Liều trồng bưởi, lãi trăm triệu

Mạnh dạn chặt bỏ vườn nhãn cằn cỗi, kém hiệu quả, ông Đào Văn Minh, ở ấp Quới Thạnh Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre) chuyển sang trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Làm liều” khi chọn bưởi da xanh

Nhiều năm liền, nhãn xuồng cơm vàng ở huyện Châu Thành không còn cho thu nhập ổn định, giá cả lại thường xuyên xuống thấp nên từ năm 2004, ông Minh quyết định trồng xen cây bưởi trong vườn nhãn 8.000m2. “Lúc đó, đối với cây nhãn, tôi vẫn chăm sóc bình thường, tiền thu được khi thu hoạch tôi đem mua phân, thuốc bồi dưỡng cho cây bưởi. Cách lấy ngắn nuôi dài này khá ổn” – ông Minh chia sẻ.

Ông Đào Văn Minh chăm sóc vườn bưởi của mình. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Minh, đến năm 2007, khi cây bưởi da xanh đã lớn, ông mới chặt bỏ tất cả nhãn. Được chăm sóc cẩn thận, năm 2008, vườn bưởi da xanh bắt đầu cho thu hoạch, với sản lượng 2,5 tấn, lãi 25 triệu đồng.

Cũng từ khi chặt hết nhãn, ông Minh tập trung mọi công việc vào chăm sóc bưởi. Cụ thể, ông lắp đặt hệ thống dẫn nước tưới cho vườn vào mùa nắng, xây dựng hệ thống đê bao xung quanh vườn bưởi ngăn triều cường gây ngập úng.

Bưởi da xanh là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bến Tre đã được Bộ NNPTNT xác định là 1 trong 12 loại cây ăn trái có tiềm năng xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Năm 2009, ông vận động 51 người dân khác ở địa phương trồng bưởi da xanh, rồi thành lập tổ liên kết trồng bưởi theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 27ha, lấy tên là Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành. “Tổ thường xuyên họp vào tuần đầu mỗi tháng, chúng tôi trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và vạch ra hướng đi trong thời gian tới” – ông Minh cho hay.

Lãi cao và ổn định

Đối với quy trình trồng bưởi VietGAP, ông Minh được các nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Sở NNPTNT, Sở KHCN tỉnh Bến Tre đến tư vấn, hướng dẫn sản xuất. Sau 2 năm áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, mô hình trồng bưởi da xanh của ông Minh và 12 nông dân khác trong Tổ hợp tác đã được Công ty CP Giám định và khử trùng FCC cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (tổng diện tích được chứng nhận 6,1ha).

“Vườn bưởi da xanh của chúng tôi có sơ đồ, hồ sơ rõ ràng, việc chăm sóc diễn ra trong vườn đều được ghi chép lại... Đầu ra cho trái bưởi da xanh không còn là điều lo ngại vì khi thu hoạch, sản phẩm đều được các công ty bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000 đồng/kg trở lên. Phần lớn các công ty mua để xuất khẩu” – ông Minh khoe.

Ông Minh khẳng định, nhờ áp dụng các quy trình sản xuất VietGAP, vườn bưởi da xanh cho năng suất và nguồn thu nhập tăng đáng kể. Theo tính toán, hiện mỗi vụ ông thu hoạch từ 13-14 tấn bưởi, với mức giá từ 25.000-35.000 đồng/kg. Ước tính năm 2016, trừ chi phí ông Minh lãi hơn 250 triệu đồng. Sản xuất bưởi theo VietGAP làm giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học sử dụng. Theo đó, chi phí đầu tư vườn bưởi cũng giảm so với kiểu trồng truyền thống trước đây.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/lieu-trong-buoi-lai-tram-trieu-719591.html