Liệu Trung Quốc có sẵn sàng từ chối hàng hóa Mỹ?

Theo nhận định của Forbes, Trung Quốc có thể gây khó khăn nghiêm trọng cho hoạt động kinh doanh của Apple, Tesla và Boeing, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Biểu tượng Boeing trên thân máy bay 787-10 Dreamliner. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Boeing trên thân máy bay 787-10 Dreamliner. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa sử dụng các biện pháp rất cứng rắn để đáp trả các mức thuế từ phía Mỹ mà chỉ giới hạn những biện pháp trả đũa ở các mức độ khác nhau như tăng thuế đối kháng và lập danh sách đen các công ty Mỹ không đáng tin cậy. Tuy nhiên, Bắc Kinh sở hữu những "con bài" có thể trở thành đòn giáng trả nhằm vào Mỹ.
Sách Trắng về cuộc chiến thương mại với Mỹ vừa được Trung Quốc công bố mới đây nói rằng Bắc Kinh không muốn đối đầu với Mỹ, không e ngại chiến tranh thương mại, và sẵn sàng, trong trường hợp nếu cần, sẽ chiến đấu với Mỹ đến cùng. Sách Trắng cũng lưu ý rằng Trung Quốc có đủ nguồn lực để đảm bảo "sức khỏe" của nền kinh tế trong trường hợp tình trạng bế tắc thương mại kéo dài. Tất nhiên, Bắc Kinh cũng thừa nhận cuộc chiến thương mại có thể rất mệt mỏi và gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước. Trong cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng) sẽ không xảy ra và Mỹ cũng sẽ chịu tổn thất lớn.
Vào thời điểm cuộc chiến thương mại đã leo thang lên một mức độ mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm một trong những xí nghiệp khai thác và sản xuất kim loại đất hiếm của nước này. Điều này ẩn ý nhắn gửi một thông điệp rõ ràng tới thế giới rằng "Trung Quốc là nhà cung cấp kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới. Nếu không có đất hiếm thì không thể sản xuất hầu như bất kỳ thiết bị điện tử công nghệ cao nào". Hiện tại nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc đáp ứng hơn 80% nhu cầu ở Mỹ. Tất nhiên, Mỹ có thể cấm các công ty của Mỹ cung cấp chip và các thành phần thiết yếu khác cho Trung Quốc. Trong khi đó, quốc gia Đông Bắc Á này cũng có thể ngừng cung cấp nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất những con chip này.
Ngoài cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm, Trung Quốc có thể sử dụng trái phiếu kho bạc Mỹ làm vũ khí để trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ, với lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ có trị giá vào khoảng 1.200 tỷ USD. Việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ có thể làm giảm giá trị của loại trái phiếu này, qua đó đẩy lợi suất trái phiếu đi lên. Điều này có nghĩa là chi phí đi vay của kinh tế Mỹ gia tăng và Washington sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng dựa trên mô hình tín dụng này.

Tuy nhiên, chuyên gia thương mại quốc tế Claude Barfield, cựu cố vấn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, giải thích hậu quả đối với cả hai bên sẽ là rất lớn nếu Trung Quốc quyết định sử dụng trái phiếu kho bạc Mỹ như một công cụ để gây áp lực trong cuộc chiến thương mại. Ông Barfield cho biết, có nhiều ý kiến nhận định nếu Trung Quốc bán phá giá trái phiếu kho bạc Mỹ, thì đây có thể sẽ là một đòn giáng mạnh đối với Mỹ bởi nó sẽ tạo ra sự hỗn loạn và ảnh hưởng đến giá trị của trái phiếu Mỹ. Nhưng cần phải lưu ý rằng, phía Trung Quốc cũng sẽ bị tác động.
Trung Quốc cũng có thể có nhiều biện pháp ảnh hưởng đơn giản hơn đối với Mỹ. Forbes lưu ý Trung Quốc có thể chỉ đơn giản là cấm bán iPhone, ô tô hoặc máy bay của Mỹ tại thị trường nội địa. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hầu hết các công ty khổng lồ Mỹ. Theo tính toán của công ty đầu tư Cowen của Mỹ, việc cấm bán iPhone tại thị trường Trung Quốc sẽ làm giảm 26% lợi nhuận của Apple. Gần một phần tư doanh số bán (dân sự) của Boeing đến từ Trung Quốc.
Thực tiễn cho thấy, nếu cần thiết, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có thể từ chối hàng hóa nước ngoài. Trong thời gian gia tăng mâu thuẫn về lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, người dân Trung Quốc đã tích cực ủng hộ hành động tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản. Các quán sushi trống rỗng, các cửa hàng điện tử Nhật Bản như Sony bị thua lỗ nặng. Một số người Trung Quốc còn công khai phá hủy những chiếc ô tô do Nhật Bản sản xuất mà họ sở hữu. Sau quyết định của Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, người Trung Quốc yêu nước đã từ chối đến nước này. Hậu quả là, lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Hàn Quốc sụt giảm 60-70%.
Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu WTO tại Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế, ông Tu Xinquan nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng hiện giờ ít khả năng Trung Quốc sẽ chính thức đóng cửa thị trường đối với các công ty Mỹ. Trung Quốc hoạt động theo nguyên tắc thị trường và tôn trọng lợi ích hợp pháp của các công ty.

Ông Xinquan nói thêm: "Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ đóng cửa thị trường hoặc từ chối hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh sẽ bảo vệ các khoản đầu tư và lợi ích hợp pháp của các công ty nước ngoài tại nước này. Trung Quốc đã lập danh sách đen các công ty ngoại quốc không đáng tin cậy, cụ thể là một số công ty vi phạm quy tắc và hợp đồng thị trường, chặn nguồn cung cấp linh kiện, vi phạm lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Có lẽ, bây giờ, FedEx sẽ có tên trong danh sách này, nhưng điều đó không có nghĩa là công ty này sẽ không được phép hoạt động ở Trung Quốc. Đối với các công ty như Tesla hay Apple, khi đầu tư vào Trung Quốc, bản thân họ phải chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại".
Chính quyền Trung Quốc đã mở cuộc điều tra đối với công ty vận chuyển FedEx của Mỹ vì nghi ngờ công ty này vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng Trung Quốc. Theo phía Trung Quốc, FedEx đã vi phạm các điều khoản giao bưu kiện cho khách hàng ở Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng quyền của họ, cũng như vi phạm luật pháp và các quy định quản lý về giao hàng. Tuy vậy, loại hình phạt nào có thể được áp dụng đối với FedEx hiện chưa được thông báo. Hiện cũng chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với các công ty khác rơi vào danh sách đen của Trung Quốc./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/lieu-trung-quoc-co-san-sang-tu-choi-hang-hoa-my-/124308.html