân như Jack Ma?

Trung Quốc đã giảm quy mô các nhà vô địch công nghệ toàn cầu của mình, ngăn chặn các hành vi lạm dụng, chống độc quyền và chấp nhận rủi ro quá mức. Tuy nhiên cách này có thể phản tác dụng với Bắc Kinh.

Tỷ phú Jack Ma.

Tỷ phú Jack Ma.

Một số công ty công nghệ đã bị điều tra trong vài tháng qua trước cáo buộc có hành vi độc quyền hoặc vi phạm quyền của người tiêu dùng. Các cuộc điều tra đang diễn ra đối với một số công ty công nghệ lớn và dẫn đến các khoản tiền phạt kỷ lục, giá trị cổ phiếu công nghệ lớn nhất đã bốc hơi hơn 600 tỷ USD trong những tháng gần đây. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng các cuộc điều tra trên rất cần thiết để duy trì “sự ổn định xã hội”.

Một số doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc đã từ chức trong bối cảnh hỗn loạn. Người sáng lập TikTok ByteDance Zhang Yiming gần đây tuyên bố sẽ từ chức giám đốc điều hành khi mới 38 tuổi để đảm nhận vai trò kém nổi bật hơn trong công ty. Colin Huang, 41 tuổi, cho biết sẽ từ chức chủ tịch công ty thương mại điện tử mới nổi Pinduoduo (PDD). Trong khi đó, đồng sáng lập hãng Alibaba Jack Ma đã không còn xuất hiện trước công chúng.

Trong các thông báo của mình, Zhang và Huang đều cho biết họ đang rời đi để thử những điều mới mẻ và không đề cập đến sự tập trung của chính phủ vào lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, thật khó có thể tách rời việc họ ra đi với sự kìm hãm ngày càng lớn của chính phủ đối với các công ty công nghệ.

Thành viên nghiên cứu Alex Capri tại tổ chức Hinrich Foundation và ĐH Quốc gia Singapore cho rằng bầu không khí trên đầu các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng độc hại. Ông nói rằng động thái của ông Zhang là “bằng chứng cho thấy nỗi sợ hãi lấn át tham vọng”.

Động lực vươn lên là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp tư nhân vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ một nước nghèo thành một trong những nước có nền kinh tế và công nghệ lớn nhất thế giới trong vài thập kỷ qua.

Đánh mất động lực đó không chỉ gây nguy cơ làm xói mòn một số thành tựu có được, mà còn khiến Trung Quốc khó đạt được các mục tiêu tham vọng là dẫn đầu thế giới về công nghệ trong tương lai.

Đồng sáng lập Công ty Alibaba Jack Ma (phải) và CEO Pony Ma của Công ty Tencent Holdings.

Vì sao chính quyền mạnh tay với các công ty công nghệ tư nhân?

Các giám đốc điều hành công nghệ có thể rút ra bài học từ những gì Jack Ma phải chịu. Doanh nhân này đã biến mất sau khi ông chỉ trích ngân hàng do nhà nước quản lý giống như “tiệm cầm đồ”, đồng thời cáo buộc chính phủ dùng các phương tiện lỗi thời để điều chỉnh hệ thống tài chính hiện đại.

Bắc Kinh đã ngăn chặn tập đoàn Ant, một chi nhánh tài chính của Alibaba, phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Ant cũng bị buộc phải tái cấu trúc và phải chịu những quy định nghiêm ngặt. Trong khi đó Alibaba bị phạt mức tiền kỷ lục vào tháng 3 vì những quy định chống độc quyền. Jack Ma buộc phải rút lui khỏi môi trường ưu tú mà ông đã gây dựng lên.

Theo ông Nicholas Lardy của Viện Quốc tế Peterson (PIIE), cho rằng việc Trung Quốc siết chặt các công ty công nghệ internet là do muốn giảm rủi ro tài chính. Bên cạnh đó, Bắc Kinh có thể muốn kiểm soát nhiều hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân, vì cho rằng nền kinh tế kế hoạch do nhà nước quản lý sẽ hiệu quả hơn một nền kinh tế dựa trên sự tiếp cận thị trường tự do. Quan trọng hơn, nó giúp chính quyền trung ương bảo toàn quyền lực của mình.

Chiến lược mạo hiểm

Phép màu kinh tế kéo dài và sự thăng tiến của Trung Quốc với tư cách là nước dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ có nguồn gốc từ quyết định nhìn xa trông rộng của Bắc Kinh vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Trong đó chính quyền từ bỏ một số quyền kiểm soát nền kinh tế và áp dụng cách tiếp cận thị trường tự do trong nhiều lĩnh vực.

Việc nhà nước khôi phục mức độ kiểm soát cao, có thể hạn chế quyền tự do mà các công ty tư nhân nước này có được để đổi mới, và theo kịp đối thủ cạnh tranh lớn trên toàn cầu.

Nhà đầu tư có thể mất động lực rót tiền vào các công ty tư nhân của Trung Quốc nếu họ lo lắng “về sự can thiệp không mong muốn của chính phủ” – giáo sư Jonja Opper tại ĐH Bocconi ở Italy từng nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc cho biết.

Alibaba đã mất hơn 240 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường kể từ khi việc phát hành cổ phiếu lần đầu bị cản trở. Hãng Tencent đã mất 173 tỷ USD giá trị thị trường so với mức đỉnh vào tháng 1. Trong khi đó, các công ty thương mại điện tử Pinduoduo, JD và công ty giao thực phẩm Meituan đã mất tổng cộng 231 tỷ USD kể từ mức đỉnh vào tháng 2.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc không muốn loại bỏ khu vực tư nhân vốn đóng góp gần 2/3 GDP của đất nước và sử dụng 80% lao động. Nhưng rõ ràng là Bắc Kinh muốn khu vực nhà nước dẫn đầu, còn các công ty tư nhân chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

“Đó là một nghịch lý” – ông Lardy nói – “Ông Tập muốn nhà nước đóng vai trò lớn hơn. Đó là điều rất rõ ràng trong tất cả những gì ông ấy nói trong 10 năm qua. Ông ấy muốn chính phủ đóng một vai trò lớn hơn để mọi việc diễn ra nhanh hơn”.

Tuy nhiên, để ông Tập đạt được tham vọng biến Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu về đổi mới vào năm 2035 và là siêu cường vào năm 2050, ông ấy sẽ cần dựa nhiều hơn vào các công ty tư nhân.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng nhấn mạnh vào việc nước này phải giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây, đặc biệt là khi Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với công ty Mỹ. Tuy nhiên, các công ty thúc đẩy sự đổi mới và phát triển ở Trung Quốc lại không phải là công ty nhà nước mà là các công ty tư nhân.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/lieu-trung-quoc-co-the-thanh-sieu-cuong-neu-thieu-nhung-doanh-nhan-nhu-jack-ma-oWX7j96Mg.html