Liệu Trung Quốc có chịu đàm phán New START?

Một quan chức giấu tên của Nhà Trắng hôm 28-2 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh 5 nước ủy viên thường trực (P5) Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm thảo luận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Mục tiêu của hội nghị là thúc đẩy đàm phán New START 3 bên gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc, thay vì duy trì cơ chế song phương Mỹ-Nga. New START được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm. New START, vốn là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng cuối cùng của hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.

Hãng tin AP cho hay các quan chức Mỹ-Nga đã gặp nhau 3 lần bàn về số phận của New START. Giới chức Mỹ và Trung Quốc cũng đã có cuộc đối thoại tương tự. Tuy nhiên, chưa có cuộc gặp 3 bên Mỹ-Nga-Trung cho vấn đề New START. Nga trước đây phản đối, nhưng nay đã tỏ ý ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Trump kêu gọi Trung Quốc tham gia New START.

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã dấy lên nhiều mối quan ngại tại châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài vũ khí hạt nhân đang được nâng cấp, Bắc Kinh còn có năng lực tên lửa đạn đạo và kỹ năng vũ khí sinh hóa học. Thế nhưng Trung Quốc đã bác bỏ sáng kiến của ông Trunp với lập luận rằng lực lượng hạt nhân nhỏ bé của nước này chỉ mang tính phòng thủ và không đe dọa ai. Ngay cả một số chuyên gia và nghị sĩ Mỹ cũng nghi ngờ đề xuất của chủ nhân Nhà Trắng, cho rằng việc đặt điều kiện Bắc Kinh phải tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí chẳng qua chỉ là cái cớ, thậm chí là “chiến lược liều thuốc độc” nhằm sớm kết liễu New START để thúc đẩy tham vọng hạt nhân riêng. Hiện chính quyền Trump từ chối gia hạn New START thêm 5 năm theo đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mỹ và Nga được cho đang lần lượt sở hữu 3.800 và 4.490 vũ khí hạt nhân. Trung Quốc, Pháp và Anh mỗi nước sở hữu khoảng 300 vũ khí hạt nhân. Vậy nên, nếu thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn thương lượng New START thì Pháp và Anh có đứng ngoài cuộc không? Tim Morrison, cựu quan chức phụ trách kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt trong Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng, cho rằng các cường quốc hạt nhân như Ấn Độ và Pakistan cũng cần đưa vào khuôn khổ New START. Nếu không có đủ các cường quốc hạt nhân tham gia New START thì liệu Bắc Kinh có chịu đàm phán 3 bên Mỹ-Nga-Trung theo ý muốn của ông Trump hay không?

Hiện chưa rõ thời gian và địa điểm cho thượng đỉnh P5 về New START, song nó có thể được tổ chức nhân dịp diễn ra khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 ở thành phố New York, Mỹ.

KIẾN HÒA

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/lieu-trung-quoc-co-chiu-dam-phan-new-start-a118725.html