Liệu Trung Quốc có lớn tiếng bênh vực Iran tại G20?

Bắc Kinh có nhiều động lực để đề cập vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran tại thượng đỉnh G20, nhưng có thể dè dặt hơn vì vẫn kẹt trong thương chiến với Mỹ.

Trung Quốc thời gian qua cho thấy sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ dành cho Iran trong những xung đột gần đây với Mỹ, theo South China Morning Post.

Tuy nhiên, giới quan sát ngoại giao cho rằng Bắc Kinh nên cẩn trọng tránh khiêu khích đối đầu trực tiếp với Washington trong căng thẳng vùng Vịnh và tác động đến ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc tại khu vực.

Căng thẳng gia tăng

Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang nghiêm trọng trong tuần qua, sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bắn hạ máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk. Tehran cáo buộc máy bay do thám xâm phạm lãnh thổ miền nam Iran, trong khi Washington khẳng định máy bay trúng tên lửa trên không phận quốc tế.

Động thái "đổ thêm dầu vào lửa" mới nhất xảy ra vào ngày 24/6. Tổng thống Donald Trump phê duyệt sắc lệnh mới, tăng thêm cấm vận kinh tế đối với Tehran.

Căng thẳng vùng Vịnh gia tăng nghiêm trọng trong hai tháng qua, với đỉnh điểm khi Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ ngày 20/6. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Căng thẳng vùng Vịnh gia tăng nghiêm trọng trong hai tháng qua, với đỉnh điểm khi Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ ngày 20/6. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Lệnh trừng phạt nhắm trực tiếp đến ông Ayatollah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran, và 8 tư lệnh cấp cao trong quân đội nước này. Tehran lập tức phản đối và khẳng định sắc lệnh cấm vận mới đã "đóng vĩnh viễn" cánh cửa ngoại giao.

Là một trong những đồng minh quan trọng của Tehran, Bắc Kinh từng hứa sẽ duy trì ủng hộ chính trị và kinh tế bất chấp những thay đổi chính sách của Washington trong các thập niên qua.

Tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng lên tiếng cảnh báo Mỹ "đừng mở chiếc hộp Pandora ở Trung Đông" với các động thái tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực.

Đồng cảnh ngộ

Giới quan sát ngoại giao nhận định Mỹ đã tự mở đường cho quan hệ hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Iran, khi cả hai nước cùng đối diện sức ép khổng lồ từ Washington.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - vào năm 2018. Trong bản kế hoạch, chính quyền Tehran đã đồng ý đưa ra một lộ trình tạm dừng chương trình hạt nhân. Kế hoạch được nhất trí bởi Mỹ cùng bốn thành viên thường trực còn lại trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Âu (EU).

"Iran chắc chắn muốn Trung Quốc đề cập đến những vấn đề an ninh và kinh tế của Iran tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka", Mohsen Shariatinia, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Quốc gia Shahid Beheshti ở Tehran, nhận định.

"Việc Trung Quốc chủ động ủng hộ JCPOA phù hợp với lợi ích của cả Iran và Trung Quốc, duy trì ổn định cho toàn khu vực. Căng thẳng trong vấn đề Iran hiện ở mức cao nhất trong một thập niên qua và Iran muốn Bắc Kinh ủng hộ Tehran cả về chính trị lẫn chiến lược", ông dự báo.

Giới quan sát nhận định Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng một mặt trận ngoại giao cùng những chính phủ chia sẻ lập trường phản đối Washington rút khỏi JCPOA. Các quan chức cấp cao từ Bắc Kinh sẽ có mặt tại Vienna ngày 27/6 tìm cách giải cứu thỏa thuận hạt nhân. Cuộc họp cũng có đại diện chính quyền các nước Iran, Nga, Pháp, Anh và Đức.

"Trung Quốc là nước duy nhất ra mặt chống đối các lệnh trừng phạt Iran và công khai khẳng định sẽ duy trì quan hệ kinh tế và chính trị với Iran. Họ cũng ủng hộ Iran tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", Shariatinia phân tích.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gặp người đồng cấp phía Trung Quốc, ông Vương Nghị, vào tháng 5/2018 ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Adam Ni, chuyên gia về Trung Quốc tại ĐH Macquarie ở Sydney, cũng dự đoán Bắc Kinh và Tehran có khả năng củng cố quan hệ quốc phòng vì lợi ích của đôi bên.

"Trung Quốc đang nhìn nhận Iran là một đối tác quan trọng tại khu vực, đồng thời là một nước đồng cảnh ngộ chịu sức ép từ Mỹ", ông đánh giá.

"Bắc Kinh có xu hướng thắt chặt quan hệ với những nước như Nga, Iran và Triều Tiên trong hoàn cảnh chiến lược hiện nay. Đối với Bắc Kinh, mối quan hệ tốt đẹp với những nước này sẽ cho họ lợi thế mặc cả trong các thảo luận cùng Mỹ. Ngoại giao ngầm và hỗ trợ kinh tế có thể được xúc tiến", Adam Ni đánh giá.

Rủi ro từ thương chiến

Nhiều chuyên gia nhận định nỗ lực tạo ảnh hưởng trong các vấn đề Iran có thể mở ra nhiều rủi ro cho Trung Quốc. Bản thân nước này đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Bắc Kinh đang muốn giảm bớt căng thẳng thương mại với Washington trong cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những mâu thuẫn sâu sắc trong lập trường thương mại khiến nhiều chuyên gia dự đoán cuộc gặp chỉ giúp nối lại đàm phán, chứ chưa dám mong giải quyết hoàn toàn xung đột.

Bất cứ điều gì làm tăng không khí tiêu cực của đối thoại đều có thể bị gạt ra rìa.

"Trong vấn đề JCPOA, dù Trung Quốc rất mong muốn giải cứu thỏa thuận và tháo ngòi nổ một cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn, họ không thấy mình có lợi thế mặc cả quyết định dù với Mỹ hay Iran", Triệu Thông, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa, nhận định.

Phó thủ tướng Lưu Hạc trò chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bên lề vòng đàm phán hồi tháng 5 ở Washington. Ảnh: Reuters.

"Hệ quả là Trung Quốc có thể đề cập đến thỏa thuận hạt nhân Iran tại Osaka, nhưng tôi không kỳ vọng họ dành nhiều nguồn lực ngoại giao để thách thức lập trường phía Mỹ", ông dự báo.

Trung Quốc cũng phải tìm cách cân bằng quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia với tổng giá trị hàng hóa năm 2018 lên đến 63 tỷ USD. Trong chuyến thăm của Vua Salman đến Bắc Kinh năm 2017, hai nước ký hàng loạt thỏa thuận trị giá gần 65 tỷ USD tập trung chủ yếu vào năng lượng và công nghệ.

Giới quan sát đánh giá Trung Quốc đang trong tình thế khó lòng bênh vực Iran mạnh mẽ, nhưng vẫn có thể ủng hộ về khía cạnh ngoại giao và an ninh.

"Vì Iran có vị trí chiến lược quan trọng tại Trung Đông, phía Trung Quốc có thể gia tăng quan hệ quân sự với họ trong tương lai. Tuy nhiên, điều này sẽ diễn ra chậm theo thời gian chứ không thay đổi một sớm một chiều", ông Triệu nhận định.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lieu-trung-quoc-co-lon-tieng-benh-vuc-iran-tai-g20-post960516.html